.

Công tác đăng ký và quản lý nhà nước về hộ tịch: Cần tiếp tục nâng cao hiệu quả

.
10:08, Thứ Bảy, 27/04/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Thời gian qua, ngành Tư pháp tỉnh ta đã có nhiều nỗ lực để thực hiện đạt hiệu quả tích cực đối với nhiệm vụ đăng ký và quản lý hộ tịch (ĐK và QLHT).

Công tác ĐK và QLHT là nhiệm vụ quan trọng, gắn bó trực tiếp đến các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, góp phần bảo đảm tốt hơn các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Năm 2018 vừa qua, các cơ quan đăng ký hộ tịch trên địa bàn tỉnh đã thực hiện đăng ký hộ tịch với số lượng tương đối lớn.

Cụ thể, tại UBND cấp huyện đã đăng ký khai sinh có yếu tố nước ngoài 16 trường hợp; đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài 83 trường hợp; đăng ký khai tử có yếu tố nước ngoài 2 trường hợp; thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, bổ sung thông tin hộ tịch có yếu tố nước ngoài 6 trường hợp; ghi vào sổ hộ tịch việc khai sinh của công dân Việt Nam đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài 3 trường hợp; ghi vào sổ hộ tịch việc kết hôn của công dân Việt Nam đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài 13 trường hợp; ghi vào sổ hộ tịch việc ly hôn, hủy việc kết hôn của công dân Việt Nam đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài 11 trường hợp; xác định lại dân tộc: 1.056 trường hợp...

Bà con Vân Kiều bản Rào Con, xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch đi làm các thủ tục về đăng ký hộ tịch.
Bà con Vân Kiều bản Rào Con, xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch đi làm các thủ tục về đăng ký hộ tịch.

Ngoài ra, tại UBND cấp xã đã đăng ký khai sinh đối với 20.795 trường hợp; đăng ký kết hôn cho 7.932 trường hợp; đăng ký giám hộ 13 trường hợp; đăng ký nhận cha, mẹ, con 157 trường hợp; đăng ký khai tử 6.089 trường hợp; thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch 553 trường hợp; thay đổi quốc tịch 2 trường hợp; xác định cha mẹ con 1 trường hợp; nuôi con nuôi, chấm dứt việc nuôi con nuôi 5 trường hợp; ly hôn, hủy việc kết hôn trái pháp luật, công nhận việc kết hôn 208 trường hợp; cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân 14.203 trường hợp; đăng ký nuôi con nuôi trong nước 6 trường hợp...

Để đạt được những kết quả nói trên, tỉnh ta đã triển khai thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong ĐK và QLHT. UBND tỉnh  phê duyệt và chấp thuận đầu tư ứng dụng phần mềm công nghệ thông tin trong ĐK và QLHT tại 159/159 đơn vị cấp xã, 8/8 đơn vị cấp huyện.

Đặc biệt, ứng dụng phần mềm này còn được kết nối với phần mềm ĐK và QLHT dùng chung của Bộ Tư pháp. Nhằm triển khai đồng bộ, thống nhất và hiệu quả Đề án “Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc” của Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai thực hiện đề án, đồng thời tổ chức đào tạo, tập huấn chuyên sâu kỹ năng sử dụng phần mềm ĐK và QLHT dùng chung của Bộ Tư pháp trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, UBND các huyện, thị xã, thành phố còn quan tâm đầu tư trang bị máy vi tính có kết nối internet, máy in phục vụ cho công tác ĐK và QLHT. Đến nay, tại các phòng tư pháp cấp huyện đã có 100% công chức phụ trách tư pháp-hộ tịch (TP-HT) được bố trí máy ví tính, máy in có kết nối mạng internet; 143/159 xã, phường, thị trấn có công chức TP-HT được bố trí máy tính riêng (những xã còn lại sử dụng máy tính chung với các bộ phận khác như văn phòng hoặc bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả; chỉ còn 2 xã Tân Trạch và Thượng Trạch huyện Bố Trạch chưa được kết nối mạng internet).

Hàng năm, Sở Tư pháp đều ban hành kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho công chức TP-HT.

Chỉ tính riêng năm 2018, Sở Tư pháp đã tổ chức 8 lớp tập huấn nghiệp vụ cho các đối tượng là đại diện lãnh đạo UBND cấp xã, công chức phụ trách công tác TP-HT cấp huyện, xã và đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, hòa giải viên với 929 người tham dự.

Hiện nay, đội ngũ công chức làm TP-HT ở cấp huyện có tổng số 32 người (trong đó có 4 công chức có trình độ thạc sĩ luật; 27 công chức có trình độ đại học luật và 1 công chức có trình độ đại học). Đối với cấp xã, toàn tỉnh có 272 công chức TP-HT cấp xã, 13 hợp đồng lao động (trong đó có 120/159 đơn vị cấp xã có 2 công chức TP-HT). Về trình độ chuyên môn ở cấp xã, hiện có 2 công chức có trình độ thạc sĩ luật, 228 công chức có trình độ đại học luật, 33 trung cấp...

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác ĐK và QLHT trên địa bàn tỉnh ta hiện vẫn đang gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là những khó khăn vướng mắc từ chính những quy định của pháp luật. Do vậy, trong thời gian tới, ngành Tư pháp sẽ tham mưu cơ quan chức năng, UBND tỉnh sớm sửa đổi, khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực hiện Luật Hộ tịch và các văn bản hướng dẫn thi hành cho phù hợp với thực tiễn...

Luật gia Hồng Luyến

,