.

Những "pháo đài" thép trên thềm lục địa phía Nam-Bài 4: Sức sống trên nhà giàn

.
09:40, Thứ Tư, 30/01/2019 (GMT+7)
(QBĐT) - Sống giữa biển khơi mênh mông, luôn phải đối mặt với những khó khăn, gian khổ, thách thức nhưng những cán bộ, chiến sỹ công tác tại các nhà giàn DK1 vẫn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, giữ gìn sự bình yên trên vùng thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc...
 
Chống chọi với sóng gió
 
Nói đến cuộc sống trên nhà giàn DK1, có lẽ hai chữ "cực khổ" vẫn chưa thể hiện được những khó khăn của những người lính hải quân. Quanh năm, họ phải sống trong căn nhà bằng sắt thép chật chội, trơ trọi giữa biển khơi mênh mông sóng nước. Với thế hệ lính nhà giàn đầu tiên như ở cụm Phúc Tần, những thứ quá đỗi bình thường ở đất liền như rau xanh, nước ngọt... là thứ vô cùng xa xỉ.
 
Thượng úy Võ Xuân Kỳ, thủy thủ chuyên ngành kỹ thuật máy trên tàu Trường Sa 19, có thâm niên gần 20 năm công tác trên tàu vận tải chở hàng tiếp viện ra nhà giàn cho biết, nước ngọt ở nhà giàn còn hiếm hơn cả ở Trường Sa, vì ở đó, người lính có thể đào được giếng khơi từ lòng đảo.
 
Thời kỳ đó, mỗi nhà giàn trung bình từ 10-14 người sinh hoạt trong 6 tháng liền nhưng thiết kế chỉ có thùng dự trữ chừng 10 khối nước ngọt. Nước ngọt chỉ dùng để nấu cơm, đun nước, các hoạt động khác phải dùng nước biển. Còn rau xanh thì không trồng được do diện tích chật chội và nắng gió, muối biển. Thức ăn chính cung cấp cho cán bộ, chiến sỹ chủ yếu là đồ hộp và rau muống được phơi khô.

Bởi vậy, sau mỗi kíp làm nhiệm vụ ở nhà giàn về đất liền, các cán bộ, chiến sỹ đều có nước da vàng bủng vì thiếu rau xanh.

Vượt qua gian khó, cán bộ, chiến sỹ DK1 vẫn ngày đêm bám trụ nhà giàn, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Vượt qua gian khó, cán bộ, chiến sỹ DK1 vẫn ngày đêm bám trụ nhà giàn, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Những năm sau này, hệ thống nhà giàn được nâng cấp, sửa chữa bền chắc hơn để chống chọi với sóng gió, bão bùng. Đời sống vật chất của lính nhà giàn cũng được cải thiện rõ rệt nhờ sự quan tâm của Nhà nước cũng như sự giúp sức từ các tầng lớp nhân dân. Nước ngọt và rau xanh tuy không còn là thứ xa xỉ nhưng cũng hết sức khó khăn. Cán bộ, chiến sỹ nhà giàn phải dùng dè sẻn.

>> Bài 3: Chuyến tàu nối hai đầu thương nhớ

Thiếu úy Phạm Thế Hùng cho biết, nước ngọt mỗi người được vài lít mỗi ngày, hết sức tiết kiệm. Đặc biệt là vào mùa khô, khu vực thềm lục địa phía Nam rất ít mưa. Còn rau xanh không phải ai cũng trồng được. Mỗi nhà giàn thường cử một đồng chí có thâm niên, vừa hiểu về trồng trọt vừa có kinh nghiệm sống trên nhà giàn chăm sóc hàng ngày. Công tác chăm bón rau xanh rất tỉ mỉ, chỉ cần để gió biển mang hơi muối thốc vào là chết lụi ngay.

Hôm chúng tôi đặt chân lên nhà giàn DK1/10, thượng úy Lê Văn Minh, quê Hà Tĩnh tự hào giới thiệu vườn rau xanh mướt của đơn vị. Thượng úy Minh cho biết, trồng được rau xanh trên nhà giàn thật không dễ, nhưng nhờ kinh nghiệm các anh đi trước truyền lại, nên dù không đáp ứng đủ đầy nhu cầu của anh em nhưng cũng đủ để cải thiện.

