.

Vùng biên thay áo mới

.
14:38, Chủ Nhật, 30/06/2019 (GMT+7)
(QBĐT) - Những ngày đầu tái lập tỉnh, cuộc sống của bà con đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) ở các xã biên giới gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn. Bằng nhiều việc làm thiết thực, những người lính mang quân hàm xanh đã kề vai sát cánh đồng hành cùng người dân vượt qua đói nghèo, lạc hậu. Nhờ đó, bộ mặt miền quê các xã vùng biên từng ngày thay da, đổi thịt, cuộc sống của đồng bào từng bước khởi sắc.
 
Những tháng năm gian khó
 
Trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt, đồng bào các dân tộc Bru-Vân Kiều, Chứt đã cùng bộ đội dũng cảm, kiên cường đánh đuổi giặc ngoại xâm. Hòa bình lặp lại, người dân ở các xã biên giới phải đối diện với muôn vàn khó khăn, thách thức. Trình độ dân trí thấp, nhiều người chưa biết tiếng phổ thông. Phương tiện sản xuất thô sơ, cuộc sống chủ yếu du canh, du cư, dựa vào thiên nhiên.
 
Ông Hồ Bạch, Bí thư Chi bộ bản Làng Ho (còn gọi là bản Trung Đoàn), xã Kim Thủy (huyện Lệ Thủy) cho biết: “Ngày đó, đường vào bản không có, không điện sáng, không chợ, vào mùa mưa nhiều bản ở xã vùng cao Kim Thủy bị cô lập. Cuộc sống của bà con thường xuyên trong tình cảnh thiếu ăn”.
Bản Làng Ho, xã Kim Thủy (huyện Lệ Thủy) đang từng ngày thay da đổi thịt
Bản Làng Ho, xã Kim Thủy (huyện Lệ Thủy) đang từng ngày thay da đổi thịt
Để giúp người dân ổn định đời sống, xóa đói giảm nghèo, những chiến sỹ quân hàm xanh Đồn Biên phòng Làng Ho đã cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng địa phương nhằm tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của người dân, từ đó có biện pháp tuyên truyền, giúp đỡ bà con ổn định tư tưởng, yên tâm làm ăn sinh sống. Năm 2009, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh triển khai đề án đầu tiên giúp dân trồng lúa và làm nhà ở bản Tân Ly và bản Làng Ho.
 
Cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Làng Ho đã bám sát địa bàn, vận động nhân dân tham gia trồng lúa. Vì nhận thức của dân bản còn kém, cán bộ chiến sỹ Biên phòng (CBCS) phải về tận nhà để vận động, thuyết phục và trực tiếp “cầm tay chỉ việc” giúp bà con cách trồng lúa. Tất cả các khâu từ lúc làm đất, dặm, cấy, chăm sóc cho đến khi gặt lúa đều do các chiến sỹ trực tiếp làm và hướng dẫn cho người dân cùng làm. 
 
Những ngày đầu mới tái lập tỉnh, bên cạnh cái đói, cái nghèo, ĐBDTTS ở các xã vùng biên giới còn phải đối mặt với tình trạng mù chữ, không biết đọc, biết viết. Lực lượng BĐBP tại các tuyến biên giới đã cùng với chính quyền địa phương tuyên truyền vận động người dân tham gia các lớp học xóa mù chữ.
 
Theo Trung tá Dương Đình Hoàn, Chính trị viên Đồn Biên phòng CKQT Cha Lo: “Khó khăn nhất trong công tác xóa mù chữ cho ĐBDTTS là việc vận động bà con tham gia các lớp học. Để có thể mở lớp, CBCS phải trực tiếp về từng nhà vận động bà con đến lớp.
 
Học viên chủ yếu là phụ nữ và người lao động trụ cột trong gia đình nên việc bảo đảm sĩ số là rất khó khăn, nhất là khi người dân vào mùa nương rẫy”... Bên cạnh đó, để duy trì lớp học ở những bản vùng sâu, vùng xa, các thầy giáo quân hàm xanh phải luân phiên nhau trèo đèo, lội suối đến với lớp học. Năm 1991, Đồn Biên phòng CKQT Cha Lo đã phối hợp với Phòng Giáo dục huyện Minh Hóa đầu tư cơ sở vật chất, tổ chức 12 lớp học xóa mù chữ cho gần 420 ĐBDTTS.
 
