.

Lệ Thủy: "Khoác áo mới" cho vùng gò đồi

.
09:56, Thứ Hai, 08/07/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Để phát triển kinh tế vùng gò đồi, huyện Lệ Thủy đã có chủ trương di dân về phía Tây, giao đất, giao rừng, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân sản xuất. Vùng đất trù phú này đã mang lại ấm no cho bà con, nhờ đó, nhiều gia đình đã vươn lên làm giàu chính đáng.

Vùng gò đồi của huyện Lệ Thủy có diện tích 45.470 ha với 15 xã, thị trấn. Trước đây, đời sống của bà con nơi đây còn gặp rất nhiều khó khăn do giao thông vất vả, phương thức sản xuất còn lạc hậu, nên hiệu quả sản xuất kinh tế chưa cao.

Để phát triển kinh tế vùng gò đồi, huyện Lệ Thủy đã tập trung lãnh đạo nhân dân từng bước chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích, tạo ra sản phẩm hàng hóa, cải thiện đời sống cho người dân. Đến nay, vùng gò đồi huyện Lệ Thủy có hàng trăm trang trại tổng hợp, trang trại lâm nghiệp.

Người dân vùng gò đồi xã Tân Thủy vui mừng khi dứa được mùa, lại được giá.
Người dân vùng gò đồi xã Tân Thủy vui mừng khi dứa được mùa, lại được giá.

Năm 2018, toàn huyện trồng được khoảng 1.600 ha rừng tập trung, trong đó có 81 ha trồng rừng gỗ lớn, độ che phủ rừng ước đạt trên 67%. Diện tích rừng được chăm sóc trên 12.000 ha, rừng khoanh nuôi, bảo vệ 40.000 ha. Sản lượng gỗ khai thác đến cuối năm ước đạt 106.000 m3.

Qua đó, kinh tế vùng gò đồi đang dần trở thành ngành kinh tế chủ lực của huyện. Hiện nay, vùng gò đồi có 42 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp; 46/52 cơ sở cưa xẻ, chế biến gỗ nằm trong quy hoạch đã được cấp phép.

Tại vùng gò đồi xã Tân Thủy, bà con đã trồng được hàng trăm ha rừng cho hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh đó, một số diện tích rừng trồng kém hiệu quả đã được người dân chuyển đổi sang trồng các loại cây khác. Đến nay, toàn xã đã chuyển đổi 1,5 ha đất trồng rừng sang trồng cam Vũ Quang, hơn 6,2 ha sang trồng dứa thương phẩm tại thôn Tân Truyền. Trong số 6,2 ha dứa, các tổ chức đoàn thể trồng 2 ha và cá nhân trồng 4,2 ha.

Qua một thời gian chăm sóc, cây dứa đã cho thấy sự thích nghi với vùng đất gò đồi nên phát triển nhanh, quả to, cây đẻ nhánh nhiều. Hiện vùng dứa của thôn đang cho thu hoạch. Trung bình mỗi ha dứa thương phẩm cho thu nhập 125 triệu đồng, lãi ròng đạt 65 triệu đồng/ha.

Bà Trần Thị Thủy, ở thôn Tân Truyền phấn khởi: “So với trồng các loại cây khác thì trồng dứa hiệu quả hơn rất nhiều. Loại cây này đầu tư vốn và công chăm sóc ít nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao”. Nếu như trước đây, trên diện tích đất 1ha, bà Thủy trồng rừng mất 5 năm cũng chỉ thu lãi khoảng 30 triệu đồng. Nhưng từ khi chuyển qua trồng dứa, trong vòng hơn 1 năm, bà đã thu lãi 65 triệu đồng.

Ông Lê Hữu Bình, Bí thư Đảng ủy xã Tân Thủy nói: “Hiện toàn bộ số dứa trên địa bàn đã được Công ty TNHH Trường Hoàng ký cam kết bao tiêu cho bà con. Công ty này cũng đang muốn tiêu thụ dứa với số lượng lớn nên trong thời gian tới, xã sẽ nghiên cứu, chỉ đạo tiếp tục mở rộng diện tích vùng gò đồi để trồng dứa…"

Trường Thủy là xã đặc trưng của vùng gò đồi với những “cao nguyên” đất đỏ màu mỡ. Tận dụng lợi thế đó, lãnh đạo xã đã tập trung chỉ đạo bà con đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, nhất là trồng rừng và phát triển chăn nuôi.

Ông Phan Hữu Tình, Chủ tịch UBND xã Trường Thủy cho biết: “Những năm qua, xã đã tập trung chỉ đạo nhân dân tận dụng lợi thế vùng gò đồi để phát triển kinh tế. Từ việc trồng rừng và các dịch vụ “ăn theo" rừng đã giải quyết việc làm cho khoảng 70% lao động tại địa phương. Trên địa bàn đã xuất hiện nhiều trang trại, gia trại tổng hợp cho thu nhập cao”.

Hiện xã đang có 7,5 ha diện tích đất trồng ngô, 26 ha lạc, 23 ha hồ tiêu, trên 270 ha đất trồng cao su. Diện tích trầm hương, tre và các loại khác có 15 ha. Diện tích thông nhựa đạt 257,5 ha. Trên địa bàn toàn xã quản lý và bảo vệ 1.068 ha rừng trồng. Về chăn nuôi, bà con trong xã đã tập trung nuôi bò, gia cầm và ong lấy mật. Đến nay, toàn xã có trên 350 con bò, 35.000 con gia cầm, 370 đàn ong lấy mật.

Bà Nguyễn Thị Thanh, một người dân ở thôn Giang Sơn chia sẻ: “Tận dụng lợi thế của vùng gò đồi, tôi đã mạnh dạn đầu tư trồng rừng. Nhờ đó, đời sống kinh tế ngày càng khấm khá”. Hiện nhà bà Thanh có 30ha đất trồng keo, tràm. Rừng của bà trồng theo nhiều lứa khác nhau để luân phiên khai thác. Trung bình mỗi ha keo tràm sau 5 năm trồng cho gia đình bà thu lãi khoảng 30 triệu đồng.

Chăn nuôi đang là thế mạnh của vùng gò đồi huyện Lệ Thủy.
Chăn nuôi đang là thế mạnh của vùng gò đồi huyện Lệ Thủy.

Phát triển kinh tế gò đồi đã giúp xã Trường Thủy sớm cán đích nông thôn mới trước một năm; đời sống kinh tế, văn hóa, tinh thần của người dân đã có những bước phát triển mạnh. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm của xã đạt từ 7-9%. Tổng thu nhập xã hội đạt gần 67 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt 35,5 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã còn dưới 3,8%.

Ông Nguyễn Văn Vương, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Lệ Thủy cho biết: "Để phát triển kinh tế vùng gò đồi, huyện đã triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các nguồn vốn vay, thử nghiệm các loại giống mới, ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất.

Đồng thời, Lệ Thủy định hướng cho các địa phương áp dụng trồng cây công nghiệp lâu năm, như: cao su, hồ tiêu; các loại cây ăn quả, cây dược liệu; phát triển chăn nuôi theo hướng hình thành trang trại, gia trại tập trung…

Cùng với đó, huyện chỉ đạo các địa phương làm tốt công tác giao đất, giao rừng để người dân chủ động phát triển kinh tế bằng trồng rừng; nhân rộng các mô hình kinh tế theo hướng hàng hóa, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho các hộ gia đình…"

Xuân Vương

,