.

Một bệnh nhân tử vong do viêm cầu lợn

.
08:36, Thứ Năm, 30/05/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Tin từ Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới cho biết, vừa tiếp nhận cấp cứu bệnh nhân nam Đ. V. C., 62 tuổi, ở xã Quảng Châu (huyện Quảng Trạch) trong tình trạng nguy kịch và tử vong sau đó vài ngày.

Trước đó, ngày 23-5, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nguy kịch, lơ mơ, huyết áp không đo được, xuất hiện nhiều ban tím toàn thân, nhất là vùng 2 cẳng tay và được chẩn đoán sốc nhiễm trùng do liên cầu lợn.

Mặc dù đã được các bác sĩ điều trị tích cực, dùng kháng sinh theo phác đồ của Bộ Y tế nhưng tình trạng bệnh nhân không cải thiện mà có chiều hướng xấu đi, xuất hiện các ban hoại tử tiếp tục lan rộng, tiên lượng xấu nên gia đình xin đưa về quê.

Bệnh nhân bị nổi ban tím ở 2 cánh tay.
Bệnh nhân bị nổi ban tím ở 2 cánh tay.

Theo người nhà cho biết, trước ngày nhập viện bệnh nhân có ăn tiết canh, lòng lợn. Sau khi ăn 1 ngày, bệnh nhân thấy mệt mõi chán ăn, đau bụng, buồn nôn và nổi ban tím.

Các bác sỹ cho biết, khi mắc liên cầu lợn, bệnh nhân thường sốt cao, tri giác lơ mơ, li bì hôn mê, sốc tụt huyết áp, xuất hiện các ban hoại tử trên da. Bệnh liên cầu khuẩn diễn biến rất nhanh, nhiễm trùng máu, suy đa phủ tạng, nếu không được cấp cứu kịp thời, nguy cơ tử vong rất lớn.

Bệnh viêm cầu lợn lây từ người sang người có diễn biến nhanh và rất phức tạp. Dấu hiệu ban đầu của bệnh rất khó nhận biết ngoài việc sốt cao, rét run. Nếu bệnh nhân nhập viện muộn nguy cơ tử vong là rất lớn; không may mắc bệnh thì bệnh nhân sẽ phải điều trị dài ngày và chi phí vô cùng tốn kém.

Các bác sỹ khuyến cáo, để phòng bệnh viêm cầu lợn, người dân tuyệt đối không lựa chọn thịt lợn ốm, thịt không có nguồn gốc, khi sử dụng cần phải đun chín, tuyệt đối không ăn tiết canh; khi giết mổ phải có các thiết bị phòng hộ như khẩu trang, găng tay; phải đến các cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời khi có các biểu hiện như sốt cao, đau đầu, nôn, khó thở, nổi ban hoại tử trên người...

Bắc Lê

,