.

Rộng "cửa" cho sản phẩm nông nghiệp chủ lực

.
08:32, Chủ Nhật, 09/06/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Tham gia Chương trình “mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), Quảng Ninh đặt mục tiêu mỗi xã đều phải có ít nhất 1 sản phẩm chủ lực; phấn đấu trong năm 2019 có 2 sản phẩm được công nhận, đánh giá, xếp hạng theo tiêu chuẩn OCOP; phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất từ 3 đến 5 sản phẩm đạt từ 1 đến 3 sao theo tiêu chuẩn sản phẩm OCOP. Chính vì vậy, huyện đã chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp liên kết chuỗi giá trị sản phẩm nhằm khai thác hiệu quả các tiềm năng lợi thế của địa phương…

Đa dạng nhóm sản phẩm thế mạnh

Là địa bàn thuần nông, Quảng Ninh “sở hữu” nhiều sản phẩm nông nghiệp chất lượng, tiêu biểu, như: khoai deo Hải Ninh, dưa hấu Hàm Ninh, bún bánh Gia Ninh, mật ong Trường Xuân, gà đồi Vạn Ninh… Các sản phẩm nông nghiệp của huyện Quảng Ninh từ lâu đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường.

Dưa hấu Hàm Ninh là một trong những sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của Quảng Ninh trong chương trình OCOP.
Dưa hấu Hàm Ninh là một trong những sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của Quảng Ninh trong chương trình OCOP.

Tuy nhiên, từ nhiều năm qua, hoạt động sản xuất chỉ dừng lại ở quy mô nhỏ lẻ, manh mún. Hầu hết các sản phẩm chưa được chế biến sâu, chưa công bố chất lượng sản phẩm; mẫu mã, bao bì đơn giản. Bên cạnh đó, việc liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giữa chính quyền địa phương, người dân với các doanh nghiệp còn hạn chế dẫn đến thị trường tiêu thụ các sản phẩm thiếu ổn định.

Xác định việc triển khai Chương trình OCOP sẽ là cơ hội “vàng” cho các sản phẩm nông nghiệp có chất lượng tại địa phương phát huy thế mạnh, huyện Quảng Ninh đã tập trung rà soát, đánh giá các sản phẩm nông nghiệp chủ lực.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Xuân Kỷ, Trưởng phòng Nông nghiệp-PTNT huyện cho biết, qua khảo sát đánh giá, Quảng Ninh hiện có 25 sản phẩm thế mạnh thuộc 4 nhóm sản phẩm có khả năng tham gia Chương trình OCOP; trong đó có 20 sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm; 1 sản phẩm thuộc nhóm đồ uống; 3 sản phẩm thuộc nhóm thảo dược và 1 sản phẩm thuộc nhóm lưu niệm.

Các sản phẩm đặc trưng có giá trị, thế mạnh và tiềm năng phát triển ở Quảng Ninh được xác định có thể tham gia Chương trình OCOP gồm: rau sạch Võ Ninh, mật ong Trường Xuân, gạo Vĩnh Tuy, thỏ Vạn Ninh, bún bánh Gia Ninh, khoai deo Hải Ninh, nấm linh chi Hiền Ninh, rượu Võ Xá ở Võ Ninh, tinh bột sắn, tinh bột nghệ Long Giang Thịnh ở Vĩnh Ninh, dưa hấu Hàm Ninh…

Điểm chung của các sản phẩm này đã được địa phương sản xuất, chế biến và kinh doanh từ lâu, ngày càng được thị trường biết đến. Đây chính là yếu tố quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi để các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng trên địa bàn huyện Quảng Ninh tham gia Chương trình OCOP.

Trên cơ sở danh mục OCOP và đề xuất của các địa phương, huyện Quảng Ninh đã phối hợp với các phòng, ban chuyên môn lựa chọn các danh mục dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, gắn với tiêu thụ sản phẩm để có kế hoạch chỉ đạo, hướng dẫn, lồng ghép các chính sách, các nguồn vốn hỗ trợ. Theo đó, giai đoạn 2018-2020, huyện Quảng Ninh xác định tập trung vào 10 chuỗi giá trị mới nhằm tạo tiền đề cho OCOP.

Từ các chuỗi giá trị được xác định ưu tiên, huyện đã thực hiện hiệu quả các chính sách của tỉnh theo chương trình liên kết sản xuất, huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ về giống, đẩy nhanh chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng; đồng thời, có nhiều chính sách nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư sản xuất và liên kết bao tiêu sản phẩm cho nông dân.

