.

Ăn Tết bên dòng Đại Giang

.
09:57, Chủ Nhật, 10/02/2019 (GMT+7)
(QBĐT)- Năm nào cũng vậy, mỗi dịp Tết đến Xuân về tôi lại “hẹn hò” với đồng bào ở một bản làng nào đó nơi vùng biên viễn để “xông đất” ăn tết cùng bà con. Xuân Kỷ Hợi này, tôi tiếp nối hành trình chông chênh trên con đò dọc ngược sông Đại Giang, đón Tết sớm với những người ruột rà ở bản Hôi Rấy, xã Trường Sơn (Quảng Ninh).
 
Tết… là phải về bên bếp lửa.
 
Dòng Đại Giang cận kề ba ngày Tết dường như tấp nập hơn thường nhật với những chuyến đò dọc ngược xuôi. Hẹn  Võ Văn Lương, gã lái đò Trường Sơn thân tình chờ nơi chân cầu Long Đại từ sớm nhưng khi xuất phát lại trưa trật vì phải ngược về sân bay Đồng Hới đón một vị khách từ trời Tây đến cùng đón Tết với đồng bào Vân Kiều bản Hôi Rấy.
 
Khi chúng tôi xuống thuyền, trên chiếc cole ngoài Lương còn có thêm hai chàng trai mạn ngược đi làm ăn ở miền Nam về quê ăn tết. Chiếc cole băng mình ra giữa dòng sông. Thuyền nhỏ, người Nam, người Bắc, kẻ miền xuôi, kẻ mạn ngược, cô bạn gái lần đầu tiên đến với mảnh đất Quảng Bình cứ thế xích lại gần nhau, cảm giác xa lạ mất dần nhường chỗ cho những câu chuyện ân tình ngày Tết. 
Trao quà Tết cho đồng bào bản Hôi Rấy
Trao quà Tết cho đồng bào bản Hôi Rấy.
Chàng trai Vân Kiều bản Hôi Rấy dáng thấp đậm, phong sương vui chuyện: “Chúng em dù đi mô, cuối năm, Tết đến là phải quay về, anh ạ!”. Hắn đưa tay chỉ vào đống quà chất phía đầu mui thuyền, một chiếc xe đạp trẻ con, một chiếc loa kẹo kéo, mấy bộ áo quần mới, vài thùng bia lon… hồn nhiên khoe: “Em mới vào miền Nam làm công nhân ba tháng thôi. Quà tết cho gia đình, vợ con chỉ được bấy nhiêu. Riêng tiền thì ít lắm, vừa đủ trang trải cho bản thân”.
 
Tôi hỏi khó: “Thế không có tiền đưa vợ sắm tết, vợ giận không?”. Hắn lắc đầu: “Chồng về là mừng rồi. Ngày đi, em bảo vợ, tao ra xã hội để học khôn, để mở mang tầm nhìn, tiền bạc chỉ là phụ thôi. Tết về nếu không có tiền thì cái bụng vợ vẫn vui nhé! Vợ gật đầu đồng ý vậy rồi”.
 
“Tết là phải về bên bếp lửa. Về để giữ lửa”- Hắn, chàng trai Phó Trưởng bản bản Hôi Rấy tên Hồ Văn Tường thốt lên, âm hưởng đầy tự hào. Cô bạn gái Việt kiều Vũ Thúy Nga người Hà Nội nghe chừng ngạc nhiên lắm.
 
Riêng tôi, sống với đồng bào dân tộc thiểu số khắp một dãy Trường Sơn ở Quảng Bình nhiều rồi, hiểu tục giữ lửa của bà con. Bếp lửa được đốt lên trong ngôi nhà sàn, chính giữa sàn nhà không bao giờ tắt. Bên bếp lửa, những thế hệ người Vân Kiều nối tiếp nhau giữ lửa, truyền lửa, trân quý ngọn lửa. Bếp lửa là niềm tin, hy vọng giúp đồng bào vượt qua giá rét, chiến thắng đói nghèo, hướng đến một sự đổi thay!
Dù đi qua một năm còn nhiều gian khó, Tết đến đồng bào cũng chuẩn bị một bữa tiệc cuối năm đón những đứa con của bản đi xa trở về
Dù đi qua một năm còn nhiều gian khó, Tết đến đồng bào cũng chuẩn bị một bữa tiệc cuối năm đón những đứa con của bản đi xa trở về
Hồ Văn Tường đứng dậy nhẹ nhàng đi về phía mui thuyền, khui thùng bia lon thảy cho bạn đồng hành, đưa cho Lương và mời chúng tôi: “Uống với em một lon bia xem như hội ngộ tết, ăn tết. Tết về giữ lửa… lửa nơi bếp nhà sàn đôi lúc tắt, nhưng lửa trong trái tim người Vân Kiều thì không bao giờ tắt”. Hồ Văn Tường nói, tôi thấy sâu trong mắt chàng trai mạn ngược lấp lánh nụ cười.
 
