.

Nhân lực du lịch Quảng Bình vừa thiếu, vừa yếu

.
09:11, Chủ Nhật, 23/06/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Thiếu nguồn nhân lực du lịch là bài toán khó mà các doanh nghiệp làm du lịch và cơ sở đào tạo cùng loay hoay tìm lời giải. Mùa du lịch càng sôi động, doanh nghiệp càng “chật vật” trong tìm kiếm nguồn nhân lực.

Tại buổi làm việc với tỉnh Quảng Bình vào tháng 4-2019, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, vấn đề thiếu nguồn nhân lực du lịch trầm trọng không phải là câu chuyện của riêng Quảng Bình. Muốn giải quyết được vấn đề này cần phải có một quá trình dài hơi và sự phối kết hợp chặt chẽ của cả ngành du lịch.

“Rất mệt mỏi!”

Mặc dù mới khai trương, nhưng Sunflower Beach của chị Lê Thị Nhung trở thành địa chỉ khá thú vị tại bãi biển Nhật Lệ. Sunflower là tổ hợp nghỉ dưỡng và dịch vụ ăn uống trên bãi biển cùng một số ý tưởng nghệ thuật sắp đặt sát biển để du khách vừa có thể tắm biển, vừa thưởng thức hải sản, đồ nướng và chụp ảnh. Mới ra đời, tuy nhiên, điều làm khó chủ cơ sở này không phải là việc xây dựng thương hiệu, điểm đến trong lòng du khách mà là vấn đề nhân sự.

 Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trò chuyện cùng nhân viên khu Chày Lập Farmstay trong chuyến làm việc tại Quảng Bình tháng 4-2019.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trò chuyện cùng nhân viên khu Chày Lập Farmstay trong chuyến làm việc tại Quảng Bình tháng 4-2019.

Theo chị Nhung, khó khăn nhất là khâu tuyển dụng đội ngũ phục vụ bàn, dù yêu cầu đặt ra không phải quá cao. “Một vài bạn, chủ yếu là sinh viên đến xin việc, một số ít biết giao tiếp tiếng Anh, các bạn đến vài ngày rồi xin nghỉ. Có khi, thông báo tuyển dụng đăng mãi vẫn không tìm được người”, chị Nhung cho biết.

Đó không phải là câu chuyện riêng của một cơ sở du lịch mới mẻ như Sunflower mà là mẫu số chung của hầu hết các đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn. Chị Đinh Thanh Loan, chủ nhà hàng Quê Nhà (TP. Đồng Hới) cho biết, là một nhà hàng chuyên phục vụ khách tour nên luôn có nhu cầu tuyển dụng một lượng lớn nhân lực phục vụ. Tuy nhiên, mùa du lịch năm nào, Quê Nhà cũng phải cật lực tìm kiếm nhân sự mới.

“Cái khó của mỗi mùa du lịch luôn là tuyển dụng. Ngoại trừ một số ít nhân sự “cứng” gắn bó nhiều năm thì năm nào chúng tôi cũng phải tuyển thêm người. Để đáp ứng cho công việc nhanh nhất, chúng tôi lại phải tổ chức đào tạo “nóng” nhưng cứ tầm 2, 3 tháng các bạn lại nghỉ. Câu chuyện tuyển dụng lại tiếp diễn. Rất mệt mỏi!”, chị Loan cho biết thêm.

Nhân lực cũng theo thời vụ

Đã từ lâu, bài toán thời vụ luôn “làm khó” ngành du lịch Quảng Bình. Cái khó đó kéo theo cả vấn đề tuyển dụng nhân sự. Theo ông Nguyễn Văn Lượng, Hiệu trưởng Trường trung cấp Du lịch-Công nghệ số 9, vấn đề cốt lõi là nhiều người làm nghề luôn mang tư tưởng đây chỉ là nghề theo thời vụ, tạm thời.

“Có một nghịch lý là mùa cao điểm thì thừa việc, thiếu người, mùa thấp điểm thì thừa người, thiếu việc. Một số địa chỉ kinh doanh du lịch chỉ tuyển nhân viên theo thời vụ, tạo nên tâm lý e ngại cho người làm. Họ chỉ làm một thời gian, tìm được công việc ổn định hơn là lại nghỉ. Chỉ có một số đơn vị lớn có điều kiện nên tìm cách giữ chân nhân viên lâu dài”, ông Lượng khẳng định.

Theo báo cáo của Sở Du lịch, đến nay, toàn ngành Du lịch có 4.500 lao động trực tiếp và 8.800 lao động gián tiếp. Một thực tế mà ngành Du lịch đang đối diện là đội ngũ nhân lực du lịch còn thiếu lực lượng có chuyên môn, tay nghề cao. Tỷ lệ lao động được đào tạo chuyên ngành du lịch còn quá thấp và cơ cấu bất hợp lý.

