.
Ký sự pháp đình:

Hai nỗi đau!

.
08:00, Chủ Nhật, 07/07/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Hai người phụ nữ, một người nom khắc khổ, già nua, với mái tóc bạc trắng và một người phụ nữ trẻ hơn, nhưng thân hình bé nhỏ, yếu ớt, tiều tụy ngồi im lặng suốt buổi xét xử. Họ là người thân của bị cáo và cũng là người thân của bị hại trong vụ án này.

Giữa lúc Hội đồng xét xử (HĐXX) nghị án, nhiều người thân là các chị em ruột của bị cáo túm tụm lại xung quanh hỏi han. Chỉ người vợ và người con gái là lặng lẽ ngồi từ xa.

Bị cáo, người đàn ông với mái tóc đã lốm đốm muối tiêu nhiều lần run lên bần bật trước những câu hỏi của HĐXX. Có lúc, người đàn ông này bật khóc giữa phiên tòa.

Ông nói rằng, ông không chối bỏ một điều gì cả và sẽ chịu hết mọi tội lỗi do mình gây ra. “Chỉ là để xảy ra sự việc này bị cáo hoàn toàn không cố ý, càng không có ý định đâm con rể. Bị cáo chỉ lỡ tay, nên giờ đây rất ân hận”. Những câu nói hối lỗi của người đàn ông này cứ đứt mạch, ngắc ngứ.

Gần kết thúc phiên tòa, ông cũng không một lời xin HĐXX giảm án. Ông chỉ cúi đầu, xin lỗi gia đình thông gia và con gái, bởi những gì ông đã gây ra.

Với ông, 15 năm tù kia chưa phải là hình phạt cuối cùng ông phải chịu đựng trong suốt quãng thời gian còn lại. Đó là nỗi đau mà bản thân ông và những người thân trong gia đình ông sẽ khó lòng gột rửa.

Còn chị, người vợ của bị hại và cũng là con gái của bị cáo dù đã cố kìm nén cảm xúc nhưng không ngăn được những giọt nước mắt đau khổ của một người vợ mất chồng và cả những tiếng tăm dị nghị. Chị khóc nấc lên, rồi thốt ra những lời gan ruột với một người xa lạ là tôi.

Có lẽ, với chị, người xa lạ vẫn dễ tâm sự, chia sẻ hơn là người thân quen. Chị kể, chồng chết dưới tay của người cha ruột của mình. Giờ chị không biết phải như thế nào nữa.

Vì vậy, khi vị chủ tọa gọi chị hỏi về các vấn đề liên quan đến vụ án, chị gần như chỉ im lặng. Chỉ trích bị cáo, người đã gây ra vết thương đau này ư? Nhưng, đó là người cha ruột của chị. Nỗi đau mất chồng, cha vướng vào vòng lao lý, làm sao chị đủ nguôi ngoai, đủ tỉnh táo... Những gì đã và đang diễn ra, chị chỉ muốn nó như là cơn ác mộng trong giấc ngủ.

Chị không gọi bị cáo là cha, mà chỉ gọi là ông hoặc ông ấy. Những lúc ấy, đôi mắt chị cụp xuống, cứ như thể đang cố trốn tránh tất cả những gì đang diễn ra. Chị kể, bình thường ông ấy rất hiền. Chỉ khi có chén rượu, thì ông không còn làm chủ được mình.

Ông uống ít, nhưng lại hay say. Nhà chỉ có 2 ông bà sống với nhau, nên sau mỗi cuộc rượu ấy, mẹ chị là người phải chịu trận. Những trận chửi bới, đánh đập khi say ông đều đổ lên thân thể người mẹ già yếu của chị. Có lần mẹ chị phải trốn lên núi, đợi lúc ông ấy tỉnh lại mới dám trở về nhà.

Nhà con cái ở gần đó, mẹ cũng không dám tới vì nếu để ông ấy biết được cũng không yên thân. Thương mẹ, mấy anh em trong gia đình bức xúc lắm và cũng đã nhiều lần khuyên can, nhưng ông đâu có chịu nghe. Và giờ đây lại thêm chuyện này nữa... Nạn nhân lại là chồng chị. Nhà chị ở gần nhà bố mẹ suốt gần 15 năm nay, nhưng giữa vợ chồng chị và bố mẹ vẫn không va chạm gì. Cha mẹ, con cái vẫn giữ được sự thuận hòa, kính trên nhường dưới.

Trước lúc xảy ra chuyện, chồng chị cũng chỉ vì thương mẹ vợ, nên mới nặng lời với ông. Chị không hề biết chồng và bố mình đã nói với nhau những gì, hai người xô xát ra sao, chị nói mà như thể thanh minh, như thể chính mình là người có tội. Giờ đây, chị chỉ thương cho 3 đứa con đang tuổi ăn tuổi học.

Bởi, chúng còn quá nhỏ. Chúng chưa biết, chưa hiểu những gì đang xảy ra. Bố chúng mất sớm, liệu rồi đây, một thân, một mình chị có cáng đáng được... Vả lại sau này chúng lớn, chắc gì chúng thấu hiểu được những éo le, trớ trêu, những nỗi khổ đau mà chị phải chịu đựng.

Phiên tòa kết thúc, bị cáo đi lướt nhanh qua chỗ ngồi của 2 mẹ con chị, để ra xe chở phạm nhân. Họ lướt qua nhau, và ánh mắt của họ không còn chạm vào nhau. Dẫu cho phiên tòa đã kết thúc từ lâu, hai người phụ nữ đau khổ kia vẫn còn ngồi im, với ánh mắt đầy mỏi mệt, đờ đẫn nhìn vào khoảng không trước mặt.

Dương Công Hợp

,