.

Lá chắn rừng ngập mặn...

.
10:11, Thứ Bảy, 09/02/2019 (GMT+7)
(QBĐT) - Dưới tiết trời lạnh ngày cuối năm, khu rừng bần chạy dài ven sông Kiến Giang đoạn qua địa phận xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh vẫn xanh ngát một màu. Hàng ngàn cây bần hơn trăm năm tuổi ở đây được ví như những “bức tường xanh” chắn sóng, là môi trường phát triển lý tưởng của các loài thủy sản, tạo sinh kế cho không ít người dân bản địa.
 
“Bức tường xanh” chắn sóng...
 
Hạ lưu dòng Kiến Giang, Long Đại bao đời nay vẫn mãi miết đưa phù sa về bồi đắp cho đồng đất các xã Tân Ninh, Duy Ninh, Hiền Ninh của huyện Quảng Ninh. Trừ mùa bão lũ, cách điểm hợp lưu giữa hai con sông ấy không xa - đoạn gần cầu Trung Quán - luôn trải dài một màu xanh yên bình của mặt nước và cây cối ở đôi bờ.
 
Đặc biệt, ấn tượng nhất ở khúc sông này là khu rừng bần ngập mặn xanh ngát nằm về phía xã Tân Ninh, đã tồn tại hàng trăm năm và được người dân ở đây xem như là “báu vật”.
Việc tiến hành lắp đặt các biển báo cấm chặt phá nhằm ngăn chặn các hành vi phá hoại rừng bần ven sông.
Việc tiến hành lắp đặt các biển báo cấm chặt phá nhằm ngăn chặn các hành vi phá hoại rừng bần ven sông.
Theo các cụ cao niên ở làng Quảng Xá và Hòa Bình, xã Tân Ninh kể lại, hàng mấy trăm năm trước, cây bần đã có mặt ở vùng đất này, đương đầu với sóng to, gió lớn. Nhờ ý thức bảo vệ của người dân, cây bần không ngừng sinh sôi và giờ đây đã thành một khu rừng phòng hộ có diện tích gần 7 ha, với chiều dài lên đến hơn cây số chạy dọc ven sông Kiến Giang.
 
Qua gió mưa, bão, lũ hàng thế kỷ, trong đó có nhiều trận bão lớn, rừng bần thật sự đã trở thành “bức tường xanh” kiên cố, chắn sóng, chắn bão, giữ yên bình cho cả một vùng quê. Trong chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, rừng bần còn là nơi trú ẩn của bộ đội và nhân dân.
 
Đi dưới tán rừng bần cùng những người dân làng Quảng Xá, Hòa Bình, chúng tôi mới thấy hết được sức sống mãnh liệt và vai trò to lớn của “bức tường xanh” chắn sóng này. Mỗi cây bần ở đây cao trung bình từ 3 đến gần 7m, gốc cây có đường kính từ 10-40cm, tán cây ken dày đan vào nhau, tạo nên dáng đứng vững chắc chống lại sự khắc nghiệt của mưa bão, lũ lụt.
 
Đứng trên cầu Trung Quán phóng tầm mắt, màu xanh ngút ngàn của rừng bần, hòa quyện với làn nước trong xanh của dòng Kiến Giang đã tạo ra một không gian yên bình đến kỳ lạ. Dưới tán rừng bần, nhiều hộ dân địa phương đã được giao đất để nuôi trồng, khai thác thủy sản tăng thu nhập cho gia đình. Ngoài ra, nơi đây còn là môi trường lý tưởng cho các loài thủy sản sinh trưởng, phát triển và cũng chính là chỗ trú ngụ, kiếm ăn của nhiều loài chim, đặc biệt là cò trắng...
 
Ông Nguyễn Quang Tuyển, Bí thư Đảng ủy xã Tân Ninh hồ hởi cho biết, diện tích rừng bần Tân Ninh tập trung hết ở làng Quảng Xá, Hòa Bình. Đây là khu rừng ngập mặn ven sông phát triển và có diện tích lớn bậc nhất của tỉnh hiện nay với hệ thống cây bần trưởng thành hàng trăm năm tuổi, đã góp phần làm giảm cường độ của thủy triều, hạn chế sự xâm thực của những con sóng để bảo vệ đất đai và hàng chục ha nuôi trồng thủy sản ở phía trong…
 
