.

Ký ức ngày về

.
15:24, Chủ Nhật, 30/06/2019 (GMT+7)
(QBĐT) - Một nhà nghiên cứu văn hóa đã nhận định rằng, người Việt dù đi đâu về đâu, trong đôi quang gánh của mình, luôn mang theo lư hương tiên tổ. Hóa ra, cái khao khát được trở về quê hương, với ai, ở thời đại nào cũng cháy bỏng như nhau. Và họ, sau 13 năm gắn bó với đất cố đô, tái lập tỉnh, trở về quê mẹ Quảng Bình, lòng cứ khấp khởi niềm vui. Dẫu phía trước là chát mặn mồ hôi, nước mắt và cằn khô đá sỏi.
 
“Biết bắt đầu từ đâu?”
 
Có người đã khóc, cũng có người cố kìm nén cảm xúc thật sâu xuống bờ ngực, chỉ để ngăn nước mắt đừng trào ra. 30 năm, với cuộc đời của mỗi một con người không phải là quá dài nhưng cũng đủ để có thể quên đi nhiều điều vụn vặt. Vậy mà với họ, câu chuyện của 30 năm về trước cứ hiển hiện như từng thước phim quay thật chậm rãi. Dù thời gian cũng đủ để làm cho tất thảy những ai trong số họ bạc phơ mái đầu.
 
Ông Lê Văn Thừ (TDP 9, phường Đồng Phú, TP. Đồng Hới) nguyên là cán bộ Đảng ủy Dân chính Đảng (tiền thân của Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh-P.V) năm nay cũng đã ngót nghét 70 tuổi. Ông bảo, hễ cứ nhắc đến những ngày tháng đầu tiên trở về quê sau ngày tái lập tỉnh là ông lại bồi hồi khó tả.

“Thực sự là một quãng thời gian thật nhiều cảm xúc. Đó là trong Đại hội lần thứ nhất của Đảng ủy Dân chính Đảng Bình-Trị-Thiên, nhận được thông báo sẽ chia tách tỉnh, cả hội trường khi ấy vỡ òa. Mỗi người một cảm xúc, một suy nghĩ nhưng chung quy lại là niềm vui. Được hồi hương thì ai không mừng nhất là những năm tháng làm việc ở Huế, chúng tôi ai ai cũng mong được một ngày trở về quê nhà.”, ông Thừ nhớ lại.

Đồng Hới năm 1989. Ảnh: Tư liệu
Đồng Hới năm 1989. Ảnh: Tư liệu

Cảm xúc mừng vui chưa kịp tròn đầy, họ phải đối diện với thật nhiều khó khăn. Nhất là khi, thời điểm đó, thuận lợi thường không dành cho người ra đi. Nhiều người bán hết đất đai, nhà cửa ở Huế để chuẩn bị cho một cuộc trở về. “Biết bắt đầu từ đâu?”-câu hỏi ấy cứ dồn dập trong suy nghĩ mỗi người.

Công việc đã có nhưng nhà cửa, vợ chồng, con cái biết nương nhờ vào đâu trong những ngày đầu trở về quê nhà? Trên chuyến xe được cơ quan bố trí chở từ Huế về đến Đồng Hới, câu hỏi ấy vẫn không thôi ám ảnh. Tiếng xe chạy rần rật trên đường lổm nhổm ổ gà, tiếng đồ đạc va vào nhau loảng xoảng cũng chẳng đủ để làm ngắt quãng những suy nghĩ quẩn quanh trong trí óc.

“Sỏi đá” sẽ “thành cơm”
 
Những chuyến xe lần lượt đỗ xuống thị xã bé nhỏ bên dòng Nhật Lệ. Quang cảnh lúc ấy thật sự ám ảnh trong ký ức của mỗi người con hồi hương. Trong trí nhớ của họ, giữa cái nắng tháng 7 cháy rát mặt người, cả Đồng Hới như một đại công trường, khô khốc đến xác xơ...
 
Ông Nguyễn Chất (85 tuổi, TDP 2, phường Đồng Mỹ, TP. Đồng Hới) nhớ lại: “Lúc về, Đồng Hới chỉ trơ trọi vài ngôi nhà và đôi ba cây cổ thụ. Anh em trong ngành Giáo dục được bố trí ở tạm tại trụ sở Phòng Giáo dục Đồng Hới. Phòng nhỏ hẹp, chúng tôi phải làm thêm một cái lán nhỏ để chứa đồ đạc.
 
