.

Tìm lại màu xanh cho rừng

.
16:53, Thứ Hai, 01/07/2019 (GMT+7)
(QBĐT) - Cho đến một ngày, người dân Minh Hóa đã nhận ra rằng, muốn có cuộc sống ấm no thì không thể cứ mãi vào rừng khai thác tài nguyên đem bán mà phải bảo tồn và phát triển tốt vốn rừng. Và, hành trình tìm lại màu xanh cho rừng thực sự là một hành trình dài, đầy gian nan, thử thách nhưng ở đó đã có sự đồng sức, đồng lòng cùng hành động của cả Đảng bộ, chính quyền và người dân Minh Hóa…
 
Những “lâm tặc” trả nợ rừng
 
Sống giữa bốn bề là rừng núi bao quanh, đã có một thời gian rất dài, rất nhiều người dân Minh Hóa quanh năm chỉ biết lầm lũi vào rừng khai thác lâm sản để kiếm sống. Hơn 20 năm về trước, nhiều làng, xã ở Minh Hóa được mệnh danh là làng “lâm tặc”, trở thành những “lãnh địa” hãi hùng đối với lực lượng bảo vệ rừng trong một thời gian dài như Hóa Sơn, Trung Hóa, Tân Hóa, Thượng Hóa, Dân Hóa, Trọng Hóa…
 
Ở đó, máu của lực lượng Kiểm lâm đã không ít lần đổ xuống nhưng vẫn không thể ngăn chặn được dòng người vào rừng khai thác lâm sản. Những cánh rừng già giàu tài nguyên của Minh Hóa vì vậy mà thưa dần, “rỗng ruột” dần; những quả đồi trọc thì xuất hiện ngày càng nhiều.
 
Rừng bị phá tan hoang nên hầu như năm nào trên địa bàn huyện cũng xảy mất mùa do hạn hán và lũ lụt gây nên. Cuộc sống của người dân vốn đã khó khăn lại càng trở nên khốn khó…
Cây gỗ rừng tự nhiên cao hàng chục mét trong vườn rừng của ông Đinh Thanh Loan ở xã Hóa Sơn, huyện Minh Hóa.
Cây gỗ rừng tự nhiên cao hàng chục mét trong vườn rừng của ông Đinh Thanh Loan ở xã Hóa Sơn, huyện Minh Hóa.
Cùng với những chính sách quyết liệt trong công tác bảo vệ và phát triển rừng của Đảng và Nhà nước, cho đến một ngày, người dân Minh Hóa cũng đã nhận ra rằng, muốn có cuộc sống ấm no thì không thể cứ mãi vào rừng khai thác tài nguyên đem bán mà phải bảo tồn và phát triển tốt vốn rừng. Nhiều “lâm tặc” một thời khét tiếng rừng xanh cũng “giác ngộ”,  trở thành những người bảo vệ rừng mẫu mực, là tấm gương sáng trong phong trào trồng rừng, phát triển sản xuất.
 
Đã gần 20 năm kể từ ngày xa rời tên gọi “lâm tặc” thế nhưng ông Đinh Thanh Loan và những người dân ở xã Hóa Sơn vẫn chưa thoát khỏi sự ám ảnh của những năm tháng vác cưa đi phá rừng của mình.
 
“Nhiều đêm đi rừng về dù rất mệt nhưng tôi vẫn không tài nào ngủ được. Cứ nhắm mắt lại là hình ảnh những cây rừng bị đốn hạ và những khu rừng vốn ken dày gỗ quý bị tàn phá đến hoang tàn cứ mồn một hiện về, làm tôi dằn vặt mãi và cuối cùng tôi đã quyết định từ giã nghề “lâm tặc”, ông Loan tâm sự.
 
Từ ngày từ bỏ nghề “lâm tặc”, ông Loan đã ngày đêm “trả nợ” rừng bằng việc trồng lại một cánh rừng trầm gió rộng hơn 6ha. Gần 20 năm trồng và chăm sóc, hàng nghìn cây trầm gió của ông Loan bây giờ đều đã có thể tạo được trầm, đã có thể khiến ông trở thành tỷ phú bất cứ lúc nào.
 
Thế nhưng, ông Loan đã nhiều lần từ chối khéo khi có người đến hỏi mua. Với ông trồng rừng chưa hẳn để bán mà ông muốn để lại cho con cháu mai sau một cánh rừng tự nhiên, cùng một bầu không khí trong lành; đó cũng là cách ông chuộc lỗi với những cánh rừng mà mình đã chặt hạ…
 
Mới bước ra từ hang đá, cũng như những người đồng bào khác, cuộc sống của Cao Xuân Lành, một người Rục ở bản Ón, xã Thượng Hóa chủ yếu dựa vào việc săn bắt, hái lượm, khai thác sản vật từ rừng. Là thanh niên khỏe mạnh, siêng năng nhưng do thiếu hiểu biết về pháp luật, Cao Xuân Lành coi việc vào rừng khai thác gỗ là một công việc hàng ngày để mưu sinh.
 