Tết… là tri ân người già
 
Quà Tết chúng tôi đưa lên cho đồng bào Vân Kiều bản Hôi Rấy, Nước Đắng năm nay khá đủ đầy. Đủ để có một cái Tết ấm nho nhỏ bên bếp lửa hồng phía trong những nếp nhà sàn đơn sơ thấm đẩm tình người. Tết nơi bản nghèo bên dòng Đại Giang đầy dư vị Tết miền xuôi khi có thêm mứt gừng cùng bánh chưng xanh.
 
Trưởng bản Hôi Rấy Hồ Văn Ba cầm tay chúng tôi lắc lắc, lời ông cảm động: “Đồng bào mình vui lắm, vui hơn Tết. Tết năm nay bản nghèo có điện thắp sáng, nhiều tổ chức, đoàn thể, nhà hảo tâm không quản đường xa ngái, cách trở đò giang đến chung tay lo tết cho bà con. Đồng bào ấm cái bụng, vui cái tâm!”.
 
Đón Tết ở bản Hôi Rấy, chúng tôi trân quý thêm một nghĩa cử cao đẹp của người Vân Kiều. Tết là tri ân người già, chăm lo người neo đơn, bệnh tật. Hồ Văn Ba bảo: “Dân bản dù có đói nghèo nhưng các già làng, trưởng bản, người uy tín trong bản phải được trọng vọng, kính nể, thương yêu”.
Mế Hồ Thị Bạo xúc động khi được nhận quà Tết của những đứa con miền xuôi lên tặng
Mế Hồ Thị Bạo xúc động khi được nhận quà Tết của những đứa con miền xuôi lên tặng.
Lời Hồ Văn Ba nói, chân Hồ Văn Ba thoăn thoắt dọc những lối đi nhỏ trong bản, ông đưa chúng tôi đến tận từng ngôi nhà sàn của người già. Ngồi bên lửa ấm, uống chén rượu nồng nghĩa tình và nhận lấy từng lời chúc phúc từ các già làng, chúng tôi tràn ngập cảm giác hạnh phúc về hai tiếng “đồng bào”. 
 
Tết… là tri ân người già. Nếp nghĩ người Vân Kiều giản đơn lắm! Người già không còn sức khỏe để cầm con dao, cái rựa, đôi chân không vững vượt qua con suối, ngọn đồi làm rẫy, làm nương, thế nên họ sống đạm bạc, cần sự trợ giúp từ dân bản, nhất là vào những dịp lễ, tết. Vâng lời Hồ Văn Ba, chúng tôi góp thêm chút Tết ấm cho người già trong bản.
 
Chúng tôi “xông đất” nhà già Hồ Mùi ở bản Nước Đắng, cùng nhấp chén rượu nồng cùng các bà mế Vân Kiều Hồ Thị Rum, Hồ Thị Bạo, Hồ Thị Chuông ở bản Hôi Rấy… Chúng tôi mừng tuổi các già, các mế số tiền mỗi người một triệu đồng, họ nhận lấy và tặng lại cho những đứa con đến từ miền xuôi nhiều lời chúc tốt đẹp.
 
Bà mế già Hồ Thị Bạo sống đơn thân trong ngôi nhà sàn nhỏ, mế không còn nhớ được cái tuổi của mình, hai bàn tay nhăn nheo ghi dấu ấn tuổi tác, cam khổ ôm lấy chúng tôi vào lòng, tiếng rưng rưng: “Mế vui lắm, số tiền ni là cả gia tài đối với mế. Bây về xuôi, cho mế gửi theo lời cám ơn, chúc phúc của bà con dân bản. Năm sau, bây lại lên đón tết với mế, với dân bản Hôi Rấy nghe!”.
 
Buổi chiều muộn, bữa cơm ngày Tết vui cùng đồng bào Vân Kiều bản Hôi Rấy cũng kịp xong. Chúng tôi theo đò dọc xuôi về phía đồng bằng. Giây phút chia tay, đồng bào xuống tận bến thuyền tiễn khách, lưu luyến chẳng muốn rời xa.
 
Từ bến sông, ngoảnh nhìn lại bản nghèo, thăm thẵm giữa màu xanh của núi rừng, của đất trời giao hòa lúc Xuân về, Tết đến, thấy trên từng nếp nhà sàn cờ Tổ quốc tung bay, như những bông hoa đỏ… thắm cả đất trời.
 
Ngô Thanh Long
 
,