Công tác trên nhà giàn, đối mặt với nhiều thiếu thốn, gian khổ, nhưng những người lính vẫn tổ chức cuộc sống vui vẻ, lạc quan để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ và vơi đi nỗi nhớ nhà.

Ngoài giờ huấn luyện và trực sẵn sàng chiến đấu, các anh có thể đi câu cá, đánh đàn, đọc sách báo, hát hò, vẽ tranh. Người khác lại tìm niềm vui bằng cách học chăm bón rau, nuôi chó... Ngay như thiếu úy Phạm Thế Hùng vẫn luôn khoe mình là thợ cắt tóc "chuyên nghiệp" khi làm nhiệm vụ ở nhà giàn DK1/21.

Món quà "đặc biệt" từ đất liền
 
Các phần quà từ đất liền mang theo không khí Tết, như: hoa mai, cây quất, bánh kẹo, mứt và đặc biệt là gạo nếp, lá dong, lạt buộc để các chiến sỹ gói bánh chưng đón Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019. Với cánh phóng viên báo chí đó là những xấp báo, cuốn lịch hay những tiết mục văn nghệ đã được chuẩn bị để tặng lính nhà giàn.
 
Trong những phần quà ý nghĩa ấy, món quà đặc biệt nhất có lẽ là lá cờ Tổ quốc được các cầu thủ bóng đá ký tặng gửi cán bộ, chiến sỹ nhà giàn sau chức vô địch AFF Cup 2018. Lá cờ được câu lạc bộ (CLB) Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương (thuộc Trung ương Đoàn) mang theo và đưa lên nhà giàn.
 
Anh Võ Công Danh Việt, thành viên CLB cho biết, sau khi giành được chức vô địch AFF Cup, đội tuyển tổ chức giao lưu với CLB và thông qua CLB ký tên vào cờ Tổ quốc, áo thi đấu và bóng để chuyển tặng chiến sỹ đang làm nhiệm vụ bảo vệ biển đảo quê hương. Trong đó, áo thi đấu và bóng được chuyển ra Trường Sa, còn cờ Tổ quốc chuyển lên nhà giàn.
 
"Với khẩu hiệu "đất liền luôn sát cánh cùng các anh", việc làm này nhằm mục đích truyền lửa chiến thắng đến cán bộ, chiến sỹ nhà giàn, với lời chúc các anh luôn vững vàng tay súng, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc", anh Việt cho hay.
Cán bộ, chiến sỹ DK1/10 chụp ảnh lưu niệm với cờ Tổ quốc được ký tặng bởi các tuyển thủ bóng đá vô địch AFF Cup 2018.
Cán bộ, chiến sỹ DK1/10 chụp ảnh lưu niệm với cờ Tổ quốc được ký tặng bởi các tuyển thủ bóng đá vô địch AFF Cup 2018.

Khi lá cờ được mang lên nhà giàn DK1/10, các cán bộ, chiến sỹ đều rất vui mừng. "Mặc dù ở nhà giàn không có điều kiện xem bóng và ăn mừng chiến thắng của đội tuyển quốc gia nhưng trái tim chúng tôi luôn hướng về.

Hôm nghe tin từ đất liền Việt Nam vô địch, anh em nhà giàn ôm nhau vui sướng", thượng úy Lê Văn Minh cho biết. Sau khi được nâng niu, chụp ảnh kỷ niệm cùng các cán bộ, chiến sỹ, món quà "đặc biệt" này sẽ được lưu giữ tại phòng truyền thống của Tiểu đoàn DK1, Vùng 2 Hải quân.

Suốt gần 30 năm, những nhà giàn vẫn sừng sững giữa biển khơi như những "pháo đài" thép hiên ngang khẳng định chủ quyền thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc thân yêu. Trên những nhà giàn đó là những "bia chủ quyền sống" đang ngày đêm canh giữ từng tấc biển thiêng liêng của Tổ quốc, mặc cho sóng gió, bão bùng.

Tinh thần của họ là bất diệt, như lời bài hát vẫn vang vọng trên từng nhà giàn mỗi ngày: "Sóng gió mặc sóng gió, lính nhà giàn thề chẳng ngại khó, mưa giông mặc mưa giông, lính nhà giàn vẫn thắm hoa hồng...".

Xuân Phú

 

,