.

Khó khăn trong thi hành án các vụ việc phức tạp…

.
12:03, Thứ Ba, 11/06/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Thời gian qua, việc tổ chức thi hành án (THA) theo các bản án, quyết định của Tòa án trên địa bàn tỉnh ta tuy có sự chuyển biến nhất định song vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, bất cập…

Thiếu cơ chế ràng buộc trách nhiệm trong phối hợp

Ông Trần Phương Nam, Phó Cục trưởng Cục THADS tỉnh cho biết, một trong những yếu tố quan trọng bảo đảm cho công tác cưỡng chế THA thành công chính là sự phối hợp của các cơ quan, ban, ngành các cấp có liên quan với cơ quan THADS.

Hiện nay, Luật THADS năm 2008 được sửa đổi, bổ sung năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã quy định rõ trách nhiệm phối hợp của các cơ quan, ban, ngành các cấp có liên quan với cơ quan THADS trong cưỡng chế thi hành án.

Chi cục THADS huyện Quảng Trạch kê biên tài sản của Công ty TNHH Anh Trang.
Chi cục THADS huyện Quảng Trạch kê biên tài sản của Công ty TNHH Anh Trang.

Tuy nhiên, khi triển khai trên thực tế hiệu quả của công tác phối hợp lại phụ thuộc vào ý thức chủ quan của cơ quan được đề nghị phối hợp là chủ yếu, còn thiếu cơ chế ràng buộc trách nhiệm của các cơ quan này khi để xảy ra tình trạng chậm trễ thực hiện phối hợp.

Thậm chí có trường hợp đưa ra các lý do chưa thuyết phục gây khó khăn hoặc kéo dài thời gian phối hợp, buộc cơ quan THADS phải gửi nhiều văn bản đề nghị, tổ chức họp nhiều lần để thống nhất công tác phối hợp.

Ông Nam cũng cho biết rằng, hiện nay, các cơ quan THADS tỉnh đang thi hành vụ việc phá sản Công ty đường Quảng Bình theo Quyết định số 01/2018/QĐ-TBPS, ngày 15-01-2018 tuyên bố phá sản và Quyết định số 53/2018/QĐ-TBPS, ngày 24-4-2018 phê duyệt danh sách chủ nợ, danh sách người mắc nợ Công ty đường Quảng Bình của TAND tỉnh.

Trong quá trình các cơ quan chức năng thực hiện thủ tục phá sản, tổ chức THA, các cơ quan THADS gặp phải sự bức xúc, phản đối của những người phải THA đối với nội dung các tổ chức, cá nhân nhận trồng mía, trồng dứa phải trả nợ cho Công ty đường Quảng Bình trong quyết định tuyên bố phá sản, đề nghị cơ quan THADS làm việc với cơ quan có thẩm quyền tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn, giải quyết những bất cập giữa thực tế vụ việc với quyết định tuyên bố phá sản và quy định của pháp luật hiện hành.

Để giải quyết những khó khăn, vướng mắc nói trên, ngày 26-3-2019 Cục THADS tỉnh đã tổ chức họp liên ngành với đại diện TAND tỉnh và VKSND tỉnh. Cuộc họp đã đi đến thống nhất, đề nghị Cục THADS tỉnh xây dựng hồ sơ, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét quyết định số 53/2018/QĐ-TBPS, ngày 24-4-2018 của TAND tỉnh theo hướng đưa khoản nợ phải thu đối với các tập thể, cá nhân đầu tư trồng mía, dứa ra khỏi danh sách người mắc nợ Công ty đường Quảng Bình đối với các trường hợp cá nhân, tổ chức đủ điều kiện.

Để có đủ căn cứ đề nghị TAND cấp cao xem xét lại toàn bộ vụ việc một cách khách quan, toàn diện, có cơ sở pháp lý và phù hợp với thực tế, Cục THADS tỉnh đã đề nghị UBND huyện Bố Trạch và huyện Quảng Trạch (2 huyện có vùng nguyên liệu mía, dứa chính của dự án); UBND xã Đức Hóa, Tiến Hóa (huyện Tuyên Hóa); phường Quảng Thọ, phường Quảng Phúc (TX.Ba Đồn); xã Trường Xuân (huyện Quảng Ninh) và xã Sơn Thủy (huyện Lệ Thủy)…phối hợp với Cục THADS tỉnh thông tin về tình hình thực tế triển khai dự án trồng mía, dứa của Công ty đường Quảng Bình tại các địa phương và đưa ra ý kiến của chính quyền địa phương đối với những nội dung mà Cục đã tổng hợp khi trực tiếp làm việc với người phải THA là các hộ nông dân tại các vùng trồng mía, dứa nguyên liệu. Tuy nhiên, sau một thời gian dài đốc thúc, Cục THADS tỉnh mới nhận được văn bản trả lời từ UBND các địa phương…ông Nam chia sẻ thêm.

