.

Cấp bách triển khai các giải pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi

.
08:24, Thứ Năm, 20/06/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Đến thời điểm này, 3 địa phương của Quảng Bình (gồm: Minh Hóa, Tuyên Hóa và Lệ Thủy) đã xuất hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP). Phóng viên Báo Quảng Bình đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Lê Minh Ngân, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật tỉnh về việc triển khai các giải pháp cấp bách chống dịch bệnh lây lan tại các địa phương có dịch và ngăn chặn dịch bệnh bùng phát tại các địa phương chưa có dịch.

PV: Thời gian qua, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng đã tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh DTLCP, tuy nhiên, hiện tại, dịch bệnh đã bùng phát tại 3 huyện trên địa bàn tỉnh. Vậy chúng ta cần làm gì để hạn chế sự lây lan, thưa đồng chí?

Đồng chí Lê Minh Ngân: Thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, thời gian qua, cả hệ thống chính trị toàn tỉnh đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh DTLCP xâm nhiễm vào địa bàn.

Tuy nhiên, trước áp lực rất lớn của bệnh DTLCP, dù đã quyết tâm, nỗ lực khống chế, ngăn ngừa bệnh xâm nhiễm vào địa bàn, nhưng ngày 13-6-2019, Quảng Bình đã xuất hiện ổ dịch đầu tiên tại xã Xuân Hóa (Minh Hóa). Dịch bệnh đang có xu hướng lây lan rất nhanh ra các địa phương khác, đến nay, đã xuất hiện 3 ổ dịch ở Minh Hóa, Tuyên Hóa và Lệ Thủy.

Để khống chế dịch bệnh, không để lây lan ra diện rộng, phải tập trung cả hệ thống chính trị thực hiện đồng bộ các giải pháp với phương châm phòng, chống bệnh dịch là “huyện giữ huyện, xã giữ xã, thôn giữ thôn”, “phòng là chính, cơ sở, người dân là chính”; bao vây, khống chế dứt điểm các ổ dịch, thực hiện ngay các biện pháp cấp bách xử lý ổ dịch theo quy định, như: tiêu hủy ngay đàn lợn dương tính với vi rút DTLCP, thực hiện vệ sinh tiêu độc khử trùng ổ dịch, vùng dịch, vùng khống chế, lập chốt kiểm soát chặt chẽ hoạt động vận chuyển, giết mổ, buôn bán lợn và sản phẩm từ lợn, kể cả thức ăn cho lợn…

Đối với các địa phương chưa có dịch, cần phải tập trung áp dụng triệt để quy trình chăn nuôi an toàn sinh học; thực hiện quyết liệt các biện pháp kiểm soát ngăn ngừa các đường lây nhiễm của bệnh dịch, nhất là hoạt động vận chuyển, mua bán, giết mổ lợn và sản phẩm của lợn, thức ăn chăn nuôi…

Lập chốt, phun tiêu độc khử trùng các phương tiện ra vào vùng có bệnh DTLCP.
Lập chốt, phun tiêu độc khử trùng các phương tiện ra vào vùng có bệnh DTLCP.

PV: Đồng chí đánh giá như thế nào về khả năng bệnh DTLCP có thể tiếp tục bùng phát tại các địa phương còn lại trong tỉnh và cần có những giải pháp nào để ứng phó?

Đồng chí Lê Minh Ngân: Vi rút gây bệnh DTLCP có khả năng tồn tại rất lâu trong môi trường tự nhiên, lây lan qua nhiều đường khác nhau. Trong điều kiện giao thương lớn giữa các vùng miền như hiện nay, hơn nữa đặc điểm chăn nuôi của tỉnh ta chủ yếu nhỏ lẻ, việc thực hiện biện pháp khống chế gặp nhiều khó khăn nên khả năng bệnh dịch tiếp tục xảy ra ở các địa phương còn lại trong tỉnh là rất lớn nếu người dân và các cấp chính quyền không quyết tâm, quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng chống bệnh dịch. Đặc biệt, cần chú ý các giải pháp sau:

Trước hết, tăng cường thông tin tuyên truyền, nâng cao tinh thần chủ động phòng, chống dịch bệnh của các cấp, các ngành và người chăn nuôi. Từng chủ cơ sở, hộ gia đình chăn nuôi phải quán triệt các biện pháp, kỹ thuật phòng, chống bệnh dịch, công tác phòng, chống dịch trước hết là nhiệm vụ của chính gia đình, cơ sở chăn nuôi của mình. Các cấp chính quyền, cơ quan chuyên môn phải quán triệt tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ “chống dịch như chống giặc”, quyết tâm khống chế không để bệnh dịch lây lan ra diện rộng.

Thứ hai, phải kiểm soát chặt chẽ vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn không rõ nguồn gốc; Tăng cường kiểm tra, giám sát các phương tiện vận chuyển lợn, sản phẩm của lợn nhập vào và đi qua địa bàn tỉnh tại các chốt kiểm dịch nhằm phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Thứ ba, cần thực hiện chăn nuôi chăn nuôi sinh học, an toàn dịch bệnh và thường xuyên tổ chức vệ sinh, khử trùng, tiêu độc từng cơ sở, hộ gia đình chăn nuôi trên toàn địa bàn. Tăng cường hướng dẫn người chăn nuôi theo dõi, giám sát đàn lợn; nếu phát hiện lợn bệnh, nghi mắc bệnh DTLCP, lợn chết không rõ nguyên nhân thì cần báo ngay cho chính quyền hoặc thú y để chẩn đoán, xét nghiệm bệnh.

