.

Tập trung phòng trừ sâu bệnh hại lúa hè-thu

.
08:40, Thứ Tư, 24/07/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Vụ hè-thu năm 2019, toàn tỉnh thực hiện gieo cấy 13.510ha/16.000ha kế hoạch, đạt 85,3%. Hiện tại, diện tích lúa đã trổ khoảng 1.500ha, chủ yếu ở các huyện Quảng Trạch 500ha, huyện Tuyên Hóa 300ha, Lệ Thủy 250ha; TX. Ba Đồn 350ha… Tuy nhiên, do điều kiện thời tiết hạn hán và mưa nắng thất thường, nhiều diện tích lúa trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện sâu bệnh hại gây ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển.

Nông dân xã Đức Ninh (TP. Đồng Hới) phòng trừ sâu bệnh hại lúa hè-thu.
Nông dân xã Đức Ninh (TP. Đồng Hới) phòng trừ sâu bệnh hại lúa hè-thu.

Qua kiểm tra của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, tại nhiều đồng ruộng, một số loại sâu bệnh hại xuất hiện và phá hại trên diện rộng, như: sâu cuốn lá nhỏ 259ha, với mật độ phổ biến 5-7 con/m2, nơi cao 15-20 con/m2, cục bộ 30-35 con/m2; sâu đục thân 130ha với tỷ lệ héo dảnh phổ biến 2-3%; rầy lưng trắng 79ha với mật độ phổ biến 100 con/m2, cục bộ 300-500 con/m2; bệnh bạc lá 68ha với tỷ lệ bệnh phổ biến 7-10%, nơi cao 15-20%. Cùng với tình trạng sâu bệnh, trên địa bàn tỉnh hiện có gần 500ha lúa bị chuột phá hại với tỷ lệ hại phổ biến 2-3%, nơi cao 5-7%, cục bộ 10-15%.

Các địa phương, như: Quảng Ninh, Bố Trạch, Quảng Trạch, Tuyên Hóa có diện tích lúa hè-thu bị nhiễm sâu bệnh và chuột phá hại nhiều nhất; trong đó, huyện Quảng Ninh có 150ha bị chuột hại, 225ha nhiễm sâu cuốn lá nhỏ, 120ha nhiễm sâu đục thân và 35ha nhiễm bệnh bạc lá lúa; huyện Bố Trạch có 120ha bị chuột hại, 15ha nhiễm rầy lưng trắng; huyện Quảng Trạch có 43ha bị chuột hại, 12ha nhiễm sâu cuốn lá nhỏ, 9ha nhiễm bệnh bạc lá… Sự phát sinh, gây hại của sâu bệnh sẽ làm ảnh hưởng đến việc sinh trưởng, phát triển của cây lúa, giảm năng suất, sản lượng.

Ông Lê Xuân Tứ, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, hiện ngành nông nghiệp đang tập trung hướng dẫn các địa phương trong tỉnh và đơn vị chức năng liên quan nắm chắc diễn biến tình hình sâu bệnh trên cây trồng để có biện pháp chỉ đạo phòng trừ kịp thời, có hiệu quả, nhất là triển khai tốt công tác phòng trừ rầy lưng trắng, sâu cuốn lá, bệnh lùn sọc đen và chuột hại lúa.

Đồng thời, đơn vị khuyến cáo bà con nông dân cần tăng cường kiểm tra đồng ruộng, chủ động, tập trung công tác phòng trừ các loại sâu bệnh và chuột hại lúa theo hướng dẫn của cơ quan, cán bộ chuyên môn nhằm bảo đảm hiệu quả cao nhất.

Ngọc Lan

,