Số tiền THA lớn…nguy cơ không hoàn thành chỉ tiêu

Ông Trần Phương Nam, Phó Cục trưởng Cục THADS tỉnh chia sẻ rằng, dư luận cả nước trong vài năm trở lại đây rất quan tâm đến các dự án nghìn tỷ không hiệu quả được các ngân hàng cấp vốn đầu tư, khởi công rầm rộ, nhưng sau một thời gian lại “đắp chiếu”.

Quảng Bình tuy không có dự án nghìn tỷ nhưng cũng có dự án trăm tỷ thuộc diện “đắp chiếu”, hậu quả của những dự án này là ngân hàng có nguy cơ mất một phần vốn, cơ quan THADS phải rất vất vả, gồng mình ra để tổ chức THA và thực hiện nghiêm Nghị quyết số 42/2017/QH14, ngày 21-6-2017 của Quốc hội về xử lý nợ xấu và gánh nặng về chỉ tiêu nhiệm vụ được Tổng Cục THADS giao năm 2019 có nguy cơ không hoàn thành.

Khó khăn của các cơ quan THADS trên địa bàn tỉnh hiện nay là số tiền phải thi hành lên tới con số nghìn tỷ, trong đó phải nói đến là vụ án tín dụng của Công ty TNHH Anh Trang phải trả cho Ngân hàng Phát triển (VDB) Chi nhánh Quảng Bình số tiền hơn 550 tỷ đồng (thẩm quyền thi hành thuộc Chi cục THADS huyện Quảng Trạch), trong khi số tiền phải thi hành toàn tỉnh trung bình trong nhiều năm chỉ từ 200-300 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, việc kê biên xử lý gặp nhiều khó khăn do đây là vụ việc đầu tiên có số tiền phải thi hành lớn trên địa bàn tỉnh, số lượng, khối lượng tài sản phải kiểm đếm nhiều, tốn rất nhiều thời gian, công sức và kinh phí bước đầu bỏ ra để hợp đồng với các cơ quan tiến hành kiểm đếm, thẩm định giá, đấu giá…,ông Nam cho biết thêm.

Hiện nay, quá trình tổ chức THA vụ án tín dụng của Công ty TNHH Anh Trang gặp rất nhiều khó khăn như: tài sản để kê biên là thiết bị, máy móc do Trung Quốc sản xuất phục vụ cho việc lắp ráp nhà máy luyện gang và sản xuất phôi thép; số lượng máy móc, thiết bị lớn lại để ngổn ngang trên diện tích đất rộng, đòi hỏi phải có các chuyên gia có hiểu biết về máy móc thiết bị liên quan đến nhà máy luyện gang, thép thực hiện việc kiểm đếm, xác định giá trị còn lại trong nhiều ngày.

Cán bộ Cục THADS tỉnh nghiên cứu hồ sơ vụ việc Công ty đường Quảng Bình.
Cán bộ Cục THADS tỉnh nghiên cứu hồ sơ vụ việc Công ty đường Quảng Bình.

Bên cạnh đó, Ngân hàng phát triển (VDB-bên được THA) không có kinh phí để cho cơ quan THA tạm ứng nhằm thực hiện việc kê biên, xử lý tài sản nên chấp hành viên rất vất vả trong quá trình tác nghiệp…

“Dự án nhà máy luyện gang và sản xuất phôi thép của Công ty TNHH Anh Trang nằm trên diện tích 287.241m2 tại xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch. Mặc dù tài sản kê biên là máy móc thiết bị và các công trình gắn liền với đất phục vụ cho việc xây dựng.

Nhà máy hiện nay đã xuống cấp, hư hỏng, giá trị còn lại không nhiều nhưng vì quyền sử dụng đất (thuê 50 năm) lại có vị trí thuận lợi trong Khu kinh tế Hòn La, sát Quốc lộ 1A nên khả năng có nhiều nhà đầu tư muốn mua tài sản kê biên để được tiếp tục thuê quyền sử dụng đất thực hiện các dự án phù hợp với quy hoạch.

Do vậy, khả năng tài sản kê biên sẽ có thể bán được trong năm 2019 khi đó toàn ngành THADS Quảng Bình mới có thể hoàn thành nhiệm vụ được giao… ông Trần Phương Nam, Phó Cục trưởng Cục THADS tỉnh thông tin…

Trong những tháng đầu năm 2019, các cơ quan THADS trong tỉnh đã thụ lý về tiền 1.563 tỷ đồng, tăng 1.176 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, số cũ chuyển sang 329 tỷ đồng, số thụ lý mới 1.234 tỷ đồng, tăng 1.173 tỷ đồng (gấp hơn 20 lần) so với cùng kỳ năm 2018.

Tổng số tiền phải thi hành 1.010 tỷ đồng, trong đó, số có điều kiện thi hành 769 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 76%), tăng 585 tỷ đồng (gấp hơn 4 lần) so với cùng kỳ năm 2018; số chưa có điều kiện thi hành 240 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 24%). Trong số có điều kiện thi hành, đã thi hành xong 64 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 8,43%...

Ngọc Hải-Văn Minh

,