Bản làng khởi sắc
 
Đến với xã biên giới Kim Thủy, ai cũng dễ dàng nhận thấy cuộc sống của người dân nơi đây đã từng bước thay da đổi thịt. Nhiều ngôi nhà được xây dựng kiên cố, đường sá đi lại thuận tiện. Bao quanh các thôn, bản là màu xanh bạt ngàn của rừng keo tràm, những cánh đồng chín vàng thơm hương lúa.
 
Thiếu tá Phạm Duy Bảo, Chính trị viên phó, Đồn Biên phòng Làng Ho chia sẻ: “Từ đề án lúa nước bản Tân Ly, ĐBDTTS ở 2 bản Tân Ly và Làng Ho đã dần tự túc được lương thực, nhiều gia đình không còn phụ thuộc vào sự trợ cấp của Nhà nước như trước kia. Bản Làng Ho đã có điện, đường vào tận bản, có trạm quân dân y, có nhà sinh hoạt cộng đồng, cơ sở giáo dục…
 
Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào không ngừng được nâng cao. Bà con dân bản đã và đang dần xóa được đói, giảm được nghèo, đoàn kết vươn lên xây dựng bản làng no ấm, tiến bộ. Nhiều bản làng được công nhận danh hiệu Làng văn hóa cấp huyện. Người dân đã biết xây dựng các mô hình kinh tế thông qua các chương trình dự án tại địa phương. Khi đời sống đã có nhiều tiến bộ, mọi hủ tục lạc hậu cũng dần được thay thế bằng nếp sống văn hóa mới.
 
Dân Hóa là một xã biên giới đặc biệt khó khăn của huyện Minh Hóa, đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Cùng với chính quyền địa phương, Đồn Biên phòng CKQT Cha Lo đã kề vai sát cánh, giúp người dân đẩy lùi “giặc đói, giặc dốt”. Thông qua các chương trình Nâng bước em đến trường, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, đỡ đầu các thôn bản khó khăn… do lực lượng Biên phòng thực hiện đã góp phần tạo nên diện mạo mới ở các bản, làng nơi đây.
 
Năm 2017, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh nhận đỡ đầu bản Ka Ai, giao cho Đồn Biên phòng CKQT Cha Lo trực tiếp thực hiện. Từ một bản chỉ gồm những nếp nhà tranh, vách nứa, bữa cơm của người dân chỉ có rau rừng chấm muối, thì nay bản Ka Ai đã có nhiều nhà gỗ, lợp tôn chắc chắn. 5ha lúa nước do BĐBP khai hoang không chỉ giúp chấm dứt cảnh người Khùa đứt bữa, mà còn xây dựng niềm tin cho người dân về hiệu quả phương thức canh tác mới. Ka Ai giờ có điện, có đường, có trường và Trạm quân dân y kết hợp.
 
“ĐBDTTS ở xã Dân Hóa đã bám bản sản xuất, ổn định đời sống, không còn tình trạng du canh, du cư, phá rừng làm nương rẫy. Người dân đã biết tổ chức sản xuất lúa nước, làm vườn, chăn nuôi, trồng rừng kinh tế, biết đến trạm quân y mỗi lúc ốm đau, biết ăn chín uống sôi,...
 
Đời sống nhân dân từng bước được nâng lên, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững. Có được kết quả như ngày hôm nay là có sự đóng góp không nhỏ của lực lượng BĐBP”, ông Đặng Thiên Lý, Bí thư Đảng ủy xã Dân Hóa (huyện Minh Hóa) chia sẻ.
 
Những khởi sắc ở các bản làng vùng biên là minh chứng cụ thể cho tình quân dân thắm thiết. Nơi phên dậu của Tổ quốc, người dân đã quá thân thuộc với hình ảnh người chiến sĩ mang quân hàm xanh sát cánh cùng đồng bào các dân tộc vượt qua đói nghèo, lạc hậu, cùng vun đắp, xây dựng cuộc sống mới, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới.
 
Lan Chi
,