.

Điều chỉnh quy hoạch, thiết kế đô thị đường Trương Pháp: Xây dựng tuyến đường du lịch hiện đại có bản sắc

.
14:52, Thứ Hai, 22/07/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Đường Trương Pháp hiện đang có tốc độ đô thị hóa rất nhanh chóng với nhiều dự án được đầu tư xây dựng và trong tương lai sẽ trở thành tuyến đường ven biển đẹp nhất TP. Đồng Hới. Vì vậy, công tác quản lý không gian kiến trúc đô thị, hạ tầng kỹ thuật, cảnh quan... nhằm xây dựng tuyến đường hiện đại có bản sắc là nhiệm vụ hết sức cần thiết. Phóng viên Báo Quảng Bình đã có cuộc trao đổi với ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng về vấn đề này.

PV: Xin ông cho biết về sự cần thiết phải điều chỉnh quy hoạch, lập thiết kế đô thị hai bên tuyến đường Trương Pháp?

Ông Lê Anh Tuấn: Tuyến đường Trương Pháp chạy dọc bờ biển từ phường Hải Thành ra xã Quang Phú được xác định là một trong những trục đường du lịch chính của TP. Đồng Hới, có ý nghĩa quan trọng về môi trường và cảnh quan đô thị du lịch khu vực ven biển, hỗ trợ lưu thông của người dân địa phương và khách du lịch từ trung tâm TP. Đồng Hới đến cụm các khách sạn cao cấp, khu dịch vụ du lịch, bãi tắm dọc theo biển Hải Thành-Quang Phú.

Tuyến đường Trương Pháp hiện tại.
Tuyến đường Trương Pháp hiện tại.

Đồ án điều chỉnh Quy hoạch, thiết kế đô thị hai bên tuyến đường Trương Pháp, TP. Đồng Hới, tỷ lệ 1/500 đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2020/QĐ-UBND ngày 28-6-2019. Đoạn tuyến Trương Pháp được điều chỉnh quy hoạch và thiết kế đô thị có chiều dài 4,7km; vị trí đầu tuyến tại nút giao giữa đường Trương Pháp và đường Lê Thành Đồng thuộc phường Hải Thành, vị trí cuối tuyến tại khu vực ngã ba Khe Chuối thuộc xã Quang Phú.

Theo thực trạng, tuyến đường có mặt cắt trung bình 22,5m (lòng đường rộng 12,5m, vỉa hè 6m+4m). Hiện tại, tuyến đường đã được xây dựng và đưa vào sử dụng phần mặt đường với mặt cắt rộng trung bình 12m, phần vỉa hè và hệ thống hạ tầng kỹ thuật còn nhiều đoạn xây dựng chưa hoàn chỉnh.

Với tình hình phát triển đô thị, đặc biệt là nhu cầu phát triển du lịch như hiện nay, việc hình thành các hệ thống dịch vụ lưu trú, ẩm thực hai bên tuyến đường, lưu lượng các phương tiện tham gia giao thông trong các dịp cao điểm và lễ hội du lịch đã làm cho mức độ đáp ứng của của tuyến đường Trương Pháp dần trở nên quá tải.

Mặt khác, hiện trạng công trình kiến trúc và hạ tầng hai bên tuyến chưa được đầu tư đồng bộ và quản lý thống nhất, các chức năng hạ tầng công cộng, như: bãi đỗ xe, quảng trường biển, cây xanh cảnh quan, tiện ích đô thị, chưa được định hướng quy hoạch hợp lý. Đặc biệt, phía Đông tuyến đường, một số nhà hàng, dịch vụ ăn uống hình thành trên cơ sở tự phát, gây mất mỹ quan, cảnh quan đô thị, ảnh hưởng đến tầm nhìn ra biển từ tuyến đường.

Từ thực tế đó, việc điều chỉnh quy hoạch, lập thiết kế đô thị hai bên tuyến đường Trương Pháp là cần thiết, làm cơ sở cho việc quản lý đầu tư xây dựng theo quy hoạch, chỉnh tranh đô thị và đầu tư cải tạo và nâng cấp tuyến đường để đáp ứng lưu lượng giao thông đang tăng cao, đồng thời xây dựng hình ảnh một tuyến đường du lịch đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, tiện ích công cộng cũng như kiến trúc cảnh quan khu vực.