Đặc biệt, sau sự cố môi trường biển, nhiều lao động du lịch có tay nghề cao đã rời các doanh nghiệp du lịch Quảng Bình để đến các địa phương khác. Ngành Du lịch chưa đủ sức hấp dẫn để thu hút một số lượng lớn nhân lực có ý định gắn bó lâu dài.

Chị Thanh Loan, chủ nhà hàng Quê Nhà thẳng thắn bày tỏ: “Thực tế từ Quê Nhà mà ra, các bạn luôn mang tư tưởng là công việc tạm thời, làm trong thời gian chờ đợi công việc mới, hoặc chuẩn bị đi xuất khẩu lao động. Bạn có tin không, chứ thực sự có gần 50% số người bỏ việc giữa chừng chỉ bởi lý do đi xuất khẩu lao động”.

Thiếu nhân lực, nên vào mùa cao điểm, các đơn vị phải linh động hợp đồng thời vụ với các cộng tác viên, sinh viên, học sinh của các trường trên địa bàn. Đội ngũ này sẵn có, nhưng kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm du lịch còn hạn chế, chưa kể vì hợp đồng thời vụ nên trách nhiệm, sự gắn bó với nghề rất yếu. Vậy là việc thiếu nhân lực đi kèm với sự yếu trong chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ này cũng là lẽ đương nhiên.  

Từ góc nhìn đào tạo

Để gỡ khó cho ngành Du lịch, thời gian qua, Sở Du lịch đã phối hợp với Trường trung cấp Du lịch-Công nghệ số 9 tổ chức các lớp tập huấn về nghiệp vụ nhà hàng, khách sạn cho người quản lý, nhân viên các cơ sở lưu trú và nhà hàng đạt chuẩn phục vụ khách du lịch, hay các lớp về du lịch cộng đồng.

Sở Du lịch cũng đã triển khai các chương trình tập huấn nâng cao nhận thức về phát triển du lịch bền vững và học tập các mô hình phát triển du lịch cộng đồng cho cán bộ công chức các huyện, thị xã, thành phố, giảng viên các trường đào tạo nghề du lịch trên địa bàn tỉnh.

Theo ông Nguyễn Văn Lượng, Hiệu trưởng Trường trung cấp Du lịch-Công nghệ số 9, xuất phát từ nhu cầu thực tế của ngành Du lịch tỉnh nhà, thời gian qua, trường đã tập trung chú trọng đến các ngành nghề du lịch. Trong các ngành trường đang đào tạo hệ trung cấp, ngành Kỹ thuật chế biến món ăn và Quản trị khách sạn có số lượng học sinh đăng ký chiếm hơn 60%.

Học sinh thực tập pha chế tại trường Trung cấp Du lịch – Công nghệ số 9.
Học sinh thực tập pha chế tại trường Trung cấp Du lịch-Công nghệ số 9.

“Để bảo đảm chất lượng đầu ra cho các em, trường xây dựng chương trình đào tạo với thời lượng lý thuyết chỉ chiếm tỷ lệ cao nhất là 30%. Vì nhu cầu ngành Du lịch khá cao nên phần lớn thời gian thực tập, học sinh được gửi về các đơn vị kinh doanh du lịch để hỗ trợ thêm, nhất là vào mùa cao điểm.

So với các ngành khác, các ngành du lịch đều có thể bảo đảm được đầu ra, các em có việc ngay sau khi ra trường”, ông Lượng khẳng định. Tuy nhiên, cũng theo Hiệu trưởng trường này, do tâm lý của phụ huynh chưa coi trọng lắm về học nghề nên dù nhu cầu cao, đầu ra bảo đảm thì số lượng học sinh đăng ký vẫn chưa thực sự nhiều. Chưa kể, trang thiết bị thực hành vẫn còn thiếu thốn, chưa đáp ứng được nhu cầu của ngành nghề đào tạo.

Tại buổi làm việc với tỉnh Quảng Bình, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nêu ra vấn đề giải quyết bài toán nhân lực đang làm khó ngành du lịch Việt Nam nói chung và Quảng Bình nói riêng.

“Để khắc phục tình trạng này, các bộ,ngành đã tháo gỡ một phần các quy định để đào tạo chuyển đổi sang ngành Du lịch cho sinh viên tốt nghiệp nhưng không tìm được việc làm. Cùng với đó, tỉnh phải kết hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp du lịch, đào tạo theo phương thức vừa học, vừa làm”, Phó Thủ tướng chỉ rõ.

Thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, kỹ năng giao tiếp tiếng Anh còn hạn chế, thiếu kinh nghiệm làm du lịch, những bất cập này đặt ra yêu cầu bức thiết về nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực du lịch cả trong quản lý lẫn lao động trực tiếp. Muốn giải được bài toán này cần sự phối hợp chặt chẽ của cả 3 nhà: nhà quản lý, nhà trường và nhà doanh nghiệp.

Diệu Hương

,