Thứ tư, chuẩn bị đầy đủ và sẵn sàng các nguồn lực bảo đảm phục vụ tốt cho công tác phòng bệnh, chống dịch, như: lực lượng, trang thiết bị, dụng cụ, nguyên vật liệu cần thiết cho việc tổ chức giám sát, điều tra ổ dịch và lấy mẫu xét nghiệm bệnh, địa điểm tiêu hủy lợn...

Thứ năm, khẩn trương bao vây, khống chế dứt điểm các ổ dịch. Khi có kết quả dương tính với vi rút DTLCP, tiêu hủy ngay toàn bộ đàn lợn bị bệnh trong vòng 24 giờ. Khoanh vùng dịch ngay, xác định vùng bị dịch uy hiếp, vùng đệm để áp dụng các giải pháp kỹ thuật cụ thể và phù hợp cho từng vùng; kiểm soát chặt chẽ vận chuyển lợn và các sản phẩm lợn ra khỏi vùng dịch; tổ chức vệ sinh, khử trùng, tiêu độc tại các khu vực chăn nuôi, các chợ, điểm buôn bán, giết mổ lợn và các sản phẩm của lợn; hỗ trợ kịp thời cho các hộ chăn nuôi có lợn buộc phải tiêu hủy theo quy định.

PV: Khó khăn nhất của Quảng Bình trong việc ngăn chặn sự lây lan của bệnh DTLCP là gì, thưa đồng chí?

Đồng chí Lê Minh Ngân: Như chúng ta đã biết, bệnh DTLCP đã lây lan đến 58/63 tỉnh, thành phố, tiêu hủy trên 2,6 triệu con, như tôi đã nói ở trên, nguyên nhân chủ yếu do bệnh DTLCP chưa có vắc xin và thuốc điều trị; con đường lây lan dịch bệnh khó lường “vừa trực tiếp, vừa gián tiếp”, như: việc vận chuyển lợn và sản phẩm lợn bệnh nghi mắc bệnh, thức ăn, phương tiện vận chuyển…, do đó, rất khó cho việc kiểm soát nguồn bệnh, ngăn chặn sự lây lan của bệnh.

Thêm nữa, đội ngũ cán bộ chuyên môn hiện nay rất mỏng, nên công tác kiểm tra, chỉ đạo, hướng dẫn người dân, cơ sở chưa thực sự được sát sao. Bên cạnh đó, điều kiện ngân sách của tỉnh còn hạn chế, rất cần sự hỗ trợ của Trung ương để địa phương có thêm nguồn lực phòng chống bệnh dịch có hiệu quả.

PV: Vậy đồng chí có khuyến cáo gì đối với các chủ hộ chăn nuôi lợn và người tiêu dùng thịt lợn?

Đồng chí Lê Minh Ngân: Bệnh DTLCP là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút độc lực cao gây ra trên lợn. Bệnh lây chủ yếu trực tiếp từ lợn mắc bệnh sang lợn khỏe mạnh; ngoài ra, bệnh có thể lây lan gián tiếp thông qua nhiều con đường, như: thức ăn thừa dùng để chăn nuôi, phương tiện, dụng cụ chăn nuôi… Bệnh gây sốt cao, xuất huyết nặng dẫn đến tử vong.

Điều nguy hiểm nhất của bệnh này là hiện nay chưa có vắc xin, thuốc điều trị và bệnh gây chết 100% số lợn mắc bệnh, làm thiệt hại kinh tế cho ngành chăn nuôi lợn và hệ lụy lâu dài. Tuy nhiên, bệnh này chỉ lây nhiễm trên lợn (bao gồm lợn rừng và lợn nhà), không lây sang người và không gây bệnh cho các động vật khác; xin nhắc lại là bệnh không lây lan sang người.

Để ngăn ngừa bệnh DTLCP, mỗi một cơ sở chăn nuôi, hộ gia đình phải nhận thức rõ đó là trách nhiệm của chính bản thân mình để bảo vệ kết quả đầu tư, thành quả lao động của mình; tuyệt đối tuân thủ quy tắc “5 không” và “10 cấm”; thực hiện tốt quy trình chăn nuôi sinh học, an toàn dịch bệnh theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.

Đối với người tiêu dùng, như đã nói ở trên, bệnh DTLCP chỉ lây lan trên loại lợn, không lây bệnh cho người, Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng đã có khuyến cáo ngay tại vùng dịch, vẫn được giết mổ và tiêu thụ thịt lợn trong vùng dịch có sự kiểm soát của cán bộ thú y đối với sản phẩm thịt lợn, do đó, người tiêu dùng không nên hoang mang, lo lắng, không nên quay lưng với thịt lợn, hãy yên tâm tiếp tục sử dụng thịt lợn để bảo đảm cân đối nhu cầu thực phẩm của con người, đồng thời, việc tiêu thụ thịt lợn chính là góp phần giúp người chăn nuôi đứng vững và vượt qua khó khăn hiện nay.

PV: Xin cám ơn đồng chí về cuộc trao đổi này!

Nguyễn Hoàng (thực hiện)

,