PV: Vậy, mục tiêu của giải pháp thiết kế đô thị trên tuyến đường ven biển này là như thế nào, thưa ông?

Ông Lê Anh Tuấn: Mục tiêu đầu tiên là tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan trên toàn tuyến: xác định các khu vực hạn chế phát triển mở rộng, khu vực cần giải phóng mặt bằng để đầu tư xây dựng công viên cây xanh, bãi đỗ xe, quảng trường; mở rộng mặt cắt đường; cải tạo, chỉnh trang các khu chức năng hiện hữu hai bên tuyến, như: đất ở dân cư; đất công trình công cộng, dịch vụ du lịch; công viên, cây xanh và các chức năng hạ tầng du lịch khác hài hòa với định hướng cảnh quan chung của toàn tuyến.

Bên cạnh đó, mục tiêu của giải pháp là làm cơ sở đầu tư xây dựng đồng bộ và quản lý kiến trúc cảnh quan trục đường Trương Pháp tương xứng với vị thế và quy mô của một tuyến đường du lịch và là trục chính trong đô thị; quản lý quy hoạch, cấp phép xây dựng các dự án đầu tư trong khu vực; xây dựng kế hoạch và các giai đoạn đầu tư cơ sở hạ tầng.

Theo đó, một số giải pháp chính sẽ được thực hiện, đó là: Khu vực phía Tây tuyến đường có hiện trạng sử dụng đất cơ bản đã ổn định, chủ yếu tập trung chỉnh trang hiện trạng sử dụng đất, quy định các chỉ tiêu sử dụng đất đồng bộ cho toàn khu vực; một số khu đất chưa có dự án trong khu vực này quy hoạch bố trí đất dịch vụ thương mại phục vụ phát triển du lịch (trong đó ưu tiên phát triển dịch vụ ẩm thực, nhà hàng hải sản).

Về không gian ven biển phía Đông tuyến đường: Quy hoạch không gian kinh doanh dịch vụ ngoài trời kết hợp công viên và tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí ven biển (khu vực trước khách sạn Hoa Hồng); điều chỉnh vị trí và mở rộng cụm Tượng đài Trương Pháp về phía Đông do mở rộng tuyến đường Trương Pháp.

Về cụm 6 nhà hàng xã Quang Phú, cụm nhà hàng ven biển (khu vực trước khách sạn 30-4): Trước mắt chỉ được cải tạo, chỉnh trang về mặt kiến trúc; quy mô công trình giữ nguyên theo hiện trạng đang sử dụng đến hết thời hạn cho thuê đất, thời gian tới sẽ có lộ trình và kế hoạch cụ thể để từng bước giải phóng mặt bằng chuyển đổi để xây dựng các quảng trường, công viên cây xanh, bãi tắm; một số điểm như khu vực trước khách sạn Mường Thanh, tổ chức thành các cụm kinh doanh ngoài trời với hình thức các ki ốt lắp đặt không cố định, kết hợp với không gian cây xanh và bãi đỗ xe bảo đảm mỹ quan đô thị theo định hướng quy hoạch chung xây dựng TP. Đồng Hới.

Bố trí mặt bằng cụm kinh doanh dịch vụ tập trung ngoài trời khu vực trước nhà khách Kiểm lâm có đầy đủ hệ thống hạ tầng cơ sở để phục vụ tái bố trí cho 23 hộ dân kinh doanh tự phát dưới tán rừng tại thôn Tân Phú, xã Quang Phú (có khống chế về mật độ, quy mô và hình thức công trình để bảo đảm mỹ quan).

Khu vực bãi biển tiếp giáp Khe Chuối bố trí các điểm neo đậu tàu thuyền đi biển cho nhân dân xã Quang Phú. Các không gian sinh hoạt truyền thống khác như khu vực tổ chức lễ hội cầu ngư được giữ nguyên theo hiện trạng. Các không gian ven biển khác quy hoạch hệ thống công viên cây xanh để tạo điểm nhấn cho tuyến đường.

