.

Thách thức giảm sinh con thứ 3

.
10:39, Thứ Tư, 23/05/2018 (GMT+7)
(QBĐT) - Hiện nay, Việt Nam đã đạt được mức sinh thay thế với tỷ lệ 2,1 con/1 bà mẹ, định hướng chuyển trọng tâm dân số - KHHGĐ sang dân số và phát triển. Thế nhưng, tỉnh ta vẫn chưa đạt được mức sinh thay thế, không những vậy, tỷ suất sinh và tỷ lệ sinh con thứ 3 đang có chiều hướng gia tăng ở một số địa phương, đây là “bài toán” nan giải của ngành dân số tỉnh ta.
 
Theo báo cáo thống kê chuyên ngành của các huyện, thị xã, thành phố, tính đến 31-3-2018, tổng số trẻ em sinh ra là 2.398 cháu, so với cùng kỳ năm 2017 tăng 319 cháu. Trong đó, số con thứ 3 trở lên là 397 cháu, chiếm tỷ lệ 16,55%, tăng so với cùng kỳ 2017 là 0,15%.  Những con số trên đã cho thấy thách thức lớn đang đặt ra trên lộ trình thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ gia tăng dân số và giảm sinh con thứ 3 để nâng cao chất lượng cuộc sống mà ngành dân số tỉnh đang xây dựng. 
 
Tại huyện Lệ Thủy, năm 2017, tỷ lệ sinh con thứ 3 chiếm 19,5%, tăng 0,75% so với năm 2016. 3 tháng đầu năm 2018, tỷ lệ sinh con thứ 3 chiếm 24,5%, tăng so với cùng kỳ năm 2017 là 0,4%. Theo ông Lê Văn Quân, Giám đốc Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện Lệ Thủy, mặc dù đội ngũ làm công tác dân số trên địa bàn huyện đã nỗ lực hết mình nhưng tỷ lệ sinh con thứ 3 đang có chiều hướng gia tăng. Nguyên nhân chủ yếu là do tư tưởng trọng nam khinh nữ, đông con hơn đông của vẫn còn, cuộc sống gia đình khá giả muốn sinh thêm con. Một nguyên nhân khác, gần đây, nhiều người vẫn nhầm tưởng rằng, Nhà nước đã bãi bỏ chính sách dừng lại ở 2 con, cho sinh đẻ tùy theo ý thích, điều này đã ảnh hưởng, gây nhiều khó khăn cho chính quyền địa phương và những người làm công tác dân số.
Tỷ lệ sình con thứ 3 ở các huyện miền núi có giảm nhưng chậm và đang có xu hướng tăng lên ở một số địa phương.
Tỷ lệ sinh con thứ 3 ở các huyện miền núi có giảm nhưng chậm và đang có xu hướng tăng lên ở một số địa phương.
Còn tại các huyện miền núi Minh Hoá, Tuyên Hóa, mức sinh còn cao, tỷ suất sinh và tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm chậm và đang có chiều hướng gia tăng trở lại ở một số địa phương, nhất là ở những nhóm đối tượng sinh con một bề là gái và một số gia đình có kinh tế khá giả; vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt, tình trạng quan hệ tình dục sớm, có thai tuổi vị thành niên, phá thai không an toàn, ly hôn, ly thân sớm trong giới trẻ có chiều hướng gia tăng. Tình trạng tảo hôn ở các xã có đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn, để lại những hậu quả, hệ luỵ ảnh hưởng đến chất lượng dân số của các thế hệ tương lai.
 
Hiện nay, tình trạng sinh con thứ 3 không chỉ xảy ra với những đối tượng có trình độ dân trí thấp, địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa mà còn ở một số cán bộ, công chức và những gia đình có mức sống khá giả, muốn sinh nhiều con để vui nhà cửa, phòng tránh rủi ro bất ngờ. Mặt khác, một bộ phận người dân, cán bộ còn chưa hiểu đúng Pháp lệnh Dân số, các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chính sách DS-KHHGĐ, Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về công tác dân số trong tình hình mới… Đặc biệt, một số cán bộ, đảng viên thiếu gương mẫu trong việc thực hiện công tác DS-KHHGĐ nên đã ảnh hưởng rất lớn đến việc thay đổi hành vi về thực hiện DS-KHHGĐ của người dân. Riêng huyện Tuyên Hóa, năm 2017 có 14 trường hợp vi phạm chính sách dân số - KHHGĐ (sinh con thứ 3). Những điều này đã khiến tỷ lệ sinh con thứ 3 trên địa bàn tỉnh có xu hướng tăng mạnh. Năm 2017, tại một số địa phương, tỷ lệ sinh con thứ 3 còn tương đối cao, như: thị xã Ba Đồn 20,60%, Minh Hóa 19,30%, Tuyên Hóa 19,44%, Quảng Trạch 19,17%...
 
Bà Võ Thị Hồng Hà, Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh cho biết, để giảm tỷ suất sinh và tỷ lệ sinh con thứ 3, ngay từ đầu năm 2018, Chi cục Dân số-KHHGĐ tỉnh đã xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện chiến dịch tăng cường tuyên truyền, vận động lồng ghép cung cấp dịch vụ KHHGĐ/SKSS tại các xã đặc biệt khó khăn, xã thuộc vùng có mức sinh cao và không ổn định, xã thuộc vùng biển và ven biển, giúp người dân tự nguyện chấp nhận lựa chọn cho mình biện pháp tránh thai thích hợp, ý thức được việc dừng lại ở hai con để nuôi dạy cho tốt. Đồng thời, đơn vị nỗ lực nâng cao chất lượng dân số qua các mô hình, đề án, như: bảo đảm hậu cần và cung cấp dịch vụ KHHGĐ; tư vấn, kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân; sàng lọc trước sinh và sơ sinh; giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh; tư vấn, chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng; kiểm soát dân số vùng biển, đảo và ven biển.
 
Thanh Hoa
,