.

"Tín dụng đen" và những chiếc bẫy giăng sẵn

.
08:58, Thứ Năm, 18/07/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Những năm gần đây, “tín dụng đen” và những hậu quả của nó đã trở thành một cơn ác mộng đối với nhiều gia đình. Nhiều người đã “trắng tay”, thậm chí vướng vào vòng lao lý bởi “tín dụng đen”. Nạn nhân của “tín dụng đen” đa dạng cả về giới tính, độ tuổi và nghề nghiệp, có cả cán bộ, công chức, doanh nhân, học sinh, sinh viên, người nội trợ… Dù có xuất phát điểm khác nhau, nhưng các nạn nhân đều có điểm chung là bắt đầu từ việc rơi vào những chiếc bẫy ngọt ngào của “tín dụng đen”.

Đường đến “tín dụng đen”

Là hình thức cho vay, đi vay hoặc huy động vốn với lãi suất cao gấp nhiều lần so với lãi suất của Nhà nước, điều kiện và thủ tục vay đơn giản, giải ngân nhanh, “tín dụng đen” đã thu hút không ít đối tượng tham gia.

Đó có thể là chủ một doanh nghiệp cần vốn để quay vòng trong khi hạn mức vay ngân hàng đã hết; là cậu sinh viên cần tiền để thanh toán các món nợ vặt; là bà mẹ làm nghề nội trợ xoay xở để trả nợ cho cậu quý tử trót ham mê bóng đá và những trò “cá độ”; là anh cán bộ, chị giáo viên làm ăn thất bại hoặc ham mê bài bạc đến khi tỉnh ngộ thì số tiền nợ đã cao như núi; là những thanh thiếu niên trót dính vào con đường nghiện ngập ma tuý… Tất cả những đối tượng này đều cảm thấy bế tắc khi không có tiền để trả nợ, sợ ảnh hưởng đến công việc, thể diện, sợ sẽ mất tất cả bởi khoản nợ mình đã gây ra.

Cùng với những đối tượng vay tiền, một phần quan trọng của “tín dụng đen” là các đối tượng cho vay tiền hoặc huy động vốn. Với lãi suất “khủng” từ 100% đến 300%, thậm chí 700%/năm, núp bóng dưới những doanh nghiệp có chức năng cho vay tài chính, dịch vụ đòi nợ, kinh doanh cầm đồ, những đối tượng này giàu lên trông thấy từ nguồn tiền lãi “khủng” thu được của con nợ. Những đối tượng này cũng đồng thời móc nối, lôi kéo những cá nhân có tiền nhàn rỗi làm vai trò trung gian để huy động vốn với lãi suất cao.

Tờ rơi quảng cáo của
Tờ rơi quảng cáo của "tín dụng đen" .

Hoạt động nhộn nhịp của các tổ chức, cá nhân trong mạng lưới “tín dụng đen” đã kéo theo những băng nhóm tội phạm, đối tượng có tiền án, tiền sự sử dụng vũ khí, hung khí nguy hiểm xâm hại tính mạng, sức khỏe và tài sản, tinh thần của người đi vay và người thân khi họ vi phạm “hợp đồng”. Trên thực tế, đã có nhiều vụ các băng nhóm tội phạm đe dọa và tấn công nạn nhân nhưng nhiều người không dám trình báo cơ quan chức năng.

Rất dễ sập bẫy

Khi đầu óc đang hoảng loạn về việc cậu con trai thú nhận đã vay “nóng” gần 300 triệu đồng để trả nợ tiền làm ăn, dù thực chất chưa một lần được chứng kiến việc “làm ăn” của con trai, bà H. thẫn thờ dừng xe ở cột đèn giao thông.

Mãi đến khi đèn xanh bật sáng, dòng người hối hả băng qua đường, bà vẫn đứng đó, bất động. Lòng bà rối như tơ vò vì “thẻ đỏ” ngôi nhà vẫn cầm cố ở ngân hàng do nợ làm nhà chưa trả hết, giờ thêm khoản nợ của con trai, bà không biết phải làm sao.

Thế rồi ánh mắt của bà tình cờ lướt qua nội dung trên tờ giấy dán ở bức tường gần đó, với nội dung: Cho vay trả góp, giải ngân trong ngày, thủ tục nhanh gọn với hộ khẩu + chứng minh nhân dân hoặc chứng minh nhân dân + giấy phép lái xe, lãi suất thấp cùng số điện thoại. Như “chết đuối vớ được cọc” bà H. cầm điện thoại lên và gọi!

Tương tự, anhT., một doanh nhân đang gặp khó khăn trong vốn đầu tư. Để phục vụ việc kinh doanh, tài sản gồm nhà cửa, xe cộ đều được vợ chồng anh mang ra thế chấp ở ngân hàng.

Việc làm ăn không suôn sẻ, anh cần tiếp một khoản tiền lớn nên sau nhiều ngày suy nghĩ nhưng không tìm được giải pháp, anh tặc lưỡi mang hộ khẩu và chứng minh nhân dân đến gặp ông chủ của công ty kinh doanh dịch vụ tài chính. Sau khi viết vài dòng và ký tên trên tờ giấy học sinh, anh nhanh chóng nhận được số tiền mình cần để giải quyết khó khăn.