Điều chỉnh mở rộng tuyến đường Trương Pháp về phía Đông, bề rộng tuyến đường từ nút giao với đường Lê Thành Đồng, phường Hải Thành đến khu vực Nhà hàng Mỹ Hương xã Quang Phú là 32m; đoạn tuyến còn lại có bề rộng 25m.

PV: Thời gian qua, ở Bình Định, Đà Nẵng..., chính quyền địa phương rất quyết tâm mở rộng không gian biển phục vụ cộng đồng. Vậy công tác điều chỉnh quy hoạch tuyến đường Trương Pháp có hướng đến mục tiêu đó?

Ông Lê Anh Tuấn: Đó cũng là mục tiêu chính của Đồ án điều chỉnh quy hoạch tuyến đường Trương Pháp nhằm tập trung mở rộng không gian thông thoáng nhìn ra biển; đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng quảng trường, công viên, cây xanh, đường dạo, bãi đỗ xe, tiện ích công cộng phục vụ cộng đồng.

Toàn bộ không gian phía Đông tuyến đường Trương Pháp trong quy hoạch không bố trí công trình xây dựng mới kiên cố; tạo không gian thoáng nhìn ra biển và các không gian sinh hoạt cộng đồng.

Phối cảnh tổng thể đường Trương Pháp.
Phối cảnh tổng thể đường Trương Pháp.

PV: Trong quá trình thực hiện không tránh khỏi những khó khăn. Theo ông, đâu là những giải pháp để tạo sự đồng thuận giữa các bên liên quan?

Ông Lê Anh Tuấn: Để thực hiện mục tiêu trên, có không ít khó khăn, đó là: Nhà nước chưa đủ nguồn lực để đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, công viên, đường dạo, giải tỏa các khu vực không được phép kinh doanh, tạo hạ tầng kỹ thuật đồng bộ các khu vực được phép kinh doanh... theo quy hoạch được duyệt.

Đối với các hộ dân đã được Nhà nước cho thuê đất có thời hạn, do yếu tố lịch sử để lại, xuất phát từ yêu cầu thực tế, Nhà nước đã cho thuê đất để giải quyết yếu tố cung, cầu chính đáng của người dân địa phương và du khách trong việc khai thác lợi thế điều kiện tự nhiên cảnh quan, phát triển dịch vụ ẩm thực ven biển, cho nên việc giải phóng không gian thực hiện theo quy hoạch phải có lộ trình từng bước.

Mặc dù, tỉnh đã có một số chỉ đạo quản lý tại khu vực này, tuy nhiên, tình hình kinh doanh cơi nới, tự phát kéo theo việc xây dựng không đúng quy hoạch, kế hoạch vẫn còn xảy ra, ảnh hưởng đến kiến trúc cảnh quan chung của đô thị.

Do vậy cần phải có những giải pháp chính như sau: chính quyền thành phố cần nâng cao vai trò, công tác tuyên truyền, vận động người dân địa phương chấp hành pháp luật, không tự ý lấn chiếm đất đai, đầu tư, cơi nới, xây dựng hàng quán bất hợp pháp để kinh doanh trong khu vực, đồng thời thường xuyên kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, kiên quyết xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm, kiên quyết di dời các điểm kinh doanh tự phát. Các khu vực đã đầu tư xây dựng, kinh doanh mà chưa phù hợp định hướng quy hoạch thì quản lý theo hiện trạng đã có và có lộ trình để giải tỏa theo quy hoạch.

Nhà nước cần ưu tiên tài chính hoặc huy động nguồn lực theo hình thức xã hội hóa để đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu vực kinh doanh tập trung theo quy hoạch với hệ thống hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh đáp ứng điều kiện về vệ sinh môi trường và kiến trúc cảnh quan, làm cơ sở để vận động các hộ dân giải phóng các khu vực đã xây dựng trước đây nay không phù hợp quy hoạch. 

Đối với các không gian công cộng, như: quảng trường, công viên, cây xanh, đường dạo…, không nhất thiết phải triển khai xây dựng ngay khi chưa đủ nguồn lực, nhưng phải có lộ trình, kế hoạch để thực hiện xây dựng, đồng thời chính quyền địa phương phải có biện pháp hiệu quả để bảo vệ không gian đã được quy hoạch.

PV: Xin cảm ơn ông!

Trần Minh Văn (thực hiện)

,