.

Xây dựng nông thôn mới ở Lệ Thủy: Tập trung hoàn thiện tiêu chí tổ chức sản xuất

.
13:26, Thứ Bảy, 27/07/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - “Hình thức tổ chức sản xuất” là tiêu chí số 13 trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM). Đây được xem là tiêu chí rất quan trọng, tạo điều kiện để hoàn thành một số tiêu chí khác trong xây dựng NTM. Nếu tiêu chí này được thực hiện tốt và đạt hiệu quả cao, đời sống của người dân nông thôn được nâng lên, thu nhập cao hơn. Trên cơ sở đó, các địa phương dễ dàng huy động nguồn lực tài chính trong dân đóng góp để hoàn thành các tiêu chí về phát triển cơ sở hạ tầng. Vì vậy, từ khi triển khai Chương trình MTQG xây dựng NTM, huyện Lệ Thủy đã tập trung chỉ đạo, thực hiện nhiều giải pháp nhằm từng bước hoàn thiện tiêu chí tổ chức sản xuất ở các địa phương và đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Những năm qua, UBND huyện Lệ Thủy đã tập trung chỉ đạo thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đồng thời, ban hành Chương trình trọng điểm “Phát triển chăn nuôi theo hướng nâng cao chất lượng giá trị và môi trường bền vững, giai đoạn 2016-2020”. 

Bên cạnh đó, UBND huyện cũng tập trung chỉ đạo dồn điền đổi ruộng, áp dụng cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, xây dựng các dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, tiến hành đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, hoàn thiện bao bì, nhãn mác, dán tem truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm nông sản.

Đến nay, huyện đã hoàn thành phê duyệt và triển khai thực hiện 7 dự án liên kết theo chuỗi giá trị cấp huyện. Đặc biệt, huyện đã phối hợp với các cấp, các ngành để thực hiện 4 chuỗi giá trị cấp tỉnh; hoàn thiện hồ sơ trình Sở Khoa học-Công nghệ thẩm định để trình Cục Sở hữu trí tuệ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho 6 sản phẩm đặc trưng của huyện gồm: hạt nén, mướp đắng, cam mật, gà đồi, tinh bột nghệ Văn Thủy và tinh dầu sả Dinh Trạm.

Các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao được huyện Lệ Thủy chú trọng đầu tư phát triển. Ảnh: M.Nhân
Các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao được huyện Lệ Thủy chú trọng đầu tư phát triển. Ảnh: M.Nhân

Thực hiện Đề án “Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030”, huyện đã tiến hành cho đăng ký ý tưởng sản phẩm, đến nay, đã có 30 phiếu đăng ký sản phẩm của 19 xã, trong đó có 28 phiếu đăng ký sản phẩm đã có và 2 sản phẩm mới.

Huyện tập trung chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, đưa các giống có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất; chỉ đạo thực hiện chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang các cây trồng khác, như: khoai lang, rau các loại, sen, ngô, dưa hấu, đậu xanh…

Đáng chú ý, Lệ Thủ đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, mở rộng diện tích áp dụng quy trình SRI trên cây lúa đạt gần 2.100 ha, quy trình VietGap đạt 5 ha; áp dụng quy trình sản xuất công nghệ cao, như: công nghệ tưới, chăm sóc Israel, công nghệ thủy canh, hữu cơ, công nghệ nhà màng...

Bên cạnh đó, huyện tập trung áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất. Hiện toàn huyện có 66 máy gặt đập liên hợp, 247 máy gieo sạ hàng và nhiều loại máy khác phục vụ sản xuất nông nghiệp. Lệ Thủy hiện đầu tư, phát triển sản xuất tập trung quy mô lớn với gần 3.000 ha cánh đồng lúa lớn, 530 ha vùng rau màu và 340 ha khoai lang.

Nhằm nâng cao chất lượng các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, UBND huyện đã lựa chọn xây dựng mô hình vườn mẫu là một trong những nội dung để phát triển kinh tế bền vững. Toàn huyện có 50 hộ đăng ký tham gia xây dựng vườn hộ kiểu mẫu cấp huyện và tỉnh, đến nay đã có 5 vườn hoàn thiện và được công nhận.

Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, hiện đã có 21/26 xã trên địa bàn huyện đạt tiêu chí tổ chức sản xuất, tỷ lệ 80,76%. Với kết quả này, sau hơn 7 năm triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, tính đến cuối năm 2018, huyện đã có 16 xã đạt xã NTM. Từ trong phong trào tổ chức sản xuất đã xuất hiện nhiều mô hình mới hoạt động hiệu quả, đời sống người dân được cải thiện.

Thời gian tới, UBND huyện tiếp tục triển khai có hiệu quả đề án tái cơ cấu nông nghiệp; chương trình phát triển chăn nuôi, khuyến khích kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, ban hành cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, sinh học.

Đồng thời, huyện quan tâm chuyển đổi nghề cho ngư dân các xã ven biển, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống cho đồng bào 3 xã miền núi. Lệ Thủy nỗ lực đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích; chuyển đổi các vùng có diện tích lúa, đất trồng rừng kém hiệu quả sang các loại cây có giá trị kinh tế cao, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Cùng với đó, huyện tập trung phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa gắn với tiêu thụ sản phẩm, liên kết, hợp đồng cung ứng, bao tiêu sản phẩm, tạo chuỗi giá trị; nhân rộng mô hình dồn điền đổi ruộng ở một số xã, thị trấn.

Trên cơ sở triển khai đề án “Mỗi xã mỗi sản phẩm” , huyện bảo đảm đến năm 2020 mỗi xã đều có 1 sản phẩm có thương hiệu; tổ chức tốt hội thi đánh giá xếp hạng sản phẩm, hỗ trợ hoàn thiện bao bì, nhãn mác, dán tem truy xuất nguồn gốc, đăng ký nhãn hiệu sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm chủ lực, từng bước xây dựng thương hiệu sản xuất và hàng hóa.

Để phát triển các hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả, huyện tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm nâng cao năng lực hoạt động của HTX, tổ hợp tác; hỗ trợ xây dựng các mô hình tổ chức sản xuất kinh doanh gắn với tiêu thụ sản phẩm.

Hoài Thu
(Đài TT-TH Lệ Thủy)

,