.

Trở lại Cẩm Ly...

.
08:11, Thứ Bảy, 06/07/2019 (GMT+7)
(QBĐT) - Gặp lại chúng tôi ngay tại con đường gần cuối bản, Trưởng bản Cẩm Ly (Ngân Thủy, Lệ Thủy) Nguyễn Đăng Thành đã “tay bắt, mặt mừng” bảo rằng: “Cũng gần tròn mười năm rồi, bây giờ các anh sẽ thấy diện mạo Cẩm Ly và đời sống của bà con dân bản có nhiều tiến bộ lắm. Nhưng mừng nhất đối với người dân bản Cẩm Ly là tư duy làm ăn kinh tế đã không còn phụ thuộc như trước mà đã biết tự lực vượt khó để xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no hơn…”.
 
Ngân Thủy một trong ba xã miền núi đặc biệt khó khăn của huyện Lệ Thủy, nơi có phần đông là đồng bào dân tộc Vân Kiều sinh sống. Nếu như trước đây, mỗi lần nhắc đến và lên với Ngân Thủy, nhiều người rất ái ngại vì đường sá xa xôi và tuyến đường 10 hoang sơ, hiểm trở. Nay, lên với Ngân Thủy đã dễ dàng hơn vì đường 10 đã được nâng cấp và đường Hồ Chí Minh đã được nối nhánh Đông-Tây. 
Một góc bản Cẩm Ly.
Một góc bản Cẩm Ly.
Riêng với bản Cẩm Ly lại có địa thế khác so với các bản khác ở xã Ngân Thủy, bản tiếp giáp với thị trấn Nông trường Lệ Ninh nên có nhiều điều kiện để giao thương kinh tế. 10 năm trước, khi chúng tôi vào Cẩm Ly, ngày đó, con đường độc đạo dẫn vào bản chỉ có vài cây số, nhưng phải đi mất gần 1 giờ do bị chia cắt bởi nước lũ. Do không thể băng ngầm dưới dòng suối nước cuộn chảy để vào bản nên chúng tôi đánh phải bám, bò theo mương thủy lợi Cẩm Ly cách mặt đất gần 10m để vào bản.
 
Còn lần này, đã hẹn trước với lãnh đạo xã Ngân Thủy, đường vào bản Cẩm Ly trong những ngày cuối tháng 6 sau 10 năm đã dễ dàng hơn trước. Theo một ngầm bê tông kiên cố bắc qua suối Cẩm Ly, một con đường thẳng tắp nối từ thị trấn Nông trường Lệ Ninh, chỉ mất hơn 10 phút là chúng tôi vào tới nơi.
 
Hồ Văn Núi, Phó Chủ tịch UBND xã và Trần Đình Huệ, cán bộ nông nghiệp xã Ngân Thủy đã đợi chúng tôi từ trước. Sau vài câu chuyện xã giao, chúng tôi cùng ngồi xe với Huệ để đi “thăm thú” hồ chứa nước Cẩm Ly-công trình thủy lợi lớn nhất tỉnh Quảng Bình trong những năm chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ và cũng là công trình đại thủy nông đầu tiên ở tỉnh ta.
 
Đứng trên đập Cẩm Ly, căng mắt nhìn về phía hạ du, thấy những dòng nước mát ngọt của hồ cung cấp cho hai huyện Lệ Thủy-Quảng Ninh hơn nửa thế kỷ qua làm căng tròn bao hạt lúa, củ khoai đã khiến chúng tôi phải tự hào.
 
“Trước đây hồ Cẩm Ly được Công ty CP Lệ Ninh đấu thầu để nuôi cá, nay đã được giao lại cho người dân.Vào mùa này, nước hồ Cẩm Ly xuống cạn nhưng vẫn cung cấp đủ nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp, nhờ có nguồn nước từ hồ Cẩm Ly mà người dân bản Cẩm Ly đã chủ động làm ăn kinh tế, như: trồng lúa nước, đào ao thả cá, chăn nuôi và đánh bắt thủy sản… Đời sống của người dân ở đây có những chuyển biến tích cực…” Trần Đình Huệ, cán bộ nông nghiệp xã Ngân Thủy chia sẻ.
 
Rời hồ Cẩm Ly, chúng tôi tìm về nhà Trưởng bản Nguyễn Đăng Thành, qua thông tin từ trưởng bản Thành được biết, bản có gần 170 hộ với hơn 600 khẩu, là địa bàn sinh sống của một số đồng bào người Kinh, Vân Kiều, Chứt, Mường, Thái…
 
“Trước đây, người dân Cẩm Ly chỉ biết dựa vào nông nghiệp và dựa vào rừng với các tập quán canh tác lạc hậu, phụ thuộc nhiều vào sự hỗ trợ của cấp trên. Nay, người dân bản đã biết tận dụng nguồn nước từ hồ Cẩm Ly để trồng được hơn 30 ha lúa nước. Không những thế, nhiều hộ còn vay vốn, đào ao thả cá, kết hợp làm lúa cá, chăn nuôi gia trại, trồng rừng… nhờ vậy, thu nhập của người dân trong bản cũng khấm khá đạt từ 12-20 triệu đồng/người/năm…”, trưởng bản Thành cho biết.
 
