.

Cảnh báo các thủ đoạn lừa đảo trên mạng xã hội

.
07:03, Thứ Bảy, 06/07/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Chỉ đến khi số tiền chuyển cho người bạn là quân nhân mang quốc tịch Đức lên đến 505 triệu đồng rơi vào sự im lặng đáng sợ, chị Hoàng Thị T. (phường Phú Hải, TP. Đồng Hới) mới chợt bừng tỉnh và làm đơn trình báo cơ quan công an. Đây là một trong những thủ đoạn khá phổ biến trên mạng xã hội, nhưng không ít nạn nhân bị rơi vào bẫy của bọn lừa đảo và thiệt hại tài sản không nhỏ.

Theo đơn trình báo, chị T. quen người bạn trai là quân nhân mang quốc tịch Đức tên là Jangam Shivolingoppa qua Facebook. Sau vài lần chuyện trò, Jangam Shivolingoppa bày tỏ tình cảm với chị T. nhưng vì đã có gia đình nên chị T. từ chối.

Dù vậy, người đàn ông này vẫn thường xuyên nhắn tin tâm sự với chị T. và hẹn sẽ sang Việt Nam thăm chị. Cho đến một ngày, anh ta thông báo với chị T. là đã chuyển hành lý về Việt Nam trước và trong hành lý có 100.000 đô la cùng một số giấy tờ quan trọng. Jangam Shivolingoppa ngỏ ý nhờ chị T. chuyển một số tiền nhỏ để đóng phí cho số hành lý này.

Thế rồi mấy hôm sau chị T. nhận được điện thoại của một người tự xưng là nhân viên sân bay Tân Sơn Nhất. Người này thông báo cho chị T. về số hành lý của Jangam Shivolingoppa và yêu cầu chị chuyển 35 triệu đồng để nhận. Cùng lúc chị cũng nhận được tin nhắn của “người bạn Đức” nhờ giúp đỡ. Nể tình, chị T. ra ngân hàng chuyển 35 triệu đúng như yêu cầu.

Chuyển tiền xong chị T. nhắn tin cho bạn và gọi cho “nhân viên sân bay”, thế nhưng chị được thông báo tiếp là họ vừa phát hiện trong hành lý có một số vàng và kim cương nên hải quan không cho xuất kho. Nếu muốn nhận hành lý, chị phải chuyển tiếp 170 triệu đồng nữa.

Đơn trình báo cơ quan Công an và biên lai chuyển tiền của chị Hoàng Thị T.
Đơn trình báo cơ quan Công an và biên lai chuyển tiền của chị Hoàng Thị T.

Cùng lúc, “người bạn Đức” của chị thú nhận có gửi vàng, kim cương trong hành lý. Nhận cuộc gọi và tin nhắn xong, chị T. chạy vạy gom đủ 170 triệu đồng và chuyển tiếp vào tài khoản theo yêu cầu. Hai hôm sau, “nhân viên sân bay” lại gọi điện cho chị báo là hải quan tiếp tục phát hiện một số tiền lớn trong hành lý và nghi ngờ “người bạn Đức” của chị đang thực hiện hành vi “rửa tiền”, đồng thời yêu cầu chị T. chuyển tiếp 400 triệu đồng.

Vì số tiền quá lớn nên chị T trả lời là mình không có khả năng thanh toán. Lúc này “người bạn Đức” liên tục nhắn tin cầu xin chị giúp đỡ cùng nhiều lời hứa hẹn. Đồng thời phía nhân viên sân bay cho biết họ có thể giảm số tiền xuống một nửa là 200 triệu đồng. Như “ma xui quỷ khiến”, chị lại lẳng lặng đi ngân hàng chuyển tiếp 200 triệu đồng.

Với thủ đoạn như thế, lần chuyển tiền cuối cùng của chị T. là 100 triệu đồng, đưa tổng số tiền chuyển khoản lên đến 505 triệu đồng. Tất cả tiền của chị được chuyển vào hai tài khoản cùng mang tên Nguyễn Thanh Tâm, 060212959955 Ngân hàng Sacombank quận 3, TP. Hồ Chí Minh và 19034018117013, Ngân hàng Techcombank Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh.

