.

Xã hội hóa để phát triển thể dục-thể thao

.
08:18, Thứ Tư, 17/07/2019 (GMT+7)
(QBĐT) - Những năm qua, nhờ sự chung tay của các nhà tài trợ, các hoạt động thể dục-thể thao (TDTT) trên địa bàn tỉnh ta có điều kiện phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, trong tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn, trên địa bàn ít có doanh nghiệp lớn, công tác kêu gọi tài trợ cho các hoạt động TDTT đang gặp không ít khó khăn.
 
Doanh nghiệp cùng đồng hành
 
Thời gian qua, nhiều hoạt động TDTT trên địa bàn tỉnh đã được “gắn tên” với các doanh nghiệp. Ví như giải việt dã truyền thống tranh cúp Sacombank, giải bóng đá nam Quảng Bình tranh cúp Huda hoặc giải Karatedo tranh cúp Tuệ Lâm…, trong đó tên cúp chính là tên doanh nghiệp.
 
Đây là sự bắt tay “đôi bên cùng có lợi”. Một khi doanh nghiệp tài trợ cho giải thì hình ảnh, thương hiệu của doanh nghiệp sẽ được quảng bá, gắn tên trên pa-nô, áp-phích, thông tin trên đài, báo trong suốt thời gian diễn ra giải. Còn Ban tổ chức sẽ có kinh phí để điều hành, số tiền tài trợ càng cao (đồng nghĩa với giải thưởng lớn) thì giải đấu càng quy mô, uy tín và thu hút được nhiều người tham gia.
 
Thể thao là sự kiện, mà đã là sự kiện thì phải có kinh phí để tổ chức. Theo ông Nguyễn Văn Tuynh, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT Quảng Bình, nếu chỉ có ngân sách nhà nước sẽ không thể tổ chức được các giải đấu, trong khi nhu cầu của các hoạt động này ngày càng cao. Thế nên, để tổ chức một giải đấu chất lượng, các đơn vị buộc phải đi vận động, tìm kiếm nguồn tài trợ và đây cũng là con đường duy nhất để ngày càng chuyên nghiệp hóa TDTT.
 
“Bản chất hoạt động của doanh nghiệp là phải sinh ra lợi nhuận, do đó, muốn nhà tài trợ đến với mình, Ban tổ chức các giải đấu phải chứng tỏ cho họ thấy đây là giải đấu uy tín, chất lượng, thu hút được nhiều vận động viên, người dân tham gia.”, ông Tuynh cho biết. 
Một trận thi đấu tại giải Karatedo tranh cúp Tuệ Lâm do Công ty TNHH Công nghệ cao Tuệ Lâm đứng ra tổ chức.
Một trận thi đấu tại giải Karatedo tranh cúp Tuệ Lâm do Công ty TNHH Công nghệ cao Tuệ Lâm đứng ra tổ chức.
Trong những năm qua, Sở Văn hóa và Thể thao, ngoài việc tổ chức tốt các giải đấu TDTT truyền thống, thường niên trong tỉnh, còn đăng cai tốt các giải đấu có quy mô toàn quốc, qua đó, giới thiệu, quảng bá hình ảnh mảnh đất, con người Quảng Bình với khách du lịch trong nước và quốc tế. Ở các giải đấu như thế này, ít nhiều đều có sự đồng hành của các nhà tài trợ, bởi các doanh nghiệp cũng nhận thấy đây là cơ hội lớn để họ giới thiệu, quảng bá sản phẩm. Mới đây nhất, Quảng Bình đã đăng cai tổ chức thành công vòng bán kết giải bóng chuyền hạng A toàn quốc năm 2019. Đây là giải đấu thu hút được đông đảo khán giả đến sân vì quy tụ được những đội và cầu thủ bóng chuyền mạnh nhất của cả nước. Đồng hành giải đấu, có sự hỗ trợ của nhãn hàng sơn Jonstone (Công ty CP sơn Jonstone Việt Nam)…
 