Theo sự giới thiệu của trưởng bản Thành, chúng tôi tìm về nhà ông Hồ Thạch, người dân tộc Vân Kiều, một gương điển hình trong làm ăn kinh tế giỏi tại bản. Ông được người dân trong bản gọi là “già làng” của đồng bào dân tộc thiểu số ở đây. Ông là thế hệ thứ 3 ở bản Cẩm Ly này, ông cha Hồ Thạch có gốc gác tận Quảng Trị. Những năm 50, sau nhiều năm “du canh, du cư”, gia đình ông mới quyết định cư tại vùng đất này.
Ông Hồ Thạch là người tiên phong làm ăn kinh tế, xóa đói, giảm nghèo ở bản Cẩm Ly.
Ông Hồ Thạch là người tiên phong làm ăn kinh tế, xóa đói, giảm nghèo ở bản Cẩm Ly.
Theo Hồ Thạch, buổi đầu làm ăn kinh tế, kiếm đủ ăn hàng ngày cho gia đình đã là khá vất vả rồi. Gia đình lại có 6 người con, trong đó một con trai bị tàn tật. Nhưng cái đói, cái nghèo chẳng làm ông chùn bước, ông bảo chúng tôi: “Gia đình mình phải thoát nghèo, phải làm gương cho bà con dân bản trong phát triển kinh tế, rồi nếu có điều kiện thì phải cho các con ăn học thành người, trở về xây dựng quê hương…”.
 
Với quyết tâm như vậy, ông đã nhanh chóng tiếp cận các phương pháp sản xuất trồng trọt, chăn nuôi mới cùng với sự lao động miệt mài, từ làm nương rẫy, trồng rừng cho đến chăn nuôi, đào ao thả cá... nên gia đình đã nhanh chóng thoát nghèo, trở thành tấm gương sáng về phát triển kinh tế hộ gia đình tại địa phương. Đến nay, ông Hồ Thạch đã khai hoang trồng được hơn 7 ha rừng, đào hơn 2 sào ao mặt nước để nuôi cá, nuôi hơn 200 con gà, 3 con bò, trồng được 6 sào lúa nước,…
 
Không những vậy, gia đình ông Hồ Thạch cũng làm tấm gương sáng về khuyến học tại bản Cẩm Ly. Gia đình ông có 6 người con, ngoài đứa trai út tàn tật sống với ông, còn lại những người con khác đều học hành đàng hoàng và trở về quê hương để công tác, như: trở thành bác sỹ, biên phòng, giáo viên, cán bộ phụ nữ…
 
Trở lại Cẩm Ly lần này, ấn tượng nhất với chúng tôi là Nguyễn Thế Luyện, chàng trai 40 tuổi, bị tàn tật 2 chân quê gốc xã Hoa Thủy theo bố mẹ vào Cẩm Ly lập thân, lập nghiệp.
 
“Địa thế ở đây rất thuận lợi cho phát triển kinh tế gia trại, nhận thấy được tiềm năng như vậy, tôi đã bàn với vợ là gia đình mình nên đào ao thả cá, kết hợp lúa cá, chăn nuôi lợn, gà, vịt…Từ những suy nghĩ ban đầu, sau hơn 10 năm gây dựng gia đình tôi bây giờ cũng có của ăn, của để…”, Luyện cho biết.
 
Theo tâm sự của Luyện, làm kinh tế đối với người lành lặn đã khó, đối với người tàn tật như anh lại càng khó và khổ hơn. Thời gian đầu, anh cũng "trầy lên, trợt xuống" do chưa có nhiều kinh nghiệm.
 
Sau dần trở thành quen do học hỏi được nhiều kỹ thuật, nay, cơ ngơi của anh cũng có hơn 50 con lợn thịt, 7 con lợn nái, 200 con gà, 6 sào mặt nước kết hợp lúa cá và mở một đại lý thức ăn chăn nuôi cung cấp cho bà con trong bản. Thu nhập hàng năm của gia đình cũng đạt 200 triệu đồng.
 
Rời Cẩm Ly khi mặt trời đã đứng bóng, ngoảnh lại nhìn những cánh đồng lúa nước đang lên xanh mướt, chợt nhớ tới lời của Hồ Văn Núi, Phó Chủ tịch UBND xã Ngân Thủy: “So với các bản khác trên địa bàn xã Ngân Thủy, Cẩm Ly là bản phát triển kinh tế khá ổn định nhờ đồng bào đã biết tận dụng nguồn nước tưới từ hồ Cẩm Ly để trồng lúa nước, chăn nuôi lợn, đào ao thả cá …, nhưng khó khăn của dân bản cũng vẫn còn nhiều, như: thiếu đất sản xuất, tập quán canh tác lạc hậu. Kỳ vọng tương lai không xa, với những nỗ lực, quyết tâm, bản Cẩm Ly sẽ trở thành một trong những bản kiểu mẫu trong toàn tỉnh về phát triển kinh tế để các địa phương khác học tập, noi theo…”
 
Ngọc Hải
,