Nhiều năm khai thác gỗ trái phép, Cao Xuân Lành đã trở thành một “lâm tặc” cộm cán ở bản Ón. Cùng với việc phá rừng, nhiều lần Lành đã có những hành vi chống đối lại lực lượng kiểm lâm và phải trả giá cho hành vi chống người thi hành công vụ của mình bằng án phạt tù hơn 1 năm.
 
Mãn hạn tù trở về nhà, được chính quyền địa phương, bà con dân bản quan tâm, động viên giúp đỡ nên Lành đã bỏ hẳn “nghề” lâm tặc và quyết tâm chuộc lỗi với rừng bằng việc phủ xanh gần 10ha đất trống, đồi núi trọc và trở thành người “mê trồng rừng số 1” trong cộng đồng người Rục ở Thượng Hóa.
 
Cả hệ thống chính trị cùng hành động
 
Là địa phương sở hữu diện tích đất rừng lớn (123.000ha), Minh Hóa xác định công tác bảo vệ và phát triển rừng là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Minh Hóa nhiệm kỳ 2015-2020 tiếp tục khẳng định phát triển lâm nghiệp, trồng rừng là ngành kinh tế trọng điểm của huyện.
 
Từ những quyết sách phù hợp của Đảng bộ và chính quyền địa phương, cùng với sự đồng thuận tham gia tích cực của người dân trong công tác bảo vệ và phát triển rừng, những cánh rừng ở Minh Hóa một thời bị tàn phá tan hoang, nay đã hồi phục một cách ngoạn mục.
 
Màu xanh của rừng đã phủ trên hầu hết những quả đồi, ngọn núi mà cách đây chưa lâu là những quả đồi trọc lóc, khô cháy. Tính đến nay độ che phủ của rừng Minh Hóa đạt 78%, là địa phương đứng thứ nhất trong tỉnh về độ che phủ của rừng.
 
Thế nhưng, “ông trời” như thử thách lòng người trồng rừng ở Minh Hóa. Cơn bão số 10 năm 2017 đã làm 4.500ha rừng trồng và một số diện tích rừng tự nhiên của huyện bị gãy đổ, gây thiệt hại nặng nề. Nhiều người nông dân ở Minh Hóa chỉ hôm trước họ được đánh giá là những triệu phú khi sở hữu những cánh rừng trồng hàng chục héc-ta, nhưng chỉ một đêm sau cơn bão dữ đã trắng tay...
 
Ngay sau cơn bão, không để người nông dân trồng rừng “bơ vơ”, nản chí, Ban Thường vụ Huyện ủy Minh Hóa đã kịp thời chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các xã, thị trấn hướng dẫn và hỗ trợ nhân dân khẩn trương tập trung khắc phục hậu quả, thiệt hại về rừng.
 
Đồng thời, có chủ trương ưu tiên, khuyến khích người dân chuyển từ trồng rừng với cây keo giâm hom thông thường sang trồng rừng với cây bản địa, cây keo lai nuôi cấy mô, cây có chất lượng tốt, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, có khả năng chống chọi tốt với bão và đem lại hiệu quả kinh tế và năng suất cao.
 
Thực hiện chủ trương trên, UBND huyện Minh Hóa đã lồng ghép, trích các nguồn kinh phí để hỗ trợ mua giống cây keo lai nuôi cấy mô cho nhân dân trồng lại rừng với định mức 2.100 đồng/cây.
 
Đặc biệt, huyện khuyến khích và hỗ trợ các mô hình trồng cây hỗn loài với các giống cây bản địa có giá trị kinh tế cao, như: dỗi, lim, huê, keo lai nuôi cấy mô, triển khai thí điểm tại một số địa phương trong huyện.
 
Tính từ sau cơn bão số 10-2017, đến thời điểm này toàn huyện Minh Hóa đã trồng mới lại được hơn 3.000ha rừng và thực hiện 16 mô hình trồng cây hỗn loài, là những giống cây rừng bản địa quý hiếm.  Hiện tại số diện tích rừng được trồng mới và các mô hình này đang được bà con chăm sóc và phát triển tốt.
 
Trao đổi với phóng viên, ông Bùi Anh Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa cho biết, cùng với việc đẩy mạnh thực hiện trồng rừng, công tác bảo vệ rừng cũng được huyện Minh Hóa đặc biệt quan tâm thực hiện. Ngoài lực lượng chức năng, huyện chú trọng công tác tuyên truyền đến từng người dân, chủ rừng về Luật Bảo vệ và Phát triển rừng; lợi ích to lớn của rừng.
 
Nhờ đó, người dân Minh Hóa đã không ngừng  nâng cao nhận thức về vai trò, trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ rừng. “Hành trình tìm lại màu xanh cho rừng Minh Hóa thực sự là một hành trình dài, đầy gian nan, thử thách nhưng chúng tôi đã huy động được cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc và sự đồng sức, đồng lòng tham gia của nhân dân trên toàn huyện. ”
 
Phan Phương
,