.

Quảng Ninh: Đồng bộ các giải pháp chống hạn cho cây trồng

.
08:27, Thứ Sáu, 19/07/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Vụ hè-thu năm nay, huyện Quảng Ninh gieo cấy trên 3.349 ha lúa và cây trồng các loại. Trước diễn biến thời tiết nắng nóng kéo dài như hiện nay, huyện đang tích cực triển khai các phương án chống hạn trên diện rộng nhằm bảo đảm năng suất cây trồng theo kế hoạch đề ra.

Khu vực đồng Ương, thôn Bắc Cổ Hiền, xã Hiền Ninh vốn là cánh đồng màu mỡ cho các loại cây trồng vụ hè-thu. Trao đổi với phóng viên, ông Trương Đình Xuân, Trưởng thôn Bắc Cổ Hiền, xã Hiền Ninh chia sẻ, những năm trước đây, thôn triển khai gieo trồng khoảng 30 ha lúa và trên 40 ha cây trồng các loại.

Nhiều diện tích lúa ở Quảng Ninh bị ảnh hưởng do hạn hán kéo dài.
Nhiều diện tích lúa ở Quảng Ninh bị ảnh hưởng do hạn hán kéo dài.

Đặc biệt, khu vực vùng đồng Ương vốn được xem là vùng sản xuất tập trung của bà con với đầy đủ các loại cây trồng, như: mè, sắn, đậu xanh, dưa cho năng suất cao. Vậy nhưng vụ mùa năm nay, cả vùng đồng Ương phải bỏ hoang vì không có đủ nguồn nước sản xuất.

Ông Lê Hoài Vũ, Phó Chủ tịch UBND xã Hiền Ninh cho biết, vụ hè-thu 2019, toàn xã đã tiến hành gieo trồng trên diện tích 184 ha lúa và cây trồng các loại. Tuy đã chủ động điều tiết nguồn nước tưới nhưng do hạn hán kéo dài, nhiều vùng sản xuất tại một số thôn, như: Long Đại, Bắc Cổ Hiền…, không có đủ nguồn nước phục vụ cho việc tưới tiêu. Hiện toàn xã có 8 ha bị thiệt hại do hạn hán, nhiễm mặn.

Tương tự tại xã Võ Ninh,139 ha lúa và cây trồng vụ hè-thu trên địa bàn xã lâu nay chủ yếu trông chờ nguồn nước tưới từ hồ Trúc Ly. Theo ông Nguyễn Văn Dần, Phó Chủ tịch UBND xã , với mực nước giảm sút do hạn hán, ngay từ đầu vụ, chính quyền địa phương đã chỉ đạo bà con không sản xuất vụ hè-thu tại một số diện tích không bảo đảm nước tưới; đồng thời, chỉ đạo nạo vét kênh mương, chủ động điều tiết nguồn nước phục vụ sản xuất.

Tuy nhiên, do hạn hán kéo dài, 8 ha lúa và cây trồng các loại ở 5 thôn trên địa bàn xã bị thiệt hại; 19 ha có bị ảnh hưởng do thiếu nước, nhiễm mặn. Qua thực tế thăm đồng và đánh giá của người dân, nhiều diện tích lúa có phát triển song năng suất đánh giá sơ bộ chỉ đạt khoảng 75-80% so với vụ đông-xuân trước đó.

Không chỉ riêng ở xã Hiền Ninh, Võ Ninh, hiện nhiều địa phương trên địa bàn huyện Quảng Ninh cũng đang trong tình trạng cạn kiệt nguồn nước tưới, gây ảnh hưởng đến diện tích và năng suất cây trồng vụ hè-thu.