Ngoài tài trợ cho các giải đấu, nhiều đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng đã đứng ra tổ chức các giải đấu như: giải Karatedo tranh cúp Tuệ Lâm do Công ty TNHH Công nghệ cao Tuệ Lâm tổ chức; giải bóng đá báo chí tranh cúp Trường Thịnh do Tập đoàn Trường Thịnh tổ chức… Với việc đứng ra tổ chức các giải đấu, các doanh nghiệp hiểu được tầm quan trọng của công tác xã hội hóa (XHH) TDTT, từ đó, chung vai gánh vác trách nhiệm với chính quyền địa phương trong việc phát triển phong trào TDTT…
 
Tuy vậy, đánh giá về công tác XHH TDTT trong những năm qua, ông Nguyễn Văn Tuynh, cho biết, dù XHH là con đường duy nhất và là mục tiêu phát triển đường dài của thể thao nhưng hiện tại, các giải pháp XHH hoạt động TDTT tại Quảng Bình còn gặp không ít khó khăn. Nguyên nhân chính là trên địa bàn tỉnh có quá ít doanh nghiệp “máu mặt” và còn ít quan tâm đến hoạt động TDTT. Ngoài ra, công tác này còn thiếu đồng bộ, chưa có những báo cáo, đánh giá đầy đủ về thực trạng, đặc biệt chưa lựa chọn được các biện pháp phù hợp để nâng cao hiệu quả công tác XHH TDTT…
 
Tạo “sân chơi” từ cơ sở
 
Để có được các hoạt động thường xuyên, liên tục, Sở Văn hóa và Thể thao, các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh luôn khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển cơ sở vật chất cho hoạt động TDTT như: nhà thi đấu, sân bóng đá, quần vợt, bóng bàn… Đồng thời, đẩy mạnh việc hình thành các CLB TDTT ở xã, phường, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, đặc biệt là trong trường học với mục tiêu thu hút ngày càng nhiều người tham gia rèn luyện thân thể và đó cũng chính là mục tiêu của công tác XHH TDTT. Nói như vậy để thấy, mục đích cuối cùng của XHH là tạo ra nhiều sân chơi, trong đó, người dân là chủ thể hưởng thụ chính.
 
Những năm qua, Bố Trạch được đánh giá là một trong những địa phương làm tốt công tác XHH hoạt động TDTT. Song song với việc tài trợ, hỗ trợ kinh phí cho các giải thi đấu thể thao ở địa phương, nhiều tổ chức, cá nhân đã đầu tư xây dựng nhiều sân bóng đá nhân tạo, sân quần vợt, khu vui chơi thể thao… đáp ứng nhu cầu của người dân tham gia tập luyện.
 
Nói về công tác XHH TDTT ở Bố Trạch, ông Nguyễn Hữu Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch cho biết, vì nguồn ngân sách địa phương còn hạn chế nên việc đẩy mạnh XHH là một trong những giải pháp tất yếu nhằm huy động các nguồn lực đầu tư cho phong trào TDTT. Để công tác XHH trong lĩnh vực TDTT trên địa bàn huyện đạt hiệu quả, thời gian qua, UBND huyện, Phòng Văn hóa-Thông tin và các địa phương đã thực hiện những giải pháp như: tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho các cá nhân, tổ chức hiểu đúng về chủ trương XHH thể thao; đồng thời kêu gọi sự tham gia ủng hộ của các tổ chức, cá nhân trong việc tổ chức các giải thi đấu thể thao; tạo mọi điều kiện để khuyến khích các nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư các công trình thể thao, khu vui chơi, giải trí thể thao…
 
Có thể khẳng định rằng, nhờ làm tốt công tác XHH TDTT mà thể thao Bố Trạch đã có những bước chuyển mình đáng kể. Đặc biệt, để tổ chức thành công Đại hội TDTT cấp cơ sở và Đại hội TDTT huyện vừa qua, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã kêu gọi XHH được số tiền 4,2 tỷ đồng; còn tại Đại hội TDTT huyện, Ban tổ chức đã vận động được trên 2 tỷ đồng…
 
Phan Phương
,