.

Buôn lậu và gian lận thương mại: Thủ đoạn ngày càng tinh vi

.
08:03, Thứ Sáu, 07/06/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Trước diễn biến tình hình buôn lậu và gian lận thương mại đang ngày càng phức tạp, thời gian gần đây, các lực lượng chức năng trong tỉnh đã quyết liệt triển khai thực hiện các giải pháp nghiệp vụ, kiểm soát thị trường và đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy vậy, thực tế tình hình cho thấy, thủ đoạn buôn lậu và gian lận thương mại đang ngày càng tinh vi, khó phát hiện.

Theo thống kê,từ đầu năm 2018 đến 15-5-2019, thông qua công tác kiểm tra, kiểm soát lực lượng QLTT đã phát hiện, xử lý kịp thời nhiều vụ việc vận chuyển, buôn bán hàng lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng và gian lận thương mại.

Vụ vận chuyển lô rượu ngoại không có chứng từ hợp pháp bị lực lượng QLTT bắt giữ ngày 13-5-2019.
Vụ vận chuyển lô rượu ngoại không có chứng từ hợp pháp bị lực lượng QLTT bắt giữ ngày 13-5-2019.

Cụ thể, lực lượng QLTT đã phát hiện 1.164 vụ vi phạm; tiến hành xử lý 1.344 hành vi vi phạm, trong đó, phạt tiền đối với 1.255 hành vi, phạt cảnh cáo 4 hành vi, tịch thu hàng hóa không xác định người vi phạm 85 hành vi. Tổng số tiền vi phạm hành chính, tiền bán hàng tịch thu, giá trị hàng tịch thu chưa bán và hàng tiêu hủy lên đến gần 15 tỷ đồng; số tiền nộp ngân sách nhà nước trong năm 2018 là hơn 8,6 tỷ đồng.

Trao đổi với phóng viên, ông Vũ Quang Thắng, Cục trưởng Cục QLTT Quảng Bình cho biết, các hành vi vi phạm nổi bật trên lĩnh vực này thời gian qua, đó là cố ý vận chuyển hàng hóa nhập lậu, vận chuyển hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu và kinh doanh hành hóa giả mạo nhãn hiệu. Đáng chú ý, nổi lên các hành vi mới, đó là vận chuyển hàng hóa giả mạo nhãn hiệu (hàng điện tử); cố ý vận chuyển hàng hóa nhập lậu (hàng điện tử, máy móc đã qua sử dụng)…

Điển hình, ngày 21-9-2018, Đội QLTT Cơ động (nay là Đội QLTT số 7) khám xe ô tô tải mang biển kiểm soát 51C-640.47 do ông Phạm Tiến Mạnh trú tại thôn Nam Cường, xã Khánh Cường, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình điều khiển phát hiện một số lượng lớn hàng cấm và hàng nhập lậu gồm 1.450 bao thuốc lá điếu hiệu nhập lậu các loại, 1.800 vòng bi hiệu Nachi do Nhật Bản sản xuất.

Ngày 9-10-2018, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành quyết định xử phạt đối với ông Phạm Tiến Mạnh về hành vi vận chuyển hàng cấm và cố ý vận chuyển hàng nhập lậu với tổng số tiền phạt là 92.500.000 đồng, đồng thời tịch thu toàn bộ 1.450 bao thuốc lá và 1.800 vòng bi nêu trên với trị giá 83.850.000 đồng.

Tiếp đó, ngày 12-1-2019, lực lượng QLTT khám xe ô tô tải mang BKS 74C-033.00 do ông Nguyễn Văn Hùng trú tại tỉnh Thái Bình điều khiển, phát hiện trên xe vận chuyển hàng cấm gồm 250 bao thuốc lá điếu hiệu Jet do nước ngoài sản xuất.

Đội QLTT đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với ông Nguyễn Văn Hùng về hành vi buôn bán hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu. Ngày 16-1-2019, Cục trưởng Cục QLTT tỉnh đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Nguyễn Văn Hùng về hành vi trên với số tiền phạt 25.000.000 đồng; đồng thời tịch thu toàn bộ tang vật vi phạm.

Theo Cục trưởng Cục QLTT Vũ Quang Thắng, Quảng Bình là tỉnh có nhiều thuận lợi trong lưu thông vận chuyển hàng hóa, mạng lưới giao thông trải dài với nhiều tuyến quốc lộ đi qua địa bàn, đặc biệt là Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh. Các hoạt động vận chuyển, kinh doanh hàng nhập lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm trên các tuyến giao thông đi qua địa bàn tỉnh vẫn còn xảy ra trong thời gian qua.

Các đối tượng vi phạm chủ yếu là các lái xe vận chuyển hàng hóa vi phạm đi qua địa bàn với các thủ đoạn tinh vi, như: vận chuyển hàng hóa trên xe ô tô du lịch, xe ô tô con, xé lẻ hàng hóa để vận chuyển trên nhiều loại phương tiện khác nhau; gia cố hầm hàng, ghế ngồi của phương tiện hoặc lợi dụng các mặt hàng nhập khẩu cồng kềnh để cất giấu hàng lậu, hàng giả, hàng cấm và các đối tượng này luôn có phương án đối phó với hoạt động kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng.

Hàng hóa vi phạm chủ yếu tập trung vào những nhóm hàng có giá trị, lợi nhuận chênh lệch lớn, như: thuốc lá ngoại, rượu, đồ điện tử, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, phụ tùng ôtô, xe máy, vải, áo quần may sẵn...

Đặc biệt, tình hình sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với các thủ đoạn ngày càng tinh vi; các đối tượng sản xuất sử dụng nguồn nguyên liệu giá thấp, mua trôi nổi trên thị trường, không rõ nguồn gốc, xuất xứ về lắp ráp thành sản phẩm sau đó dán nhãn mác của các doanh nghiệp nước ngoài có nhãn hiệu nổi tiếng đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu; hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ sản xuất từ nước ngoài được gắn nhãn hiệu được bảo hộ của các nhà sản xuất trong nước rồi đưa ra thị trường tiêu thụ.

Một vụ vận chuyển thuốc lá ngoại bị lực lượng QLTT bắt giữ.
Một vụ vận chuyển thuốc lá ngoại bị lực lượng QLTT bắt giữ.

Trước thực trạng trên, để thực hiện tốt công tác phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại trong thời gian tới, Cục QLTT Quảng Bình tiếp tục nắm chắc tình hình diễn biến của thị trường trên địa bàn tỉnh, tập trung thực hiện có hiệu quả các kế hoạch kiểm tra định kỳ hàng năm và kế hoạch chuyên đề về đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo xuất xứ.

Mặt khác, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng tăng cường kiểm soát các phương tiện vận chuyển hàng hóa có dấu hiệu vi phạm lưu thông qua địa bàn; đồng thời ngăn chặn, xử lý kịp thời đối với hành vi vi phạm.

Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện công tác quản lý địa bàn, bám sát thị trường, chủ động thu thập thông tin để xây dựng phương án đấu tranh chuyên đề, mặt hàng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh, vận động các tổ chức, cá nhân kinh doanh ký cam kết không buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, không sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng.

A.T

,