Số liệu thống kê sơ bộ từ phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho thấy, trong số 3.349 ha cây trồng vụ hè-thu năm nay, huyện Quảng Ninh có khoảng gần 90ha diện tích bị thiệt hại và 182 ha diện tích có nguy cơ bị thiệt hại do hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

Trong đó, xã Hàm Ninh bị ảnh hưởng khá nặng với khoảng 40ha lúa bị cháy lá do hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn; xã Tân Ninh với trên 30 ha và xã Võ Ninh với trên 8 ha lúa bị cháy lá do hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn…

Ông Trần Ngọc Khánh, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Quảng Ninh cho biết, vụ hè-thu năm nay, bà con nông dân huyện Quảng Ninh gặp nhiều bất lợi do thời tiết nắng nóng kéo dài. Mực nước ở các hồ chứa trên địa bàn huyện, như: Lồng Đèn, Khe Dây, Phú Bài, Hốc Bốm, đều ở mức thấp. Mực nước đầu nguồn và các công trình thủy lợi thấp hơn so với trung bình nguồn nước cùng thời kỳ, nhiều nơi không đủ nước tưới ngay từ đầu vụ.

Xác định đây là vụ mùa khó khăn, nguy cơ thiếu nước cao, ngay sau khi thu hoạch vụ đông-xuân, huyện Quảng Ninh đã chỉ đạo các địa phương chủ động hướng dẫn cho nông dân tận dụng nguồn nước có sẵn, gặt và làm đất; đồng thời, sử dụng những giống lúa ngắn ngày, có khả năng chịu hạn cao để gieo cấy.

Nhằm nỗ lực chống hạn cho cây trồng, huyện Quảng Ninh cũng đã chỉ đạo các địa phương chủ động kiểm tra, cân đối nguồn nước hiện có tại các hồ chứa, ao, đầm, sông, suối để chủ động bố trí cơ cấu sản xuất; xây dựng phương án cấp nước cụ thể đối với từng vùng, quản lý chặt chẽ các nguồn nước, chống tổn thất, lập kế hoạch dùng nước, lịch tưới, mức tưới của từng đợt theo các theo các thời kỳ sinh trưởng của cây trồng.

Vùng đồng Ương, thôn Bắc Cổ Hiền, xã Hiền Ninh không thể sản xuất do thiếu nước tưới.
Vùng đồng Ương, thôn Bắc Cổ Hiền, xã Hiền Ninh không thể sản xuất do thiếu nước tưới.

UBND huyện cũng đã chỉ đạo các phòng chức năng, địa phương huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc; tuyên truyền, vận động và hướng dẫn bà con tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tiết kiệm nguồn nước ngay từ đầu vụ, có phương án tích nước, sử dụng nước hợp lý, bảo đảm yêu cầu nước tưới cho cây trồng.

Mặt khác,UBND huyện cũng chỉ đạo các địa phương tổ chức toàn dân làm thủy lợi; tu sửa, nạo vét kênh mương; sửa chữa trạm bơm, công trình thủy lợi; chuẩn bị máy bơm dã chiến để bơm tận dụng các nguồn nước từ đầu vụ và bơm nước chết ở các hồ vào cuối vụ; tu sửa các cống ngăn mặn hạn chế tối đa diện tích bị xâm nhập mặn.

Trên cơ sở kế hoạch chung của huyện, phòng Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các địa phương rà soát để xác định chính xác diện tích thiếu nước, khó khăn về nguồn nước để chuyển đổi sang các loại cây trồng cạn, như: rau màu, đậu xanh, ngô, khoai, dưa, mướp…, nhằm hạn chế tối đa diện tích bỏ hoang.

Nhờ tích cực chủ động các biện pháp phòng chống hạn, huyện Quảng Ninh đã điều tiết cơ bản được nguồn nước sản xuất, khắc phục những bất lợi do hạn hán kéo dài gây ra. Tuy nhiên, để bảo đảm một vụ mùa hè-thu thắng lợi, các ngành chức năng và chính quyền huyện vẫn cần đến những biện pháp mang tính bền vững, lâu dài nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất.

Thanh Hải

,