.
Phòng, chống tham nhũng:

Tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng

.
08:25, Chủ Nhật, 19/05/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Trong những năm qua, công tác đấu tranh PCTN được tỉnh ta đặc biệt quan tâm chú trọng, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tạo ra những chuyển biến tích cực cả về nhận thức và hành động. Trên một số lĩnh vực, tham nhũng đã từng bước được kiềm chế, song thẳng thắn nhìn nhận thì công tác PCTN trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua vẫn chưa đạt yêu cầu và mục tiêu ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng. Vì vậy, việc đề ra các giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong thực hiện công tác PCTN là một đòi hỏi tất yếu.

Một trong những kết quả tích cực trong PCTN được thể hiện rõ nét qua công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Từ năm 2016 đến nay, qua thanh tra ngành Thanh tra đã chuyển hồ sơ nhiều vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cho Công an điều tra để tiếp tục điều tra làm rõ.

Điển hình, năm 2017, UBND huyện Bố Trạch đã chuyển hồ sơ 2 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang Công an huyện Bố Trạch để điều tra làm rõ theo quy định của pháp luật (vụ vi phạm các quy định của pháp luật trong lĩnh vực đất đai tại xã Phúc Trạch và quản lý tài chính tại Phòng Y tế huyện).

Năm 2018, UBND thị xã Ba Đồn đã chuyển hồ sơ cho Công an thị xã Ba Đồn một vụ vi phạm pháp luật về công tác quản lý thu, chi tài chính và một vụ vi phạm về lĩnh vực đất đai; Thanh tra tỉnh đã chuyển hồ sơ sang Công an tỉnh một vụ vi phạm pháp luật trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản ở huyện Minh Hóa; UBND huyện Lệ Thủy chuyển hồ sơ một vụ cho Công an huyện Lệ Thủy để xem xét khởi tố hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức và hành vi sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.

Đặc biệt, năm 2018 phía Công an đã thụ lý, điều tra 4 vụ, 5 bị can liên quan đến tham nhũng. Trong đó: Khởi tố mới 3 vụ, 4 bị can, điều tra bổ sung: 1 vụ, 1 bị can; kết thúc điều tra, chuyển Viện KSND đề nghị truy tố 2 vụ, 2 bị can. Hiện đang tiếp tục điều tra 2 vụ, 3 bị can. Viện KSND hai cấp đã thụ lý, truy tố chuyển Toà án xét xử 3 vụ với 4 bị can. TAND hai cấp đã thụ lý 3 vụ với 4 bị cáo và đã xét xử 2 vụ với 3 bị cáo.

Quản lý, sử dụng đất đai tại các dự án được xác định là một trong những lĩnh vực nhạy cảm dễ phát sinh các vụ việc, vụ án tham nhũng cần tập trung phát hiện và xử lý nghiêm. -
Quản lý, sử dụng đất đai tại các dự án được xác định là một trong những lĩnh vực nhạy cảm dễ phát sinh các vụ việc, vụ án tham nhũng cần tập trung phát hiện và xử lý nghiêm.

Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực nói trên, song công tác PCTN trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua vẫn chưa đạt yêu cầu và mục tiêu ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng. Nguyên nhân chủ yếu có thể thấy rõ, đó là: Một số cơ quan, đơn vị và người đứng đầu chưa quyết liệt trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác PCTN; nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình ở nhiều nơi bị buông lỏng; việc tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước ở một số nơi chưa tốt, kỷ cương, kỷ luật không nghiêm và còn có biểu hiện nói không đi đôi với làm, hoặc làm chiếu lệ.

Thể chế, chính sách về quản lý kinh tế - xã hội trên nhiều lĩnh vực vẫn còn sơ hở, bất cập, thường xuyên thay đổi, chồng, chéo, mâu thuẩn. Nhiều quy định của Luật PCTN và các văn bản dưới luật khi triển khai trong thực tiễn đã bộc lộ hạn chế như: còn mang nặng tính hình thức, chưa nghiêm, thiếu tính khả thi...

Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN chưa sâu rộng nên chưa đến được hầu hết các tầng lớp nhân dân nên chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm của xã hội và nhân dân trong PCTN; một số nơi có tình trạng những việc làm đúng, gương người tốt không được đề cao, bảo vệ; những sai sót, vi phạm không được phê phán, xử lý nghiêm minh. Vai trò giám sát của nhân dân thông qua Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội hiệu quả chưa cao...

Từ thực tế công tác PCTN thời gian qua, để nâng cao hiệu quả công tác PCTN trong thời gian tới cần thực hiện tốt các giải pháp sau đây:

Tiếp tục đẩy mạnh và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung và về PCTN nói riêng. Báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng tăng cường đăng tải, phát thanh, truyền hình các tin, bài, phóng sự…mang nội dung thông tin về PCTN.Nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền các cấp, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong PCTN với việc phát huy trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị. Lấy hiệu quả của công tác PCTN làm một trong những tiêu chí quan trọng đánh giá năng lực, kết quả công tác.

Thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng ngừa tham nhũng trong các lĩnh vực cụ thể theo quy định của Luật PCTN. Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của Luật PCTN về công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức.

Nâng cao chế độ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị theo quy định của Luật PCTN và Nghị định số 211/NĐ-CP, ngày 19-12-2013 sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 107/NĐ-CP của Chính phủ về xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng; Quy định số 01-QĐ/TU, ngày 3-3-2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy quy định về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử với việc tiếp tục triển khai tổ chức thực hiện nghiêm và có hiệu quả các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng. Chủ động xác định những lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao để xây dựng kế hoạch thanh tra hàng năm nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý hành vi tham nhũng; tăng cường thanh tra việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ công vụ, việc thực hiện pháp luật về PCTN của cán bộ, công chức; phối hợp chặt chẽ hoạt động thanh tra với hoạt động kiểm tra, giám sát của Đảng.

Đề cao vai trò giám sát của Ủy ban MTTQ và các tổ chức thành viên của MTTQ, các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp trong công tác PCTN. Phát huy hiệu quả vai trò của báo chí trong công tác PCTN và để góp phần làm tốt vấn đề này các cơ quan, tổ chức cần có kế hoạch bảo đảm việc cung cấp thông tin kịp thời, chính xác về các vụ việc tham nhũng, lãng phí cho các cơ quan báo chí theo đúng quy định của pháp luật.

Một giải pháp cần chú ý nữa, đó là việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để phát huy vai trò của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề trong PCTN thông qua việc xây dựng và thực hiện văn hóa kinh doanh lành mạnh; phối hợp với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để ngăn chặn và phát hiện kịp thời cán bộ, công chức có hành vi nhũng nhiễu, đòi hối lộ.

Công tác PCTN được xác định là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài và phải tiến hành căn cơ với những bước đi vững chắc. Vì vậy, để thực hiện đạt kết quả cao đòi hỏi các tổ chức Đảng, cơ quan Nhà nước, cả hệ thống chính trị và toàn xã hội cần đồng thuận, quyết tâm cao và tích cực trong mỗi hành động cụ thể.

Đ.T-Mai Trang

,