Biết mình sẽ tay trắng làm lại từ đầu, nhưng mà chẳng ai thấy sợ, vì khi đó, ai cũng như nhau, chỉ cần được về quê, được làm việc thì đều tin rằng một ngày “sỏi đá” sẽ “thành cơm”. Mà anh em ngành Giáo dục chúng tôi cũng chẳng có thời gian để nghĩ ngợi nhiều, khi về đến quê là phải bắt tay ngay vào chuẩn bị cho năm học mới”.
 
Đêm đầu tiên trên đất Đồng Hới lòng cứ nao nao. Niềm vui ngày trở về lấn lướt cả những suy nghĩ quẩn quanh về tương lai và khó khăn trước mắt. “Đến giờ, tôi vẫn không thể quên cái cảm giác sung sướng khi lại được ăn con cá biển quê mình, tươi ngon và mặn mà đến lạ.
 
Dù 2, 3 giờ sáng đã phải trở dậy đi canh từng xô nước nhỏ, rồi mỗi ngày hai vòng xe đạp vượt quãng đường hơn 10 km từ nhà đến cơ quan. Vậy mà vẫn thấy hào hứng. Mọi người đều sống trong không khí hăng say, hết lòng vì công việc”, bà Bùi Thị Tuyến (phường Đồng Mỹ) bồi hồi nhớ lại, cảm xúc vẫn đong đầy trong từng lời nói.
 
“Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, trong gian khó, mới thấy hết những nỗ lực của họ trong hành trình lập nghiệp trên chính mảnh đất quê hương mình. Theo quy hoạch, các cán bộ trở về quê sau ngày tái lập tỉnh được bố trí đất ở chủ yếu ở hai phường Đồng Mỹ và Hải Đình.
 
Sau gần một năm trời sống tạm bợ trong những khu tập thể cũ và những trụ sở cơ quan đã xuống cấp, họ bắt đầu dựng lại ngôi nhà của chính mình. Từ dải đất trống hoang hoải bên bờ Nhật Lệ rào rạt gió, những ngôi nhà nhỏ đã lần lượt mọc lên. Ban đầu là những ngôi nhà tạm bợ, rồi dần dà, những ngôi nhà ngói đỏ bắt đầu vươn cao. Cây xanh được trồng khắp các lối phố. Cuộc sống đã cựa mình, hồi sinh nhanh chóng sau những chật vật của hành trình mới mẻ.
 
30 năm, quãng thời gian đủ dài để làm đổi thay cuộc đời một con người. Và trong sự đổi thay của đời người còn là sự “thay da, đổi thịt” của hình hài phố. Từ một thị xã lổm nhổm đá sỏi, xác xơ, Đồng Hới đã thành một phố thị sôi động bên dòng Nhật Lệ. Trong sức vươn hôm nay của thành phố trẻ có sự đóng góp không nhỏ của những con người xưa cũ ngày ấy. Dẫu khó khăn, gian khổ buổi đầu tái lập tỉnh, nhưng với niềm tin “để có một ngày mai Đồng Hới đẹp”, họ vẫn miệt mài góp nhặt từng viên gạch hồng xây nên phố thị hôm nay.
 
30 năm, những mái đầu bạc ngoái đầu nhìn lại chuyến hành trình đã đi qua. Nhìn “thành phố như cô gái trẻ vươn lên trước bình minh hồng”, họ mới thấm thía hơn niềm tin mãnh liệt “sỏi đá” sẽ “thành cơm” ngày ấy.
 
Như ông Nguyễn Chất cứ gật gù mỗi khi kể lại: “Buổi ban đầu ấy, cứ gặp nhau chúng tôi lại động viên nhau hãy cứ lạc quan như lời thơ của Xuân Hoàng: “Ta sẽ về xây Đồng Hới quê ta/Sẽ trồng lại hoa hồng trên lối cũ/Hoa thược dược đến mùa xuân lại nở/Vàng huân chương trong mỗi một sân nhà”.
 
Diệu Hương
,