Những kết quả bước đầu

Với quan điểm thực hiện theo hình thức “cuốn chiếu”, không đầu tư dàn trải, trong giai đoạn đầu triển khai Chương trình OCOP, huyện Quảng Ninh đã ưu tiên tập trung và xây dựng thành công 4 chuỗi liên kết sản xuất gồm: khoai deo Hải Ninh, mật ong Trường Xuân, gạo Vĩnh Tuy và dưa hấu Hàm Ninh. Chương trình OCOP nhờ đó đã từng bước khẳng định được vai trò trong phát triển kinh tế trên địa bàn huyện.

Ông Võ Thành Đồng, Phó Chủ tịch UBND xã Trường Xuân cho biết, sản phẩm mật ong Trường Xuân từ lâu đã trở thành thương hiệu “có tiếng” trong lòng người tiêu dùng. Tuy nhiên, do chưa đăng ký nhãn hiệu nên việc tiêu thụ sản phẩm vẫn còn hạn chế.

Năm 2018, mật ong Trường Xuân là một trong những sản phẩm được huyện Quảng Ninh chọn để đầu tư xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm. Đây chính là cơ hội để mật ong Trường Xuân tăng giá trị sản xuất, nâng tầm sản phẩm vàkhẳng định vị thế trên thị trường.

Để từng bước “bắt nhịp” với hình thức sản xuất theo chuỗi liên kết, xã Trường Xuân đã chọn HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ ong Trường Xuân làm đầu mối để vừa hỗ trợ tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, vừa bao tiêu đầu ra cho sản phẩm địa phương. Đến nay, mật ong Trường Xuân đã hoàn thành các thủ tục công nhận nhãn hiệu, công bố tiêu chuẩn chất lượng và đang chuẩn bị các điều kiện tiếp theo để xét công nhận theo tiêu chuẩn OCOP.

Ngoài mật ong Trường Xuân, chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ gạo Vĩnh Tuy cũng đã đạt được những kết quả bước đầu. Trao đổi với phóng viên, ông Đỗ Mười, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ninh cho biết, ý tưởng xây dựng thương hiệu gạo Vĩnh Tuy đã được xã Vĩnh Ninh quan tâm từ rất lâu. Nhằm xây dựng chuỗi liên kết cho sản phẩm gạo của địa phương, xã Vĩnh Ninh đã chọn HTX Vĩnh Trung làm trung tâm, chịu trách nhiệm sản xuất, thu mua và chế biến sản phẩm.

Sản phẩm mật ong Trường Xuân được sản xuất theo chuỗi liên kết giá trị.
Sản phẩm mật ong Trường Xuân được sản xuất theo chuỗi liên kết giá trị.

Riêng khâu bao tiêu sản phẩm, HTX Vĩnh Trung sẽ chủ động liên kết với Công ty giống nông nghiệp đảm nhận. Trên cơ sở sự hỗ trợ của huyện và các đơn vị tư vấn, HTX Vĩnh Trung đã tiến hành xây dựng đề án và hoàn thiện các thủ tục pháp lý về thiết kế, đăng ký mẫu mã nhằm công nhận nhãn hiệu cho sản phẩm. Bên cạnh đó, HTX cũng đã quy hoạch vùng tập trung sản xuất lúa chất lượng cao với diện tích 10ha; tổ chức sản xuất và hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất theo chuỗi giá trị.

Thực tế triển khai cho thấy, việc xây dựng chuỗi liên kết nông sản trên địa bàn huyện Quảng Ninh nhằm tạo tiền đề cho OCOP đã được các địa phương quan tâm thực hiện nhưng vẫn gặp một số khó khăn. Nguyên nhân là do quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, thị trường tiêu thụ sản phẩm chưa ổn định; việc liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp còn nhiều hạn chế.

"Thời gian tới, huyện Quảng Ninh sẽ đẩy mạnh tuyên truyền vận động người dân, doanh nghiệp và HTX cùng tham gia vào quá trình liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm. Mặt khác, huyện cũng sẽ tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nhằm thúc đẩy liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp.

Các địa phương cũng cần nghiên cứu, đánh giá cụ thể, thống nhất và mạnh dạn lựa chọn, đề xuất hình thức phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm để huyện có kế hoạch chỉ đạo, hướng dẫn, lồng ghép các chính sách, các nguồn vốn hỗ trợ…”, đồng chí Phạm Trung Đông, Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh cho biết thêm.

Thanh Hải

,