.

Cảnh báo sâu bệnh phát sinh gây hại trên lúa hè-thu

.
09:59, Thứ Ba, 04/06/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Theo kế hoạch, vụ hè-thu 2019 toàn tỉnh gieo cấy 16.000 ha lúa. Cơ cấu các loại giống lúa phù hợp với tình hình thời tiết khô hạn, thiếu nước. Đến nay, toàn tỉnh đã gieo hơn 12.000 ha, đạt 75% so với kế hoạch. Tuy nhiên, do điều kiện thời tiết thuận lợi, một số diện tích lúa đã xuất hiện sâu bệnh gây hại, như: ốc bươu vàng, chuột, rầy lưng trắng, bọ trĩ,…

Nông dân cần thường xuyên thăm đồng, phát hiện sớm các đối tượng sâu bệnh hại lúa để có biện pháp phòng trừ kịp thời.
Nông dân cần thường xuyên thăm đồng, phát hiện sớm các đối tượng sâu bệnh hại lúa để có biện pháp phòng trừ kịp thời.

Trên địa bàn huyện Quảng Ninh, ốc bươu vàng phát sinh gây hại với mật độ phổ biến7-10 con/m2, nơi cao 15-20 con/m2; cục bộ 30-35 con/m2. Diện tích có ốc bươu vàng gây hại nặng với mật độ từ  20-35con/m2 là 30 ha, tập trung ở các địa phương, như: Hiền Ninh, Tân Ninh, Lương Ninh, Duy Ninh, Hàm Ninh…

Tại huyện Quảng Trạch, diện tích nhiễm ốc bươu vàng là 40 ha tại các xã, như: Quảng Liên, Phù Hóa, Quảng Xuân, Quảng Hưng… Diện tích có chuột hại là 15 ha, tập trung ở các xã: Quảng Thanh, Quảng Châu, Quảng Kim, Quảng Hưng…. Diện tích có rầy lưng trắng là 22ha, gây hại ở các xã, như: Quảng Phương, Quảng Xuân, Quảng Hưng… Ngoài ra, bọ trĩ gây hại trên diện tích 20 ha ở hầu hết các xã trên địa bàn.

Tại thị xã Ba Đồn, các đối tượng sâu bệnh cũng phát sinh gây hại trên lúa. Trong đó, diện tích nhiễm ốc bươu vàng là 25 ha, bọ trĩ 38 ha, chuột 8 ha, rầy lưng trắng 3 ha, tập trung gây hại nhiều ở các xã, như: Quảng Phong, Quảng Long, Quảng Tiên, Quảng Tân…

Hiện tại, ở nhiều địa phương, Phòng Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm DVNN đang tích cực chỉ đạo các xã, phường, thị trấn tổ chức triển khai công tác diệt chuột đầu vụ và hướng dẫn nông dân chủ động phòng trừ sâu bệnh hại ở những nơi có mật độ sâu và tỷ lệ bệnh cao.

Theo dự báo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, trong thời gian tới, các đối tượng sâu bệnh trên lúa tiếp tục phát sinh ra diện rộng. Sâu keo, sâu cuốn lá nhỏ xuất hiện gây hại trên trà lúa giai đoạn đẻ nhánh.

Để hạn chế thiệt hại do sâu bệnh gây ra, các địa phương cần tăng cường hướng dẫn nông dân thường xuyên thăm đồng, phát hiện sớm các đối tượng sâu bệnh hại để có biện pháp phòng trừ kịp thời, bảo đảm an toàn sản xuất.

Đặng Thảo

,