.
Tuyên Hóa:

Đổi thay từ những con đường

.
09:01, Chủ Nhật, 07/07/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, Tuyên Hóa là căn cứ cách mạng của tỉnh Quảng Bình. Những tuyến đường vận tải đi qua vùng đất Tuyên Hóa và sự đóng góp của người dân nơi đây trong phong trào “Xe chưa qua nhà không tiếc, đường chưa thông không tiếc máu xương”đã góp phần thống nhất đất nước. Ngay sau ngày hòa bình, người dân Tuyên Hóa bắt tay vào công cuộc kiến thiết dựng xây. Và hệ thống giao thông không ngừng phát triển chính là đòn bẩy thúc đẩy kinh tế-xã hội của huyện miền núi còn nhiều khó khăn này.

Những ngày này, đơn vị thi công cầu Sảo Phong ở xã Phong Hóa, huyện Tuyên Hóa đang huy động tối đa nhân lực, máy móc để đẩy nhanh tiến độ. Cây cầu được xây dựng ngay trên bến đò Sảo Phong mà trước đây từng là một trong hai bến phà trên tuyến Quốc lộ 12A cũ.

100% tuyến đường giao thông tại thôn Cương Trung, xã Tiến Hóa được đổ nhựa và bê tông rộng rãi.
100% tuyến đường giao thông tại thôn Cương Trung, xã Tiến Hóa được đổ nhựa và bê tông rộng rãi.

Cầu Sảo Phong được đầu tư xây dựng với nguồn vốn gần 20 tỷ đồng nhằm kết nối hai vùng nam, bắc của xã Phong Hóa, giúp người dân đi lại thuận tiện và phát triển kinh tế. Đây là cây cầu thứ 9 bắc qua sông Gianh trên địa bàn huyện Tuyên Hóa.

Trong niềm vui của người dân vùng Nam Phong khi cây cầu sắp được hoàn thành, biến ước mơ từ bao đời nay của bà con nơi đây trở thành hiện thực, ông Trần Xuân Lựu, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Phong Hóa bồi hồi nhớ lại những khó khăn chồng chất, đặc biệt là việc đi lại của nhân dân thời kỳ tỉnh Quảng Bình mới tái lập.

Ông Lựu cho biết, Quốc lộ 12A lúc bấy giờ chỉ là con đường cấp phối, rải đá hộc nên đi lại hết sức khó khăn. Đặc biệt, đoạn qua địa phận xã Phong Hóa phải qua hai bến phà là Minh Cầm và Sảo Phong. Về mùa mưa, xe cộ tắc ở đây có khi phải hàng tuần mới thông được.

Cán bộ ở huyện, xã lên tỉnh công tác cũng phải đi mất cả một ngày đường. 100% tuyến đường liên thôn, liên xã, nội thôn là đường đất, mùa nắng thì bụi, mùa mưa thì lầy lội. Mãi đến năm 2000, khi Quốc lộ 12A được nâng cấp, cầu Minh Cầm và cầu Chợ Gát được xây dựng thì hai bến phà mới ngừng hoạt động, việc đi lại của nhân dân cũng thuận tiện hơn.

Xuất phát điểm về hạ tầng xã hội ở Tuyên Hóa thời điểm Quảng Bình mới tái lập tỉnh rất thấp. Hầu hết hệ thống giao thông bị tàn phá nặng nề trong chiến tranh, địa bàn miền núi xa xôi, hiểm trở, khó tiếp cận. Chuyện đi lại của người dân thời điểm này gặp vô vàn khó khăn, hầu hết là những con đường mòn băng khe vượt núi, nắng bụi, mưa bùn. Việc giao thương, trao đổi hàng hóa cũng vì vậy mà hạn chế.

Xác định hạ tầng giao thông là tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội, gần 30 năm qua, từ nguồn vốn các chương trình của Trung ương, tỉnh, huyện và sự đồng thuận đóng góp của người dân, hạ tầng giao thông huyện Tuyên Hóa dần phát triển. Quốc lộ 12A qua địa bàn huyện được nâng cấp, xây mới với nhiều cây cầu vững chải bắc qua sông Gianh trở thành tuyến giao thông huyết mạch kết nối các địa phương trong huyện.

Chỉ tính riêng trên địa bàn huyện Tuyên Hóa, đến nay đã có 9 cây cầu lớn bắc qua sông Gianh cùng hàng trăm cây câu treo, cầu dân sinh lớn nhỏ nối liền khu vực trung tâm huyện, xã với các bản làng xa xôi, hẻo lánh.

