.

Phòng tránh ngộ độc thực phẩm: Ý thức người dân là quan trọng nhất

.
07:53, Thứ Năm, 14/06/2018 (GMT+7)
(QBĐT) - Thời tiết nắng nóng trong mùa hè là điều kiện lý tưởng để vi khuẩn, virus phát triển dẫn đến nguy cơ ngộ độc thực phẩm cao. Để giúp người dân hiểu rõ hơn về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, nhất là trong những tháng cao điểm của mùa hè, bác sĩ Nguyễn Quốc Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh đã cung cấp cho bạn đọc Báo Quảng Bình những thông tin cần thiết trong việc lựa chọn thực phẩm an toàn và các biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm.
 
P.V: Thưa bác sĩ, qua theo dõi hàng năm, trên địa bàn tỉnh ta, ngộ độc thực phẩm thường diễn ra vào mùa nào trong năm?
 
- Bác sĩ Nguyễn Quốc Tuấn: Thực tế cho thấy, nếu cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống và người tiêu dùng không thực hiện tốt các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) thì nguy cơ ngộ độc thực phẩm có thể xảy ra vào bất cứ thời điểm nào trong năm.
 
Tuy nhiên, mùa hè với đặc điểm khí hậu biến đổi thất thường, nóng bức kéo dài và hay có mưa lớn tạo độ ẩm cao là môi trường thuận lợi cho các loại vi khuẩn, vi sinh vật gây bệnh phát sinh, phát triển. Nếu chọn mua, bảo quản các nguyên liệu, đặc biệt là thực phẩm tươi sống không an toàn, chế biến thức ăn không đủ nhiệt độ, nấu xong không ăn ngay hoặc không đun lại sau khi bảo quản thức ăn quá 2 giờ thì nguy cơ ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm rất cao, nhất là thức ăn được chế biến có nguồn gốc động vật và các loại thực phẩm có nhiều dầu, đạm, như: thịt, cá, hải sản, sữa…  Bên cạnh đó, mùa hè cũng làm gia tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường, ô nhiễm do rác thải, nước thải và sự phát triển mạnh của côn trùng truyền bệnh, như: ruồi, muỗi, chuột… Đây là vấn đề rất đáng lo ngại bởi một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng có thói quen sử dụng thức ăn đường phố, thức ăn được bày bán trong điều kiện không bảo đảm vệ sinh...
 Lựa chọn thực phẩm an toàn luôn là mối quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng
Lựa chọn thực phẩm an toàn luôn là mối quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng
P.V: Làm sao để nhận biết và xử lý kịp thời khi bị ngộ độc thực phẩm, thưa bác sĩ?
 
- Bác sĩ Nguyễn Quốc Tuấn: Ngộ độc thực phẩm là các biểu hiện bệnh lý xuất hiện sau khi ăn, uống phải những loại thực phẩm nhiễm khuẩn, nhiễm độc hoặc có chứa chất gây ngộ độc; thức ăn bị biến chất, ôi thiu, có chất bảo quản, phụ gia không an toàn... Người bị ngộ độc thực phẩm thường biểu hiện qua những triệu chứng lâm sàng, như: nôn mửa, tiêu chảy, chóng mặt, sốt, đau bụng... Ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người bệnh, trong trường hợp không được xử lý kịp thời có thể dẫn đến tử vong. Vì vậy, khi phát hiện hoặc nghi ngờ bị ngộ độc, người dân cần dừng ngay việc sử dụng thực phẩm nghi ngờ và lưu giữ toàn bộ thức ăn đó lại (kể cả chất nôn, phân, nước tiểu…) để cơ quan chức năng xác minh làm rõ nguyên nhân; đồng thời nhanh chóng đưa người bị ngộ độc đến cơ sở y tế để được chăm sóc, điều trị kịp thời. Bên cạnh đó, cần phải thực hiện các biện pháp vệ sinh, tẩy uế khu vực có chất thải của người bị ngộ độc, trong một số trường hợp phải thực hiện chế độ cách ly để đề phòng sự lây lan của dịch bệnh…
 
P.V: Vậy theo bác sĩ, đâu là giải pháp tốt nhất để phong tránh ngộ độc thực phẩm?
 