Sau khi chuyển 505 triệu đồng, chị T. còn nhận được nhiều tin nhắn của “người bạn Đức” nhờ chuyển tiền nhiều lần nữa với mức 50 triệu đồng, 100 triệu đồng nhưng lúc này chị T. bắt đầu có cảm giác mình đã bị lừa.

Chị yêu cầu “người bạn Đức” gửi hóa đơn về số hành lý nọ và nhận được hóa đơn, trong đó có số điện thoại của công ty giao hàng. Gọi theo số máy trong hóa đơn, chị gặp một người phụ nữ ở Bắc Ninh. Sau khi chuyện trò mới biết người phụ nữ này cũng là nạn nhân của bọn lừa đảo với thủ đoạn y hệt như chị đã bị lừa. Chị T. liền viết đơn trình báo cơ quan công an.

Đó là một trong những thủ đoạn khá phổ biến của các đối tượng lừa đảo trên mạng xã hội hiện nay. Các thủ đoạn khác có thể kể đến nữa là chiếm dụng tài khoản Facebook và nhắn tin nhờ mua thẻ cào, nạp tiền vào tài khoản. Số tiền mất của nạn nhân trong thủ đoạn này thường không lớn nên nhiều nạn nhân không trình báo cơ quan công an. Thủ đoạn mới nhất hiện nay là các đối tượng đặt mua hàng online và xin số tài khoản để chuyển tiền.

Sau khi có số và tên tài khoản của người bán hàng, thủ phạm gửi đường link cho người bán và thông báo sẽ có một mã số gửi vào điện thoại của người bán. Muốn hoàn tất thủ tục chuyển tiền, người bán cần gửi mã số này cho bọn chúng.

Mã số này chính là số OTP xác nhận giao dịch chuyển tiền qua mạng. Đây là một thủ đoạn mới và khá tinh vi nên nạn nhân dễ bị sập bẫy. Sau khi cung cấp mã số, tất cả tiền trong tài khoản của nạn nhân đều bị chuyển hết khiến nạn nhân không kịp “trở tay”.

Vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã nhận được đơn tố cáo của các nạn nhân về các thủ đoạn lừa đảo này và đang tiến hành điều tra theo quy định. Đối với thủ đoạn người nước ngoài kết bạn qua Facebook rồi gửi hàng, tiền, nhân viên sân bay, nhân viên hải quan liên lạc yêu cầu nạn nhân gửi tiền để nhận hàng, cơ quan chức năng đã bắt hai đối tượng và tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Tuy nhiên do mất cảnh giác hoặc chưa tiếp cận được thông tin, nhiều người, trong đó có chị Hoàng Thị T. vẫn rơi vào bẫy của bọn lừa đảo. Thủ đoạn chiếm đoạt tài khoản Facebook và mượn tiền hoặc nhờ mua thẻ điện thoại, vì số tiền bị lừa đào không lớn nên hầu hết nạn nhân đều không tố cáo.

Riêng với thủ đoạn chuyển tiền mua hàng, hiện Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh đã nhận được đơn tố cáo của hai nạn nhân với số tiền bị lừa đảo là 31 triệu đồng. Đây là tất cả số tiền trong tài khoản, nếu tài khoản có số tiền lớn hơn cũng sẽ bị chiếm dụng hết.

Thủ đoạn này mới, tinh vi và khả năng thiệt hại sẽ rất lớn nên người dân cần nâng cao cảnh giác để tránh sập bẫy tội phạm lừa đảo mà điều trước tiên là tuyệt đối không cung cấp mã OTP gửi đến điện thoại của mình cho bất cứ ai và trong bất kỳ trường hợp nào.

Mạng xã hội đã và đang mang lại nhiều tiện ích cho người sử dụng. Nhưng mạng xã hội cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, trong đó có nguy cơ lừa đảo chiếm đoạt tiền. Cơ quan chức năng đã và đang triển khai nhiều biện pháp đồng bộ để ngăn chặn và tóm gọn các đối tượng lừa đảo, nhưng để bảo vệ chính mình, người dân cần nâng cao cảnh giác, trang bị các kiến thức cần thiết khi sử dụng mạng xã hội, đặc biệt là các hoạt động chuyển tiền và tuyệt đối không tham lam "của hời" để rồi bị sập bẫy, “tiền mất tật mang”.

Ngọc Mai

,