.

Độc đáo những tour du lịch "cây nhà lá vườn"

.
08:40, Chủ Nhật, 09/06/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Nhận thấy nhu cầu của khách du lịch, đặc biệt là khách nước ngoài, muốn được trải nghiệm cuộc sống của người bản địa, nhiều nông dân, ngư dân đã mạnh dạn mở các tour du lịch độc đáo, hấp dẫn, góp phần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, níu chân du khách ở lại với Quảng Bình…  

Quay rớ ở sông Nhật Lệ

17 giờ chiều, điểm du lịch trải nghiệm tự quay rớ bắt cá trên sông Nhật Lệ của chị Nguyễn Thị Phương Lan, một ngư dân ở xã Bảo Ninh (TP.Đồng Hới) đón một đoàn khách đến từ Hà Nội. Sau màn chào hỏi, các vị khách hồ hởi mặc áo phao xuống thuyền di chuyển đến chòi nhỏ trên sông Nhật Lệ để quay rớ bắt cá.

 Chiếc rớ giàn bình dị trên sông Nhật Lệ vốn là công cụ mưu sinh của ngư dân này đã trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo, thú vị.
Chiếc rớ giàn bình dị trên sông Nhật Lệ vốn là công cụ mưu sinh của ngư dân này đã trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo, thú vị.

Đã từ lâu, chiếc rớ giàn bình dị trên sông Nhật Lệ vốn là công cụ mưu sinh của ngư dân nơi đây. Chiếc rớ ấy mỗi khi cất lên thường tạo thành một khuôn hình thật đẹp, thật lạ, thu hút sự chú ý của nhiều người, đặc biệt là khách du lịch đến Đồng Hới.

Nhận thấy nhu cầu trải nghiệm của khách du lịch, đầu tháng 4-2019, chị Phương Lan và gia đình đã mở tour du lịch trải nghiệm tự quay rớ bắt cá trên sông Nhật Lệ. Ngoài quay rớ, tour du lịch của chị Phương Lan còn có các dịch vụ: thả lưới, câu cá, đốt lửa trại để nướng nông sản, hải sản theo nhu cầu và trải nghiệm làm nông dân ở trang trại gần đó…

Những cơn mưa giông từ phía thượng nguồn đã làm nước sông Nhật Lệ hơi đục so với thường lệ. Nhưng cũng chính nhờ cơn mưa đầu mùa này mà những mẻ rớ cất lên thường có nhiều cá hơn. Bởi, các loài cá, như: cá đối, cá trích ve…, mùa này thường ngược dòng nước để kiếm mồi.

Khi anh Đào Thanh Tuy đang quay rớ ở trong chòi thì anh Nguyễn Xuân Tuấn và Nguyễn Cảnh Dũng chèo chiếc thuyền nan nhỏ ra rớ để bắt cá. Mẻ rớ lần này, những vị khách du lịch đến từ Thủ đô Hà Nội kéo lên được khoảng 2kg cá trích ve. Con cá trích ve chỉ bằng ngón tay út, ánh lên màu bạc, nhảy đùm đụp trong rớ nhìn rất đẹp mắt. Trong khi những vị khách du lịch kéo rớ bắt cá, chụp ảnh thì chị Phương Lan đã kịp bắc một nồi nước sôi và chuẩn bị một ít rau sống, bánh tráng…

Không cần rửa qua nước, toàn bộ mẻ cá được cho vào nồi nước đang sôi và chưa đến 5 phút đã được vớt ra đĩa. Những vị khách du lịch quây quần thích thú thưởng thức món cá trích ve cuốn bánh tráng mà tự tay họ kéo được. “Món cá trích ve cuốn bánh tráng thật ngon. Quan trọng hơn là chính tay chúng tôi đã kéo rớ bắt cá. Tour du lịch này thật vui và thú vị. Tôi sẽ kể cho bạn bè nghe để họ đến đây trải nghiệm”, anh Tuấn chia sẻ.