100% xã, thị trấn có đường ô tô về tận trung tâm, các tuyến đường nội thôn, nội đồng được đầu tư nâng cấp, kiên cố hóa tạo điều kiện đi lại thuận tiện cho người dân. Đường Hồ Chí Minh đưa vào sử dụng đã mở ra cơ hội phát triển mới cho các xã vùng cao Thanh Hóa, Hương Hóa, Lâm Hóa, Thanh Thạch. Rồi Quốc lộ 15B, đường xuyên Á lần lượt được đầu tư xây dựng đã tạo ra mạng lưới giao thông mở, giúp Tuyên Hóa có điều kiện lưu thông hàng hóa, giao thương với bên ngoài.

Riêng hệ thống đường liên xã, liên thôn, giao thông nội thôn, nội đồng phần lớn đã được bê tông, cứng hóa với sự đóng góp công sức, tiền của rất lớn của người dân theo từng địa bàn. Và theo quy luật, cứ đường mở đến đâu thì cuộc sống của người dân khởi sắc đến đó.

Ông Cao Xuân Tín, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Tuyên Hóa cho biết: "Xác định phát triển giao thông là bước đi quan trọng sau hệ thống điện, thời gian qua, huyện Tuyên Hóa luôn tranh thủ nguồn vốn của tỉnh, ngân sách của địa phương và các chương trình, dự án để nâng cấp hạ tầng giao thông. Để bảo đảm tính ổn định, chất lượng công trình, UBND huyện chỉ đạo các phòng, ban làm tốt công tác quy hoạch, tư vấn, giám sát, thi công.

Tính từ năm 2010 đến nay, huyện Tuyên Hóa đã kiên cố hóa trên 400km đường giao thông. Trong đó, 30km đường huyện, 181km đường xã và gần 300km đường nội thôn. Tỷ lệ kiên cố hóa tuyến giao thông chính trong huyện đạt trên 70%, tuyến liên thôn, nội thôn đạt 50%.

Đáng ghi nhận là trong 8 năm trở lại đây, cùng với Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, các tầng lớp nhân dân trên địa bàn huyện Tuyên Hóa tự nguyện đóng góp xây dựng giao thông hơn 42 tỷ đồng, hiến hơn 400.000m2 đất, tự nguyện tháo dỡ nhiều kiến trúc, công trình và đóng góp hàng nghìn ngày công lao động trị giá hàng tỷ đồng".

Lan tỏa phong trào nhà nước và nhân dân cùng làm, các tuyến đường giao thông tại thôn Cương Trung, xã Tiến Hóa vừa được đầu tư nhựa hóa và đổ bê tông rộng rãi, sạch sẽ, mang lại niềm vui cho hàng trăm hộ dân trong thôn.

Ông Nguyễn Văn Khương, thôn Cương Trung, xã Tiến Hóa phấn khởi nói: "Với tinh thần nhà nước và nhân dân cùng làm, người dân trong thôn ai cũng phấn khởi, tự nguyện hiến đất, hiến cây, góp công, góp sức để làm đường.

Đến nay, 100% đường giao thông trong thôn đã được bê tông hoặc nhựa hóa,việc đi lại của bà con dễ dàng, thuận tiện, hoạt động buôn bán, dịch vụ trong thôn cũng nhờ đó mà phát triển, cuộc sống của người dân nâng lên đáng kể".

Cầu Sảo Phong bắc qua sông Gianh tại xã Phong Hóa đang được đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành vào tháng 11 năm 2019.
Cầu Sảo Phong bắc qua sông Gianh tại xã Phong Hóa đang được đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành vào tháng 11 năm 2019.

Hạ tầng giao thông không ngừng được mở rộng, nâng cấp đã thúc đẩy kinh tế-xã hội của huyện Tuyên Hóa phát triển mạnh, mà trước hết khoảng cách giữa các xã nông thôn, vùng sâu vùng xa được kéo gần lại, theo đó, đời sống vật chất được nâng lên, đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân được cải thiện.

Những năm gần đây, kinh tế Tuyên Hóa tiếp tục tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất năm 2018 đạt 10,2%. Thu ngân sách trên địa bàn năm 1991 đạt 2,7 tỷ đồng, đến năm 2018 đạt 60,7 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người từ 400 nghìn đồng năm 1991 tăng lên 31,6 triệu đồng năm 2018. Tỷ lệ hộ nghèo hiện còn 14,5% theo chuẩn đa chiều.

Phong trào làm đường giao thông trên địa bàn huyện Tuyên Hóa đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Mỗi tuyến đường hoàn thành đã góp phần quan trọng làm thay đổi diện mạo của địa phương, thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, tạo niềm tin vững chắc của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.

Trong tương lai gần, cùng với sự hỗ trợ, đầu tư của nhà nước, sự đóng góp của người dân, huyện Tuyên Hóa tiếp tục có thêm nhiều tuyến đường mới, đưa huyện nhà ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn.

Văn Tư

,