.

Giải pháp an toàn phòng cháy, chữa cháy đối với cơ sở gia công, chế biến gỗ

.
08:57, Thứ Tư, 06/06/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Thời gian gần đây trên cả nước đã xảy ra nhiều vụ cháy lớn đối với các cơ sở sản xuất gỗ và gây hậu quả hết sức nghiêm trọng. Tỉnh ta hiện có khoảng 20 công ty, nhà máy sản xuất, chế biến gỗ, chủ yếu là doanh nghiệp quy mô nhỏ. Với thời tiết nắng nóng như hiện tại thì nguy cơ cháy, nổ luôn tiềm ẩn tại các cơ sở gia công, chế biến gỗ. Vậy đâu là giải pháp giúp cho việc đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy (PCCC) tại các cơ sở này?

Theo số liệu thống kê từ cơ quan chức năng, thời gian gần đây trên cả nước đã xảy ra nhiều vụ cháy lớn đối với các cơ sở sản xuất gỗ và gây hậu quả hết sức nghiêm trọng. Điển hình như vụ cháy xảy ra vào lúc 10h20 phút ngày 2-4-2018 tại Công ty Cổ phần Tân Tiến (K119 đường Lê Trọng Tấn, phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng).

Hậu quả vụ cháy đã thiêu rụi 5.500 m2 nhà xưởng và khiến công nhân đang làm việc phải tá hỏa tháo chạy ra ngoài. Hay như vụ cháy xảy ra vào lúc 00h30 phút ngày 5-4-2018 tại kho thành phẩm của Công ty TNHH RK (xã Lai Uyên, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương). Vụ cháy làm 3.000m2 nhà xưởng, cùng toàn bộ vật dụng bên trong, mái tôn, khung sắt và nhiều máy móc bị hư hỏng nặng...

Riêng tại địa bàn tỉnh ta, trong năm 2017 đã xảy ra 2 vụ cháy tại các cơ sở gia công, chế biến gỗ, làm thiệt hại 1,5 tỷ đồng. Thực tế quá trình sản xuất tại các nhà máy gia công, chế biến gỗ cho thấy luôn tạo ra rất nhiều bụi gỗ, mùn cưa, phôi bào, đầu mẩu gỗ, nếu phát sinh nguồn nhiệt sẽ gây cháy. Và nếu không có giải pháp kỹ thuật và biện pháp chữa cháy kịp thời sẽ dẫn đến cháy lớn.

Cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu hộ cứu nạn-Công an tỉnh thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, chế biến gỗ cần thực hiện đúng các quy định về PCCC.
Cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu hộ cứu nạn-Công an tỉnh thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, chế biến gỗ cần thực hiện đúng các quy định về PCCC.

Vậy giải pháp nào để góp phần bảo đảm an toàn PCCC đối với các cơ sở gia công, chế biến gỗ nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do cháy gây ra? Về vấn đề này, Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu hộ cứu nạn, Công an tỉnh Quảng Bình khuyến cáo và hướng dẫn các cơ sở gia công, chế biến gỗ cần thực hiện đúng một số biện pháp sau:

Đối với nhà xưởng, khi xây dựng mới hoặc cải tạo, mở rộng đều phải chấp hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định hiện hành về PCCC và phải được cơ quan Cảnh sát PCCC thẩm duyệt về PCCC. Bảo đảm về giao thông, nguồn nước phục vụ PCCC và phương tiện PCCC tại chỗ của cơ sở. Cần bố trí, sắp xếp hàng hóa vật tư nguy cơ cháy cách ly với nguồn gây cháy và các hàng hóa vật tư khác; nguyên liệu, thành phẩm không được để tồn đọng ở nơi sản xuất.

Phải bảo đảm về khoảng cách an toàn PCCC, bậc chịu lửa, các cấu kiện ngăn cháy, giải pháp chống cháy lan. Không sử dụng vật liệu dễ cháy làm trần, vách ngăn, cách nhiệt trong kho và ở nơi sản xuất. Thực hiện việc lắp đặt hệ thống chống sét theo quy định tại TCVN 9385:2012 chống sét cho công trình xây dựng - hướng dẫn thiết kế, kiểm tra và bảo trì hệ thống.

Đặc biệt, các cơ sở phải lắp đặt hệ thống báo cháy tự động, hệ thống chữa cháy tự động; hệ thống cấp nước chữa cháy vách tường theo quy định tại TCVN 3890-2009 phương tiện PCCC cho nhà và công trình - trang bị, bố trí, kiểm tra, bảo dưỡng. Cùng với đó, cần trang bị đèn chiếu sáng sự cố trên lối thoát (EXIT) tại các cửa ra vào và đèn chỉ dẫn lối thoát nạn.