- Bác sĩ Nguyễn Quốc Tuấn: Dân gian có câu “bệnh từ miệng mà vào”. Thế nên để phòng tránh ngộ độc thực phẩm thì chúng ta cần lựa chọn nguồn thực phẩm an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đặc biệt lưu ý hạn sử dụng của sản phẩm; không nên tích trữ quá nhiều thực phẩm trong tủ lạnh vì khi để lâu, bảo quản không đúng cách thì nguy cơ thực phẩm bị hỏng rất cao. Ngoài việc thực hiện “ăn chín, uống sôi”, người dân cần phải thực hiện các biện pháp phòng tránh ô nhiễm chéo giữa thức ăn chín với thực phẩm sống và bề mặt tiếp xúc bẩn, bởi thức ăn đã nấu chín có thể bị nhiễm mầm bệnh do tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm sống hoặc gián tiếp với bề mặt bẩn (dao, thớt chế biến thực phẩm sống và chín); phải sử dụng nguồn nước sạch, an toàn, tức là nước không màu, không mùi, không có vị lạ, không chứa mầm bệnh và phải luôn thực hiện vệ sinh tay, vệ sinh dụng cụ ăn uống, dụng cụ chế biến thực phẩm. Bên cạnh đó, người sản xuất, người trực tiếp kinh doanh, chế biến thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống phải có trách nhiệm, đạo đức cao trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm để góp phần phòng tránh hiệu quả ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm cho cộng đồng.
ATTP - Thực hiện các nguyên tắc vàng trong chế biến thực phẩm là chìa khóa để phòng tránh ngộ độc, bảo vệ sức khỏe
ATTP - Thực hiện các nguyên tắc vàng trong chế biến thực phẩm là chìa khóa để phòng tránh ngộ độc, bảo vệ sức khỏe
P.V: Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm hiện đang triển khai những hoạt động nào nhằm góp phần bảo đảm an toàn thực phẩm cho người dân, nhất là trong thời điểm mùa hè?
 
- Bác sĩ Nguyễn Quốc Tuấn: Để người dân và khách du lịch được sử dụng thực phẩm an toàn, thời gian qua, với vai trò là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, Chi cục đã tham mưu cho Ban chỉ đạo ban hành kế hoạch, chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan, các địa phương chủ động triển khai nhiều giải pháp bảo đảm an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý. Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm và các đơn vị liên quan đã tích cực đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền kiến thức về an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm đối với người sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm và người tiêu dùng; phổ biến các quy định bảo đảm an toàn thực phẩm, các hành vi cấm trong sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và kinh doanh thức ăn đường phố; yêu cầu các cơ sở tuyệt đối không sử dụng các nguyên liệu thực phẩm, sản phẩm thực phẩm đã bị ôi thiu, hỏng, mốc, không rõ nguồn gốc, thực phẩm quá hạn sử dụng…
 
Các cơ quan chức năng cũng đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, đặc biệt là các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn. Ngoài ra, Chi cục An toàn thực phẩm còn thường xuyên triển khai công tác giám sát các mối nguy cơ gây ô nhiễm thực phẩm thông qua việc lấy mẫu thực phẩm lưu thông trên thị trưởng và các chợ trung tâm trên địa bàn tỉnh để kiểm nghiệm. Riêng trong Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm năm 2018 (15/4- 15/5/2018), toàn tỉnh đã tổ chức được 146 đoàn thanh tra, kiểm tra tại 1.501 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống. Kết quả có 1.175 cơ sở đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm; đồng thời tiến hành lấy 320 mẫu thực phẩm để kiểm nghiệm và phát hiện 11 mẫu không đạt tiêu chuẩn.
 
Qua kiểm tra cho thấy, nhận thức, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm đã có sự nâng lên rõ rệt, số cơ sở đạt yêu cầu chiếm tỷ lệ 78,3% (tăng 5,3 % so với cùng kỳ năm 2017); số mẫu thực phẩm được kiểm nghiệm không đạt tiêu chuẩn chiếm 3,4% (giảm 1,06% so với cùng kỳ năm 2017). Người sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm đã chú trọng đến việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ; kinh doanh thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, chủ động khám sức khoẻ định kỳ và tham gia đầy đủ các lớp tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm…
 
Nhiều cơ sở sản xuất thực phẩm sạch đã được cơ quan chức năng cấp chứng nhận VietGAP, giấy xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Các loại sản phẩm nông, lâm, thủy sản sạch, như: rau ăn lá, cà chua, tỏi, tinh bột nghệ, thịt thỏ…, đã được quảng bá rộng rãi trên các kênh truyền thông trung ương và địa phương, qua đó người tiêu dùng có nhiều cơ hội lựa chọn các sản phẩm sạch. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm.
 
Hiện tại, các ngành chức năng trên toàn tỉnh đang tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động thanh tra, kiểm tra; đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền về an toàn thực phẩm nhằm góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho người dân về việc chấp hành tốt các nội dung của Luật An toàn thực phẩm, góp phần bảo vệ sức khỏe cho nhân dân.
 
P.V: Xin cảm ơn bác sĩ!
                                                            Nhật Văn (thực hiện)
,