Chung tay bảo vệ rừng bần…
 
Năm 2017, một số hộ dân làng Quảng Xá, Hòa Bình, xã Tân Ninh trong quá trình cải tạo mặt nước để nuôi trồng thủy sản, đã đưa máy xúc vào đào ao, đắp đập làm xâm hại đến rừng bần. “Bức tường xanh” của làng bị đe dọa, xâm hại do sự quản lý lỏng lẻo của chính quyền địa phương, khiến nhiều hộ dân xót xa.
Một góc rừng bần ven sông Kiến Giang đoạn qua xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh.
Một góc rừng bần ven sông Kiến Giang đoạn qua xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh.
Hơn một năm từ ngày xảy ra sự việc trên, chúng tôi có dịp trở lại thăm rừng bần trăm năm tuổi này. Ấn tượng với chúng tôi, không còn là khung cảnh ngổn ngang, đổ nát trong rừng bần nữa mà thay vào đó, việc chăm sóc, bảo vệ rừng bần đã được chính quyền địa phương, người dân tiến hành một cách bài bản.
 
Lãnh đạo xã Tân Ninh đã quyết định giao việc chăm sóc, bảo vệ rừng bần trực tiếp cho hai Chi hội CCB thôn Quảng Xá và Hòa Bình. Đồng thời, tiến hành lắp đặt các biển báo cấm chặt phá rừng bần và tuyên truyền, vận động các hộ dân nuôi trồng thủy sản trong rừng bần chịu trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ những diện tích mặt nước có bần đang sinh sống.  
 
Đi cùng chúng tôi dưới tán rừng bần ven sông xanh tốt ở thôn Quảng Xá, Chi hội trưởng CCB thôn Quảng Xá, Nguyễn Văn Hiến chia sẻ rằng, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền trong dân nên thời gian qua chưa có trường hợp nào vi phạm việc chặt, phá hoại rừng bần... Công việc hàng ngày của hội viên CCB là thay phiên nhau đi tuần tra, nhằm phát hiện và ngăn chặn những hành vi phá rừng bần, dùng kích điện để đánh bắt hải sản, huỷ hoại môi trường sinh thái.
 
Ông Dương Quang Huỳnh (thôn Quảng Xá), được giao hơn 1,2 ha đất nuôi trồng thủy sản dưới rừng bần để tăng thu nhập, cải thiện sinh kế chia sẻ với chúng tôi rằng, do đã thấm thía bài học về việc xâm hại rừng bần xảy ra cách đây hơn 1 năm nên người dân làng Quảng Xá, Hòa Bình rất có ý thức trong công tác bảo vệ rừng bần ven sông này. Với diện tích hiện có, tôi đã cải tạo thả nuôi cá mè, gáy, rô phi, trắm…hàng năm cho thu nhập khoảng 60 triệu đồng.
 
Trong diện tích nuôi trồng thủy sản của gia đình tôi có gần 30 cây bần đang sinh sống. Cũng như hộ ông Huỳnh, hàng chục gia đình khác ở xã Tân Ninh đang có nguồn thu nhập ổn định nhờ nuôi trồng thủy sản, thủy cầm trong hệ sinh thái rừng bần, giúp họ ổn định cuộc sống.
 
Rừng bần ven sông như ôm trọn cả một vùng dân cư đông đúc của làng Quảng Xá và Hòa Bình, xã Tân Ninh. Trước lúc chia tay chúng tôi, Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Quang Tuyển “bật mí” rằng, đang có một vài ý tưởng manh nha khai thác mô hình du lịch sinh thái ở đây. Nếu nó trở thành hiện thực thì khu rừng bần ven sông này không chỉ là một lá chắn xanh bảo vệ làng mạc, mà sẽ tạo sinh kế cho không ít người dân.

Ông Lưu Đức Hiến, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, dự án “Hiện đại hóa ngành lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu vùng ven biển” tại tỉnh Quảng Bình đã được UBND tỉnh phê duyệt. Dự án sẽ được thực hiện tại 32 xã, phường trong tỉnh với tổng kinh phí hơn 500 tỷ đồng từ nguồn vốn của WB.

Dự án sẽ trồng mới rừng ngập mặn ven sông và trên cạn ven biển 1.458 ha; phục hồi rừng ngập mặn ven sông và trên cạn ven biển 1.625 ha; có khoảng 100 cộng đồng được hưởng lợi trực tiếp thông qua các cơ chế khuyến khích các hộ gia đình, cộng đồng tham gia bảo vệ, trồng, phục hồi để tăng thu nhập, cải thiện sinh kế; đầu tư bằng các giải pháp công trình chống sạt lở, gây bồi, tạo bãi để phục hồi rừng ven biển, ven sông. Dự án thực hiện từ năm 2019 đến năm 2023.

Ngọc Hải

 

,