.

"Lộc" rừng đầu năm

.
22:31, Thứ Bảy, 23/02/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Bí thư chi bộ bản Khe Ngát, thị trấn Nông trường Việt Trung (Bố Trạch) Hồ Văn Phần trân trọng mời chúng tôi lên dự lễ “cúng rừng” cùng bà con dân bản nhân dịp đầu năm mới. Kèm theo lời mời, ông bảo: “Tết ni đồng bào Vân Kiều bản Khe Ngát có thêm hai niềm vui, điểm trường Mầm non và tuyến đường bê tông rộng thoáng giữa bản kịp hoàn thành đưa vào sử dụng”.

Cúng rừng để giữ rừng

Lên với đồng bào Vân Kiều bản Khe Ngát lần này quả thật không còn vất vả như trước đây khi trục đường bê tông phẳng lì nối liền bản với thị trấn Nông trường Việt Trung kịp hoàn thành trước Tết Nguyên đán. Dọc theo đường bê tông về phía cuối bản, nơi khoảng không gian mở rộng tiếp giáp với rừng đại ngàn là khu vực được chọn làm lễ “cúng rừng”.

Cây đót-

Mong các vị thần, người đã khuất luôn phù hộ, bảo trợ mưa thuận, gió hòa, dân bản có sức khỏe, ăn nên làm ra. Đặc biệt, xuyên suốt những bài cúng già Chương đều xin thần linh, thần rừng giúp đỡ đồng bào làm sao giữ được rừng, giữ mái nhà lớn của người Vân Kiều”, Bí thư chi bộ bản Khe Ngát Hồ Văn Phần cho tôi biết thêm.

Lễ vật sau khi “cúng rừng” được chia đều thành từng phần bằng nhau, đựng trong những tấm lá chuối rừng trải trên mặt đất, toàn bộ dân bản quần tụ cùng nhau hưởng lộc. Theo từng ly rượu mềm môi, câu chuyện ngày càng thêm rôm rả, người trẻ, người già đều hy vọng một năm ấm no với bản làng, quê hương, đất nước.

"Lộc" rừng đầu năm

Có một điều thú vị chúng tôi chứng kiến ở bản Khe Ngát, thường thường ra Tết cũng là lúc cây đót kịp cho bông đủ độ thu hoạch, nhưng khi chưa “cúng rừng”, đồng bào chẳng ai dám vào rừng hái đót, hái "lộc" rừng đầu năm vì trong tâm bà con đều chung ý nghĩ, sợ con ma rừng quở trách. Sau khi lễ “cúng rừng” kết thúc, nam thanh, nữ tú bản Khe Ngát rủ nhau tỏa đi khắp đại ngàn Trường Sơn kiếm "lộc" rừng- hái đót cho kịp mùa.

Nhà trưởng bản Khe Ngát Hồ Văn Song ngay phía đầu bản, bởi địa thế thuận lợi nên ông kiêm luôn đại lý thu mua đót cho thương lái miền xuôi, giúp bà con trong bản “cân đót, trả tiền, hưởng hoa hồng”. Cây đót vào vụ thu hoạch tập trung trong khoảng tháng giêng, ra giêng, bông đót già đi, mất giá trị sử dụng.

Mỗi vụ đót, riêng bản Khe Ngát thu hoạch tầm 5 đến 7 tấn. Đót tươi được dân bản Khe Ngát hái về nhập cho điểm thu mua tại nhà trưởng bản Hồ Văn Song 1kg được 4 nghìn đồng. “Bản Khe Ngát mấy năm nay điều kiện kinh tế khá phát triển khi điện, đường, trường, trạm, nước sạch, sóng điện thoại cơ bản đầy đủ.

Cây tiêu phát triển tốt cho hiệu quả kinh tế cao tại bản Khe Ngát.
Cây tiêu phát triển tốt cho hiệu quả kinh tế cao tại bản Khe Ngát.

Toàn bản trồng được 20 ha sắn; sắp sở hữu thêm 20 ha rừng, nuôi hơn 100 con trâu bò, đặc biệt nhà nào cũng có cây tiêu. Nhiều hộ gia đình thu nhập ổn định nhờ trồng tiêu, như: Hồ Văn Bon, Hồ Văn Chương, Hồ Văn Phần…, mỗi vụ lãi vài chục triệu đồng.

Công việc chăm sóc tiêu, sắn hoàn thành trước Tết, trâu bò gửi nhờ vào rừng sau lễ "cúng rừng". Sau lễ "cúng rừng" bà con rảnh thời gian nên tranh thủ đi hái "lộc" rừng về bán, kiếm thêm thu nhập”, Trưởng bản Hồ Văn Song vui chuyện.

Sau lễ “cúng rừng” non trong buổi chiều đã có hàng chục tạ đót tươi đưa về nhập tại nhà Trưởng bản Hồ Văn Song. "Lộc" rừng đã sớm giúp người dân Khe Ngát thêm thu nhập ở thời điểm “Giêng hai cắn ngón tay không ra máu” như ngàn đời cha ông từng tâm niệm.

Hồ Thị Nhớ, mẹ của ba đứa trẻ Vân Kiều trong ngày đầu tiên đi hái "lộc" rừng đã có được khoản tiền gần 100 nghìn đồng. Hồ Thị Nhớ trần tình: “Có tiền để chạy chợ lo ăn cho con nhỏ. Hết mùa đót, hai vợ chồng cũng kiếm gần triệu bạc”.

Ngày đầu năm mới sau lễ “cúng rừng”, người Vân Kiều bản Khe Ngát yên được cái bụng, vững vàng cái tâm. Lộc rừng đưa về hứa hẹn thêm nhiều điều may mắn trong khoảng thời gian sắp tới. Đó là hạnh phúc, niềm tin đồng bào dành cho cuộc sống hiện tại vẫn đang còn nhiều khó khăn này!

Thanh Long
 

,