Tại khu vực thu bụi, lắng bụi, phải thiết kế và lắp đặt hệ thống phun sương bên trong buồng chứa bụi để làm lắng đọng bụi trong buồng chứa và dập tàn lửa khi có cháy xảy ra. Lắp đặt hệ thống cấp nước chữa cháy trong đường ống hút bụi hoặc buồng hút bụi bằng van xả tự động hoặc bằng tay để chữa cháy kịp thời khi có cháy xảy ra.

Bên cạnh đó, cần phải thường xuyên tổng vệ sinh buồng hút bụi, đường ống hút bụi để loại trừ khả năng tự cháy và chống cháy lan; bảo dưỡng định kỳ các quạt hút. Đối với các bạc đạn phải bơm dầu mỡ định kỳ hàng tuần để đề phòng các bạc đạn bị bó kẹt, tạo ma sát, phát sinh nguồn nhiệt.

Về bố trí hệ thống điện và thiết bị điện, phải tách riêng nguồn điện sản xuất, nguồn điện bảo vệ, chiếu sáng sự cố, chỉ dẫn lối thoát nạn và điện phục vụ hệ thống PCCC. Dây điện, cáp điện phải đi trong ống gel, máng chống cháy.

Thường xuyên kiểm tra bề mặt của động cơ điện hoặc bộ phận truyền lực, nếu nhiệt độ trên 1500C phải ngừng hoạt động để xem xét. Trong vận hành thiết bị khởi động máy trong xưởng sản xuất gỗ phải là khởi động từ, không sử dụng cầu dao làm thiết bị khởi động.

Trong các công đoạn xẻ, gia công các chi tiết thì động cơ điện phải có hộp bảo vệ chống bụi gỗ, phôi bào, mùn cưa rơi vào. Riêng các thiết bị tiêu thụ điện lắp đặt trong khu vực phun sơn, kho chứa chất, hàng nguy hiểm cháy, nổ phải là loại thiết bị chống nổ và có các thiết bị bảo vệ như Áp-tô-mát, cầu dao là loại chống nổ hoặc lắp đặt trong các tủ, hộp kín.

Đối với hệ thống thông gió, yêu cầu các hệ thống thông gió phải dùng các loại quạt an toàn chống sinh ra tia lửa khi hoạt động cũng như khi có sự cố va chạm. Đường ống thông gió, bụi, khí thải phải có van khóa đóng mở tự động hoặc bằng tay bố trí ở phần hút của động cơ, sau bộ phận lọc bụi. Quá trình sản xuất cần khống chế số lượng bụi mùn cưa, phôi bào tồn chứa trong nhà xưởng, trong buồng hút bụi thời gian tồn đọng không quá 24 giờ.

Tại nhà xưởng công đoạn sấy gỗ, vật liệu làm tường, trần lò sấy gỗ phải làm bằng vật liệu không cháy và phải có giới hạn chịu lửa không được nhỏ hơn 2 giờ; vật liệu cách nhiệt của lò sấy phải là loại vật liệu không cháy; các ống dẫn nhiệt là ống nhẵn làm bằng vật liệu không cháy và phải đặt cách vật liệu sấy ít nhất 10cm. Trên mặt ống phải có lưới sắt bảo vệ chống phế liệu gỗ rơi vào. Phải thường xuyên kiểm tra ống dẫn nhiệt nhằm phát hiện vết nứt, hở, kiểm tra việc cung cấp khí từ bên ngoài; kiểm tra nhiệt độ không khí trong buồng sấy để bảo đảm nhiệt độ sấy theo quy định không lớn hơn 800C.

Trước và sau mỗi lần sấy cần thu dọn buồng sấy, không để phôi bào, mùn cưa, gỗ vụn đọng lại trong buồng sấy. Việc sắp xếp gỗ trong lò sấy, thời gian sấy phải thực hiện đúng quy định, yêu cầu và quy trình kỹ thuật của từng phương pháp sấy.

Đối với công đoạn sơn, sàn nơi đặt máy, thiết bị công nghệ có sử dụng chất lỏng dễ cháy của khu vực phun sơn phải làm bằng vật liệu không cháy. Dưới bệ máy, thiết bị nêu trên phải có vách chắn bằng vật liệu không cháy, chống cháy lan hoặc cháy khay hứng.

Riêng tại khu vực sơn phải có hệ thống thông gió cưỡng bức thổi thẳng ra ngoài. Đường ống của hệ thống này phải làm bằng vật liệu không cháy và các thiết bị sử dụng điện như quạt, thiết bị điều khiển, thiết bị chiếu sáng phải là thiết bị phòng nổ. Phải có giải pháp dập cháy cục bộ (hệ thống chữa cháy tự động bằng nước, bằng bột…) cho khu vực phun sơn.

Đức Thành

 

 

 

,