Với sự lọc lõi trong hoạt động “tín dụng đen”, các đối tượng cho vay nặng lãi luôn xuất hiện đúng lúc để giải quyết nhu cầu của những người cần tiền. Trong một số trường hợp, khi biết nạn nhân đang nợ tiền người khác, các đối tượng này xuất hiện cùng chủ nợ và gợi ý nạn nhân vay tiền của công ty họ để giải quyết món nợ hiện tại, tránh kiện tụng phiền phức. Vì quẫn bách, người đi vay chấp thuận phương án này để có tiền trả nợ. Thế là món nợ của chủ cũ được chuyển sang chủ mới với tỷ lệ lãi suất cao ngất ngưởng.

Với tỷ lệ lãi suất  từ 100% đến 300%, thậm chí 700%/năm, “lãi mẹ đẻ lãi con”, số tiền khiêm tốn ban đầu nhanh chóng trở thành một khoản tiền lớn mà hầu hết nạn nhân đều khó có khả năng thanh toán. Khi họ không có tiền trả, ngay lập tức phải đối mặt với cách thức đòi nợ của các "băng nhóm xã hội đen" sử dụng vũ khí, hung khí đe dọa… Nhiều người phải bán hết tài sản, trở nên “trắng tay” mà nợ vẫn chưa trả hết. Hoạt động “tín dụng đen” đã gây mất an ninh trật tự, kinh tế - xã hội, khiến người dân hoang mang lo lắng.

Cùng với việc cho vay nặng lãi, các đường dây “tín dụng đen” còn tổ chức huy động vốn với lãi suất trả trước cao gấp nhiều lần so với ngân hàng. Với thủ đoạn rất cũ là nếu khách hàng cho vay 1 tỷ đồng sẽ được trả trước số lãi từ 20-30%.  Không ít người bị lòng tham làm mờ mắt đã tự nguyện bước vào “những chiếc bẫy ngọt ngào” này để rồi sau khi mang số tiền lãi về, số tiền vốn ban đầu cũng không cánh mà bay hoặc thành món nợ khó đòi.

Ngăn chặn, đẩy lùi “tín dụng đen”

Trước thực trạng nêu trên, các cơ quan chức năng đã triển khai nhiều giải pháp để ngăn chặn, đẩy lùi “tín dụng đen”. Mới đây nhất, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành công văn chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, địa phương thực hiện quyết liệt các giải pháp bao gồm mở các đợt tấn công, trấn áp tội phạm liên quan đến “tín dụng đen”; tuyên truyền để người dân hiểu về sự nguy hại của “tín dụng đen” và thông tin rộng rãi về các hoạt động vay vốn ưu đãi của Nhà nước; vận động người dân tham gia phòng ngừa, tố giác tội phạm nói chung, tội phạm liên quan đến “tín dụng đen” nói riêng; kiểm soát chặt chẽ hoạt động của các cơ sở cầm đồ, kinh doanh tài chính, dịch vụ đòi nợ thuê và các cơ sở có biểu hiện cho vay  nặng lãi, đòi nợ thuê…

Thực hiện chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh, thời gian qua, Công an tỉnh đã đẩy mạnh hoạt động đấu tranh với các đối tượng kinh doanh “tín dụng đen”. Đặc biệt, chuyên án 319-V với sự tham gia của trên 80 cán bộ, chiến sĩ đã triệu tập, đấu tranh 11 đối tượng có liên quan đến hành vi cho vay lãi nặng trên địa bàn thành phố Đồng Hới; bắt giữ Nguyễn Xuân Thủy (SN 1983, trú tại phường Nam Lý, TP. Đồng Hới) có hành vi cho vay lãi nặng và tiếp tục củng cố hồ sơ tài liệu, phối hợp điều tra mở rộng với những đối tượng liên quan.

Cùng với lực lượng Công an, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Quảng Bình cũng đã triển khai nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn, đẩy lùi “tín dụng đen”. Ông Đinh Quang Hiếu, Giám đốc Chi nhánh cho biết: Đơn vị đã ban hành các văn bản chỉ đạo về việc đấu tranh với “tín dụng đen”, tích cực phối hợp với Công an tỉnh và các ngành chức năng phát hiện và truy bắt một số đối tượng cho vay nặng lãi, điển hình như vụ Trần Viết Lộc tại Lệ Thủy.

Thời gian tới, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm các giải pháp nhằm hạn chế, đẩy lùi “tín dụng đen”; tăng cường phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí tuyên truyền về “tín dụng đen” và những hệ luỵ…

Bên cạnh những giải pháp nêu trên, từ thực trạng và những hậu quả của “tín dụng đen”, một trong những yếu tố quan trọng để phòng ngừa, đẩy lùi “tín dụng đen” là ý thức của mỗi người trước sự cám dỗ của “tín dụng đen”. Nhiều trường hợp trở thành nạn nhân của “tín dụng đen” cũng bởi sự xuống cấp về đạo đức, sự tham lam, thiếu kiến thức, nhẹ dạ cả tin… dẫn đến những hành vi vi phạm pháp luật như bài bạc, lô đề, cá độ bóng đá, lừa đảo…

Vì vậy, muốn hạn chế và đẩy lùi “tín dụng đen”, bên cạnh các giải pháp tích cực và kịp thời của cơ quan chức năng, cá nhân mỗi người cần giữ gìn phẩm chất đạo đức, nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật, trang bị cho bản thân những kiến thức cần thiết để không bị sa chân vào những chiếc bẫy của “tín dụng đen”.

Ngọc Mai

,