.

Phòng, chống dịch sốt xuất huyết: Bắt đầu từ ý thức của người dân

.
10:00, Thứ Năm, 18/07/2019 (GMT+7)
(QBĐT) - Theo nhận định của ngành y tế, dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) năm nay diễn ra sớm hơn và có nguy cơ bùng phát trên diện rộng nếu không có những biện pháp chủ động phòng, chống kịp thời.
 
Hiện nay đang là thời kỳ đỉnh điểm của dịch SXH, đặc biệt, trong những tuần gần đây, số ổ dịch và số ca mắc liên tục tăng cao tại nhiều địa phương. Dự báo trong thời gian tới, tình hình dịch bệnh SXH tiếp tục có những diễn biến phức tạp.
 
Theo số liệu báo cáo của các huyện, thị xã, thành phố, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 1.833 trường hợp mắc SXH (cùng kỳ năm 2018 chỉ có 34 trường hợp mắc) tại 8/8 huyện, thị xã, thành phố. Cao nhất là thị xã Ba Đồn (593 người mắc), Bố Trạch (492 người), Quảng Trạch (175 người) và Quảng Ninh (176 người). Đặc biệt, dịch SXH đã xuất hiện tại một số xã, thị trấn thuộc huyện miền núi Minh Hóa (190 người) và Tuyên Hóa (107 người).
 
Trước diễn biến phức tạp của dịch SXH, ngành y tế đã tăng cường công tác chỉ đạo các đơn vị y tế trực thuộc chủ động phương án để sẵn sàng đối phó khi có dịch lớn xảy ra. Hiện tại, toàn ngành đang chú trọng triển khai việc giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nhiễm bệnh để tập trung điều trị hiệu quả; đồng thời, khoanh vùng, phun hóa chất diệt muỗi nhằm xử lý triệt để các ổ dịch.
Làm sạch và lật úp các dụng cụ chứa nước là một trong những biện pháp để phòng chống SXH.
Làm sạch và lật úp các dụng cụ chứa nước là một trong những biện pháp để phòng chống SXH.
Bác sỹ Đỗ Quốc Tiệp, Giám đốc Trung tâm YTDP tỉnh cho biết: Để ngăn chặn, phòng ngừa sự bùng phát, lây lan của dịch SXH, đặc biệt là thời điểm hiện tại, khi bắt đầu bước vào mùa mưa, Trung tâm YTDP tỉnh đã chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống SXH và chỉ đạo các trung tâm y tế tuyến huyện, các trạm y tế xã thực hiện kế hoạch diệt loăng quăng/bọ gậy, vệ sinh môi trường, phun hóa chất chống dịch.
 
Ngoài ra, trung tâm còn tăng cường chỉ đạo tuyến y tế cơ sở trong việc điều tra côn trùng, nhất là ở các xã, phường trọng điểm của dịch SXH và các ổ dịch cũ. Cán bộ y tế làm công tác dự phòng đã chủ động theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh nhằm phát hiện sớm những trường hợp mắc và chủ động thực hiện các biện pháp xử lý ổ dịch.
 
Tại các địa bàn trọng điểm, lực lượng cán bộ làm công tác y tế dự phòng đã đến tận các xã, hộ gia đình để tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân những biện pháp phòng bệnh, trong đó, tập trung vào việc diệt muỗi ở các vùng được xác định là “rốn” của dịch SXH.
 
Với phương châm “không có lăng quăng/bọ gậy, không có SXH”, các địa phương đã thành lập được những đội xung kích diệt lăng quăng/bọ gậy và xử lý ổ dịch; tổ chức phun hóa chất diệt muỗi, phòng, chống bệnh SXH tại một số khu dân cư và những nơi thường xảy ra ổ dịch nhỏ.
 
Hiện tại, Trung tâm YTDP đã chỉ đạo các đơn vị y tế tiến hành phun hóa chất chống dịch tại các xã, phường như: Quảng Hưng, Quảng Tùng, Quảng Thanh (Quảng Trạch), Quảng Thọ, Ba Đồn, Quảng Phong, Quảng Minh (thị xã Ba Đồn), Sơn Trạch, thị trấn Nông trường Việt Trung, Hoàn Lão, Phúc Trạch (Bố Trạch), Hải Ninh, Hiền Ninh, Tân Ninh (Quảng Ninh), Bảo Ninh, Đức Ninh (thành phố Đồng Hới), thị trấn Quy Đạt (Minh Hóa), thị trấn Đồng Lê (Tuyên Hóa)…
 
Cùng với việc tập trung xử lý các ổ dịch, Trung tâm YTDP tỉnh còn phối hợp chặt chẽ với các đơn vị y tế cơ sở trong giám sát tình hình dịch trên địa bàn để có biện pháp xử lý kịp thời và chuẩn bị đầy đủ thuốc, hóa chất diệt muỗi; đồng thời, duy trì các đội cơ động chống dịch trên toàn tỉnh.
 
Song song với việc triển khai các hoạt động chuyên môn, ngành Y tế còn tăng cường công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe để nâng cao nhận thức và làm thay đổi hành vi phòng bệnh của cộng đồng. Nội dung tuyên truyền tập trung vào việc vận động người dân thực hiện tổng vệ sinh môi trường, đậy kín các vật dụng chứa nước, thả cá ăn loăng quăng vào các dụng cụ chứa nước lớn, thường xuyên thay nước bình hoa và thu dọn các vật phế thải dễ gây đọng nước quanh nhà như: chai, lọ, vỏ đồ hộp, lốp xe…
 
Tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh, nhất là các bệnh viện, công tác tiếp nhận, điều trị cho bệnh nhân SXH cũng được tập trung triển khai từ việc sàng lọc bệnh nhân tại phòng khám bệnh đến bố trí giường bệnh, nhân lực và các yếu tố khác nhằm đáp ứng tốt công tác điều trị và dự phòng lây nhiễm bệnh SXH đến các bệnh nhân khác đang điều trị tại bệnh viện.
 
Sốt xuất huyết là một bệnh truyền nhiễm, bùng phát theo chu kỳ, có khả năng lây lan nhanh và có thể dẫn đến nguy cơ tử vong. Đặc điểm của muỗi truyền bệnh SXH là đẻ trứng trong những dụng cụ chứa nước. Vì vậy, để phòng bệnh SXH hiệu quả, ngoài các biện pháp quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch của ngành Y tế cần có sự vào cuộc đồng bộ của chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị-xã hội, các đoàn thể và nhất là sự phối hợp của cộng đồng trong việc loại trừ lăng quăng/bọ gậy cũng như phát hiện kịp thời các trường hợp mắc bệnh để được điều trị sớm nhằm phòng tránh nguy cơ lây lan diện rộng và hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong do SXH gây ra.
                                                                                                Nhật Văn
,