.

Làm giàu từ biển

.
13:55, Thứ Năm, 25/07/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Ở vùng biển bãi ngang xã Hải Ninh (Quảng Ninh) hiện có những người phụ nữ đã và đang vượt qua gian truân, nỗ lực hết mình làm giàu cho quê hương và gia đình. Chị Nguyễn Thị Đoàn, hội viên Chi hội Phụ nữ thôn Cừa Thôn là một trong những tấm gương như thế. Với tinh thần cần cù chịu thương, chịu khó, dám nghĩ dám làm cùng tư duy phát triển kinh tế nhạy bén, chị Đoàn trở thành tấm gương điển hình vượt khó làm giàu ở vùng biển bãi ngang còn nhiều khó khăn này.

Chúng tôi tìm đến nhà chị Đoàn vào một buổi chiều giữa những ngày tháng 7 nắng như đổ lửa. Với dáng người nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, chị đang tất bật đóng gói hàng thủy hải sản cho kịp chuyến xe cung cấp ra thị trường. Chị Đoàn hiện là Giám đốc Hợp tác xã (HTX) sản xuất, mua bán, chế biến thủy sản Vương Đoàn.

Trong câu chuyện thân tình với chúng tôi, chị Đoàn cho biết, sinh ra trong một gia đình ngư dân ở vùng biển bãi ngang Hải Ninh, 14 tuổi chị đã mồ côi mẹ. Là chị lớn trong nhà, chị Đoàn đã phải thay mẹ tần tảo cùng cha kiếm sống và nuôi các em. Những ngày đó, khi cha đi biển về, chị Đoàn có nhiệm vụ đi chợ để bán hải sản mà cha đánh bắt được lấy tiền mua gạo.

Chị Nguyễn Thị Đoàn tham dự Diễn đàn doanh nghiệp hành lang kinh tế Đông Tây tổ chức tại Thái Lan.
Chị Nguyễn Thị Đoàn tham dự Diễn đàn doanh nghiệp hành lang kinh tế Đông Tây tổ chức tại Thái Lan.

Những buổi biển mất mùa, chị Đoàn thu mua thêm cá, tôm của các anh, các chú trong xóm về chợ bán kiếm thêm đồng lời để lo cho gia đình. Cũng từ đó, tình yêu kinh doanh, buôn bán đã dần ngấm sâu vào máu của chị lúc nào không hay. Thế nên, sau này khi đã trở thành giáo viên, niềm đam mê kinh doanh, buôn bán trong chị chưa bao giờ nguôi...

Nhận thấy Hải Ninh là xã vùng biển bãi ngang của huyện Quảng Ninh, có nguồn thủy hải sản tươi ngon và dồi dào được đánh bắt lên mỗi ngày, nhưng lại khó tiêu thụ, thương lái mua ít, ép giá, nhiều khi được mùa nhưng giá cả lại quá thấp.

Vì vậy, ngoài giờ dạy học trên lớp, chị vay mượn vốn anh chị em trong gia đình quyết định đầu tư thu mua hải sản và chế biến để góp phần hỗ trợ cho bà con tiêu thụ được sản phẩm, giá cả ổn định hơn. Chị đã lên kế hoạch cùng một số anh chị em trong xã tích cực thu mua và chế biến đưa sản phẩm ra thị trường tiêu thụ.

“Hàng ngày, ngoài giờ dạy học trên lớp, tôi phải lên kế hoạch, sắp xếp các công đoạn cho việc thu mua, chế biến hải sản theo trình tự để người lao động trong xã thực hiện, thời gian còn lại, tôi tập trung cho quảng cáo liên hệ thị trường tìm đầu ra cho sản phẩm”, chị Đoàn chia sẻ.

Sản phẩm làm ra dần cũng có chỗ đứng trên thị trường, công việc đã có những phát triển thuận lợi, quy mô cơ sở chế biến ngày càng lớn, lượng hàng ngày càng nhiều, đòi hỏi chị phải dành nhiều thời gian cho nghề mới. Sau một thời gian suy nghĩ, năm 2018, sau 18 năm dạy học, chị Đoàn đã quyết định chia tay với nghề giáo để chuyên tâm cho việc buôn bán, chế biến thủy hải sản.

Sau khi nghỉ dạy, chị đứng ra vận động thành lập HTX sản xuất, mua bán, chế biến thủy sản Vương Đoàn với số vốn điều lệ là 500 triệu đồng cùng 11 thành viên tham gia. Qua gần một năm hoạt động, nhờ sự chủ động sáng tạo, HTX của chị phát triển tốt, các sản phẩm của HTX được tiêu thụ khá nhanh trên thị trường; phân phối tại các siêu thị, nhà hàng chủ yếu là địa bàn tỉnh và hầu hết có mặt tại các tỉnh phía Bắc. Thời gian gần đây, sản phẩm của HTX còn có mặt trên thị trường Nhật Bản, Thái Lan, Lào.

Theo chị Đoàn, khách hàng đến nhập hải sản cho HTX chủ yếu là các ngư dân trong xã và các xã biển của huyện Lệ Thủy. Vào những ngày cao điểm, được mùa, mỗi ngày HTX Vương Đoàn thu mua từ 20-30 tạ mực tươi, khoảng 5 tấn cá các loại, 4 tấn tôm. Nhờ phát triển ổn định, bền vững, HTX đã đem lại thu nhập cho mỗi xã viên 10-15 triệu đồng/tháng, lao động cố định 4-5 người với thu nhập 5 triệu đồng/tháng. Những lúc vào vụ mùa, chị thuê thêm lao động thời vụ có khi lên đến 50 người.

Thu nhập bình quân của lao động thời vụ là 200.000 đồng/người/ngày. Lao động thời vụ ở HTX của chị đa số là bà con trong thôn, xã, đặc biệt còn có cả người tàn tật,những lao động của các hộ nghèo hay người già neo đơn. Hiện tại, ngoài thu mua chế biến hải sản, chị còn có thêm nguồn thu nhập từ mô hình nuôi tôm ở Bố Trạch với 3 hồ đem lại thu nhập 150 triệu đồng/năm.

Với những đóng góp tích cực trong việc phát triển kinh tế làng chài của xã Hải Ninh, chị Đoàn được UBND huyện Quảng Ninh tặng giấy khen “Phụ nữ làm kinh tế giỏi” huyện Quảng Ninh giai đoạn 2016-2019. Ngoài ra, chị còn đi đầu trong các phong trào tình nguyện, mỗi năm tổ chức các đợt tặng quà hỗ trợ cho người già, trẻ em, học sinh vượt khó… trên địa bàn huyện.

“Không chỉ kinh doanh giỏi, chị Đoàn luôn gương mẫu chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Trong gia đình, chị là người mẹ gương mẫu, hết lòng yêu thương chồng con; ngoài xã hội, chị là người phụ nữ năng động, nhiệt tình, kinh doanh giỏi, xứng đáng là tấm gương sáng để chị em phụ nữ học tập và noi theo",  chị Nguyễn Thị Nhâm, Chủ tịch Hội LHPN xã Hải Ninh cho biết.

Tuyết Trinh

,