.

Đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp và những bất cập

.
08:36, Thứ Sáu, 26/07/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Luật Đấu giá tài sản (ĐGTS) năm 2016 có hiệu lực từ ngày 1-7-2017 với nhiều điểm mới đáng chú ý, trong đó phải kể đến hình thức đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện hình thức này vẫn còn một số bất cập, hạn chế...

Đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp là hình thức có nhiều điểm nổi trội so với các hình thức cũ, đảm bảo việc bảo mật thông tin cho khách hàng, hạn chế sự can thiệp của các đối tượng “cò đấu giá” thông đồng, dìm giá, đảm bảo khách quan, công bằng, giúp người dân có nhu cầu thực sự mua được tài sản, giảm thất thoát giá trị tài sản.

Ngay từ khi luật có hiệu lực, Trung tâm Dịch vụ ĐGTS tỉnh đã tiên phong thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất bằng hình này. Qua 2 năm thực hiện, Trung tâm đã hoàn thiện trình tự, thủ tục đấu giá, cắt giảm tối đa giấy tờ và thời gian thực hiện, tăng tính bảo mật của hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá, thùng đựng phiếu trả giá, làm tốt công tác tiếp nhận hồ sơ, tổ chức buổi công bố kết quả trả giá. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện hình thức này còn một số bất cập, hạn chế:

Thứ nhất, đối với thời gian nộp hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá và thời gian nộp tiền đặt trước. Tại khoản 2 Điều 38 Luật ĐGTS quy định: “Tổ chức ĐGTS bán hồ sơ tham gia đấu giá, tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá trong giờ hành chính, liên tục kể từ ngày niêm yết việc đấu giá tài sản cho đến trước ngày mở cuộc đấu giá 2 ngày”.

Còn ở khoản 2 Điều 39 Luật ĐGTS quy định: “Tổ chức ĐGTS chỉ được thu tiền đặt trước của người tham gia đấu giá trong thời hạn 3 ngày làm việc trước ngày mở cuộc đấu giá, trừ trường hợp tổ chức ĐGTS và người tham gia đấu giá có thỏa thuận khác nhưng phải trước ngày mở cuộc đấu giá...”.

Theo quy định trên thì tại thời điểm hết hạn tiếp nhận hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá, người đăng ký vẫn có thể nộp tiền đặt trước vào 2 ngày sau đó. Điều này dẫn đến thông báo đấu giá sẽ có nhiều mốc thời gian: Thời gian bán hồ sơ, tiếp nhận hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá; thời gian nộp tiền đặt trước; thời gian tổ chức đấu giá..., dẫn đến nhiều khách hàng nhầm lẫn các mốc thời gian với nhau.

Ngoài ra, nhiều khách hàng đã đăng ký tham gia đấu giá mà chưa nộp tiền đặt trước có thể thông đồng, thoả thuận với nhau, sau đó chỉ có 1 hoặc một vài người nộp tiền đặt trước để lấy tài sản, những người khác không nộp tiền đặt trước chỉ bị mất tiền mua hồ sơ tham gia đấu giá.

Tiếp đến, việc này còn dẫn đến các khách hàng có khi chỉ đăng ký rồi chờ xem xét tình hình mới nộp tiền đặt trước, nên vẫn xảy ra hiện tượng thông đồng, dìm giá, dẫn đến việc Trung tâm cũng mất thời gian trong việc theo dõi tình hình nộp tiền đặt trước của những khách hàng này.

Thứ hai, đối với quy định tiền đặt trước. Luật ĐGTS quy định mức tiền đặt trước khách hàng phải nộp khi tham gia đấu giá là từ 5% đến tối đa là 20% giá trị khởi điểm lô đất đăng ký. Nhằm bảo mật thông tin lô đất khách hàng đăng ký, tránh trường hợp đối với các lô đất có giá khởi điểm khác nhau, khách hàng có thể dựa vào tiền đặt trước để xác định được lô đất người khác đã đăng ký, nên giải pháp đặt ra là lấy bình quân một hoặc một số mức tiền đặt trước chung.

Tuy nhiên, vì mức tiền này không phải là mức tối đa nên trong trường hợp khách hàng không được trả lại tiền đặt trước do vi phạm quy chế hay từ chối mua tài sản thì sẽ thất thu một phần tiền đặt trước vì có nhiều lô đất phần chênh lệch giữa mức tối đa và mức bình quân lên tới 100 triệu đồng.

Thứ ba, đối với xử lý tiền đặt trước, tại điểm a khoản 6 Điều 39 Luật ĐGTS quy định người tham gia đấu giá không được nhận lại tiền đặt trước trong trường hợp đã nộp tiền đặt trước nhưng không tham gia cuộc đấu giá, buổi công bố giá mà không thuộc trường hợp bất khả kháng.

Trường hợp người tham gia đấu giá đã nộp tiền đặt trước nhưng không bỏ phiếu trả giá mà vẫn tham gia buổi công bố giá thì có được coi là không tham gia cuộc đấu giá hay không và có bị xử lý tiền đặt trước hay không.

Đây là một trong những vướng mắc, bởi nếu trường hợp này không bị xử lý tiền đặt trước thì sẽ tạo kẻ hở cho việc thông đồng, dìm giá. Các đối tượng sẽ cố ý không bỏ phiếu trả giá hoặc đe doạ khách hàng không cho bỏ phiếu trả giá để cho một khách hàng khác trúng đấu giá với giá thấp.

Thứ tư, trường hợp đấu giá chỉ một tài sản. Hình thức đấu giá gián tiếp tuy có nhiều ưu điểm nhưng khi đấu giá chỉ một tài sản mà áp dụng hình thức này lại gặp nhiều hạn chế vì tốn rất nhiều chi phí từ khâu niêm phong thùng đựng phiếu, in phong bì, phiếu trả giá, niêm phong kết thúc việc bỏ phiếu, bảo quản thùng phiếu…

Hơn nữa, vì chỉ một tài sản nên các đối tượng “cò” dễ dàng theo dõi, nắm được số lượng người đăng ký từ đó đe doạ, ép buộc không cho bỏ phiếu trả giá hoặc phải bỏ ở mức thấp. Số lượng người đăng ký tham gia đấu giá ít nên giá trả hầu hết không cao, không kích thích được người đăng ký tham gia trả giá, thù lao dịch vụ đấu giá thu được không đủ bì đắp chi phí bỏ ra.

Thứ năm, lợi dụng "kẻ hở" đấu giá bằng hình thức bỏ phiếu gián tiếp, các đối tượng “cò đất” đã tập hợp lại thành từng tổ, nhóm để mua càng nhiều lô đất trong các dự án càng tốt, sau đó chúng bán lại cho người dân có nhu cầu với giá cao hơn, thổi giá đất lên không đúng với thực tế...

Từ thực tế nói trên, chúng tôi xin đưa ra một số kiến nghị, đề xuất và giải pháp thực hiện như sau: Cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật về ĐGTS, trong đó có những quy định cụ thể hơn trong tổ chức đấu giá bằng hình thức gián tiếp cũng như hình thức xử lý các tình huống phát sinh nhằm hạn chế tối đa sự thông đồng, dìm giá và tạo sự răn đe đối với các đối tượng lợi dụng đấu giá để trục lợi; cứ vào loại tài sản, giá trị tài sản để lựa chọn hình thức đấu giá cho phù hợp, nâng cao được giá trị tài sản mà chi phí bỏ ra thấp nhất; nghiên cứu các hình thức theo dõi, kiểm tra số tiền đặt trước của khách hàng nộp đúng và đủ...

Luật gia Lê Sơn

,