.

Tích cực khoanh vùng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi

.
15:43, Thứ Sáu, 14/06/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Thời gian qua, với chỉ đạo của UBND tỉnh cùng sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các ngành, địa phương, công tác phòng, ngừa bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) trên địa bàn tỉnh đã được thực hiện tốt. Tuy nhiên, do sự chủ quan của người dân, ngày 13-6, ở xã Xuân Hóa (huyện Minh Hóa) đã xuất hiện 1 ổ DTLCP tại gia đình ông Đinh Minh Chính. Hiện, các lực lượng chức năng đang tích cực xử lý ổ dịch, khoanh vùng, ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Tiến hành tiêu hủy lợn mắc bệnh
Tiến hành tiêu hủy lợn mắc bệnh.

Tích cực khoanh vùng bao vây ổ dịch

Ngay khi có kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh DTLCP trên mẫu bệnh phẩm ở lợn của hộ gia đình ông Đinh Minh Chính, Sở Nông nghiệp-PTNT đã chỉ đạo Chi cục chăn nuôi và thú y phối hợp với địa phương cấp bách triển khai các biện pháp chống dịch; tổ chức phun tiêu độc khử trùng tại hộ chăn nuôi có lợn ốm chết.

>> Quảng Bình: Xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi đầu tiên tại huyện Minh Hóa

Ông Dương Viết Phương Tuấn, Phó chi cục trưởng Chi cục chăn nuôi và thú y cho biết: “Chiều tối 13-6, lực lượng cán bộ thú y đã có mặt tại huyện Minh Hóa để chỉ đạo tiêu hủy toàn lợn bị nhiễm bệnh của gia đình ông Đinh Minh Chính. Toàn bộ số lợn này bị tiêu hủy bằng hình thức chôn lấp trong vòng 6 giờ. Tổng trọng lượng tiêu hủy là trên 4.260kg”.

Lập chốt kiểm dịch tuyến đường vào xã Xuân Hóa (huyện Minh Hóa)
Lập chốt kiểm dịch tuyến đường vào xã Xuân Hóa (huyện Minh Hóa).

Ngoài ra, lực lượng thú y địa phương cũng đã được tăng cường để chỉ đạo cán bộ thú y xã nắm chắc tình hình dịch bệnh trên đàn lợn tại địa bàn. Trong đó, đặc biệt chú trọng các hộ chăn nuôi liền kề hộ bị dịch.

Ngay khi DTLCP được công bố, huyện Minh Hóa đã chỉ đạo các địa phương khẩn trương thành lập các chốt chống dịch trên tuyến đường liên thôn, liên xã. Thực hiện phun tiêu độc khử trùng các phương tiện đi qua, tại nơi xảy ra dịch và nơi tiêu hủy lợn bệnh; nhanh chóng tổ chức điều tra ổ dịch theo quy định.

Ông Bùi Anh Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa cho biết: “Huyện đang tích cực triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch theo Kế hoạch số 2032/KH-UBND ngày 29-11-2018 của UBND tỉnh về hành động ứng phó khẩn cấp với bệnh DTLCP trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Kiên quyết khống chế dịch trong diện hẹp, hạn chế DTLCP lây lan”.

Tăng cường công tác phòng, ngừa

Theo ông Đinh Minh Chính, đàn lợn của gia đình ông chưa được tiêm vắc xin phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Nguồn thức ăn sử dụng là thức ăn công nghiệp (thức ăn hỗn hợp sản xuất tại tỉnh Hải Dương). Theo nhận định ban đầu, mối nguy lớn nhất làm lây lan bệnh DTLCP là từ nguồn thức ăn có thể lây nhiễm trong quá trình vận chuyển từ Hải Dương vào hộ nuôi lợn.

Trước thực tế của trường hợp ông Chính, cũng như tình hình DTLCP đang diễn biến phức tạp trên địa bàn nhiều tỉnh trong cả nước, các địa phương trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các điểm nóng, nguy cơ xảy ra dịch cao đang tích cực tăng cường các biện pháp để phòng dịch.

Tại huyện Bố Trạch, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về tình hình DTLCP được tăng cường; đẩy mạnh các biện pháp phòng chống dịch cùng với việc quán triệt nguyên tắc 5 không (không dấu dịch; không vứt xác động vật chết ra môi trường; không mua bán gia súc bệnh, nghi mắc bệnh; không sử dụng sản phẩm động vật nghi mắc bệnh, không rõ nguồn gốc; không sử dụng thức ăn thừa chưa qua xử lý nhiệt).

Các chốt kiểm dịch động vật tạm thời phát huy tốt nhiệm vụ được giao.
Các chốt kiểm dịch động vật tạm thời phát huy tốt nhiệm vụ.

Ông Nguyễn Trọng Tuyển, Trưởng phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Bố Trạch cho biết: “Để ngăn ngừa các sản phẩm động vật, lợn không rõ nguồn gốc vào địa bàn, huyện đã chỉ đạo các lực lượng chức năng tổ chức tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Huyện cũng giám sát chặt chẽ và tổ chức cho các hộ chăn nuôi ký cam kết không vận chuyển, buôn bán, giết mổ gia súc bị bệnh, không rõ nguồn gốc…”.

Huyện Lệ Thủy là địa bàn giáp ranh với tỉnh Quảng Trị, nơi đang xảy ra nhiều ổ DTLCP nên nguy cơ xảy ra dịch rất cao. Nhằm phòng, ngừa DTLCP lây nhiễm vào địa bàn, huyện Lệ Thủy đã ráo riết chỉ đạo các ngành, địa phương tích cực thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng dịch.

Cùng với đó, huyện đã chỉ đạo lập các chốt kiểm tra kiểm dịch động vật liên thôn, liên xã. Tại các xã Sen Thủy, Thái Thủy, lực lượng Công an đã phối hợp với địa phương và các đơn vị liên quan tổ chức tuần tra, kiểm tra, ngăn chặn các loại phương tiện kéo, chở lợn không rõ nguồn gốc, có dấu hiệu nhiễm bệnh…

Ông Trần Công Tám, Chi cục trưởng Chi cục chăn nuôi và thú y cho biết, cùng với các giải pháp phòng, chống DTLCP được triển khai tích cực trong thời gian qua trên toàn tỉnh, Chi cục thường xuyên cử cán bộ đi kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm trên lợn để kịp thời phát hiện bệnh dịch, có biện pháp xử lý kịp thời.

Để ngăn chặn việc vận chuyển lợn, sản phẩm lợn không rõ nguồn gốc vào địa bàn, ngoài các chốt kiểm dịch động vật tạm thời của tỉnh; Chi cục đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện: Tuyên Hóa, Quảng Trạch thành lập thêm các chốt kiểm dịch động vật tạm thời cấp huyện.

Cụ thể, UBND huyện Tuyên Hóa thành lập 1 chốt kiểm dịch động vật tạm thời trên tuyến đường Xuyên Á (nối thị trấn Đồng Lê với huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh); UBND huyện Quảng Trạch thành lập 2 chốt tại xã Quảng Hợp (tuyến đường nối xã Quảng Hợp với xã Kỳ Lạc, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) và xã Quảng Phú (tuyến đường biển).

Lê Mai

,