“Massage vịt” hút khách Tây ở Phong Nha

Du khách đến Phong Nha-Kẻ Bàng giờ đây không chỉ được chiêm ngưỡng sự hùng vĩ và tuyệt đẹp của thiên nhiên núi rừng, hang động mà còn có cơ hội trải nghiệm làm nông dân chăn vịt, chăn trâu và làm ruộng…

Một trong những “điểm đến” độc đáo đang thu hút du khách, đặc biệt là khách nước ngoài là Trạm vịt “The Duck Stop” ở thôn Bồng Lai (xã Hưng Trạch, huyện Bố Trạch). Chủ nhân của Trạm vịt “The Duck Stop” là Trần Ngọc Quỳnh (21 tuổi), một nông dân làm trang trại ở đây. Khu trang trại của anh Quỳnh chăn nuôi vịt, gà, trâu, bò...

Bất ngờ, trang trại của anh được nhiều khách du lịch nước ngoài đi ngang qua quan tâm, chụp ảnh và thậm chí rất muốn thử được chơi đùa với những chú vịt, hay trải nghiệm những công việc đồng áng như một nông dân thực thụ. Nắm bắt được cơ hội này, anh Quỳnh đã mở mô hình du lịch nông nghiệp, biến trang trại chăn nuôi vịt của mình thành Trạm vịt “The Duck Stop” và không ngờ nó đã nhanh chóng hấp dẫn du khách, đặc biệt là khách nước ngoài.

Tham gia tour du lịch độc đáo này, du khách sẽ được trải nghiệm các công việc nhà nông, như: chăn trâu, chăn vịt…, đặc biệt là trải nghiệm “massage vịt”. “Massage vịt” là khi du khách cầm trong tay một nắm hạt thức ăn của vịt, sau đó rải xuống khu vực dưới chân, những chú vịt sẽ chạy theo và rỉa số hạt này cho đến hết, tạo cảm giác như bạn đang được massage.

Hình thức massage này khiến người ta liên tưởng đến massage cá tại Nhật Bản, Thái Lan. Ngoài ra, khách du lịch, nhất là du khách nước ngoài, còn cực kỳ thích thú với hoạt động cưỡi trâu, chăn trâu dạo quanh các ruộng lúa, cho trâu lội qua mương nước và làm các công việc đồng áng khác của nhà nông.

Trên trang web du lịch lớn nhất thế giới TripAdvisor, nhiều du khách trong và ngoài nước đã đánh giá 5 sao và để lại những lời khen tốt đẹp cho Trạm vịt“The Duck Stop”. Đa phần đều tỏ ra hài lòng và thích thú với những trải nghiệm tại đây.

Góp phần đa dạng các sản phẩm du lịch

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các sản phẩm du lịch cao cấp trên địa bàn tỉnh, các tour du lịch độc đáo "cây nhà lá vườn" này sẽ làm phong phú thêm các sản phẩm du lịch, góp phần mời gọi và níu chân du khách ở lại với Quảng Bình…

Nhìn chung, các tour du lịch nông nghiệp ở Quảng Bình cũng chỉ mới dừng lại ở mức mua vé tham quan, chụp hình…
Nhìn chung, các tour du lịch nông nghiệp ở Quảng Bình cũng chỉ mới dừng lại ở mức mua vé tham quan, chụp hình…

Theo các chuyên gia du lịch, các tour du lịch nông nghiệp, nông thôn hiện nay đang là xu thế phát triển và là “mỏ vàng” đang được nhiều địa phương chú trọng khai thác. Việc phát triển các sản phẩm du lịch này không chỉ góp phần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc khôi phục và thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, đóng góp vào việc xóa đói giảm nghèo, giảm khoảng cách phát triển giữa khu vực thành thị và nông thôn.

Ở Quảng Bình, ngoài 2 tour du lịch như nêu trên, một số mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn khác cũng đã hình thành và có những thành công bước đầu. Tuy nhiên, theo đánh giá, hầu hết các mô hình du lịch này vẫn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, manh mún, trùng lặp, chỉ mới phục vụ du khách ở mức mua vé tham quan, ăn uống, phòng ở... Chưa có nhiều dịch vụ để đáp ứng nhu cầu của du khách.

Cũng theo các chuyên gia về du lịch, để đưa du lịch nông nghiệp, nông thôn trở thành một ngành kinh tế phát triển, bền vững cần phải có quy hoạch dài hơi và phải có sự liên kết chặt chẽ giữa người nông dân, doanh nghiệp và các sở, ban, ngành, địa phương.

Phan Phương

,