.

"Mở lối" thương hiệu nén Vạn Ninh

.
08:47, Chủ Nhật, 12/05/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Thật khó để có thể nói chính xác thời điểm cây nén (còn gọi là hành tăm) bén rễ trên vùng đồi khô cằn Vạn Ninh. Tuy nhiên, đây thực sự là loại cây “giảm nghèo”, đem lại hiệu quả kinh tế cao và việc “mở lối” thương hiệu sản phẩm nén Vạn Ninh cũng chính là điều mà địa phương đang tính tới.

Cây “giảm nghèo”

Vùng đất đồi xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh có diện tích khá rộng nhưng chủ yếu là đất sỏi bạc màu, khó trồng trọt. Cây nén bén rễ trên vùng đồi Vạn Ninh đã từ lâu, tuy chỉ mang tính tự phát, nhỏ lẻ theo hộ gia đình nhưng bước đầu đã cho thấy hiệu quả thiết thực.

Ông Nguyễn Văn Lương, Chủ tịch UBND xã Vạn Ninh cho biết, năm 2008, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Thường vụ Đảng ủy xã, Mặt trận xã Vạn Ninh đã phối hợp với Trạm khuyến nông thực hiện mô hình chỉ đạo điểm trồng nén tập trung và duy trì trong các năm tiếp theo. Nhận thấy hiệu quả kinh tế rõ rệt của cây nén, nhiều hộ gia đình trên địa bàn xã đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mở rộng diện tích trồng nén.

<img alt="Sản phẩm " nén="" đất="" vạn="" "="" được="" sản="" xuất="" theo="" hướng="" hữu="" cơ="" ngày="" càng="" nhiều="" người="" tiêu="" dùng="" yêu="" thích.="" itemprop="image" data-cke-saved-src="https://baoquangbinh.vn/dataimages/201905/original/images642762_74a.jpg" src="https://baoquangbinh.vn/dataimages/201905/original/images642762_74a.jpg" style="width: 734px; height: 484px;">
Sản phẩm "Nén đất Vạn" được sản xuất theo hướng hữu cơ ngày càng được nhiều người tiêu dùng yêu thích.

Đến nay, xã Vạn Ninh đã có trên 30 ha diện tích nén trồng tập trung, trong đó nhiều nhất là ở thôn Tây, thôn Đại Phúc và Áng Sơn. Có lẽ, vì nén là loại cây đặc biệt phù hợp với vùng đất đồi “sỏi loong” pha sét nên ở Vạn Ninh, nhà nào cũng để dành một vài ô trong vườn để trồng. Nhà ít thì để ăn, nhà nhiều hơn thì đem ra chợ, bán cho thương lái. Giống nén được trồng ở đây cũng đều do người Vạn Ninh tự sản xuất, cất giữ và truyền sang nhiều đời.

Bà Bùi Thị Lan, thôn Tây, người có khoảng thời gian trên 20 năm gắn bó với cây nén chia sẻ, trước đây, mọi chi phí sinh hoạt của gia đình bà đều dựa vào mấy sào ruộng, vất vả quanh năm cũng chỉ đủ ăn. Từ khi chuyên tâm chăm sóc 4 sào nén, mỗi sào cho thu hoạch từ 15-17 triệu đồng/vụ, bà thấy rõ hiệu quả kinh tế của loại cây trồng này.

Cũng theo bà Lan, nén ở Vạn Ninh thường được trồng từ khoảng tháng 8 và bắt đầu thu hoạch từ tháng 4 đến tháng 5 Dương lịch. Trồng nén ít khi bị sâu bệnh, chi phí đầu tư thấp, kỹ thuật đơn giản.

Đất để trồng nén sau khi được xử lý cỏ dại và các mầm bệnh sẽ được vun xới tơi xốp rồi trộn với phân chuồng, rạch luống. Củ nén giống sau khi được vùi trong đất sẽ được phủ lên phía trên một lớp rơm rạ hoặc lá đưng để vừa giữ độ ẩm, hạn chế cỏ dại vừa tạo độ tơi xốp để củ nén phát triển to đều.

Tay thoăn thoắt thu hoạch nén, bà Bùi Thị Thỷ, thôn Tây phấn khởi cho biết thêm, điểm đặc biệt là tất cả các bộ phận trên cây nén đều có thể thu hoạch để sử dụng và đều mang lại hiệu quả kinh tế. Nén đất sau khi được trồng và chăm sóc sẽ được tỉa bớt phần lá và bán dần từ dịp Tết Nguyên đán.

Đến từ khoảng tháng 4 Dương lịch trở đi, khi cây nén đã già, lá nén bắt đầu khô cũng là lúc người dân tiến hành thu hoạch. Với giá bán khoảng 30.000 đồng/kg, bình quân mỗi hecta nén trồng cho thu nhập trên 200 triệu đồng/vụ.

Nâng tầm thương hiệu

Cây nén vốn bén rễ lâu đời trên vùng đồi Vạn Ninh, nhưng để sản phẩm có thể “bứt” ra khỏi thị trường truyền thống ở các chợ và tiếp cận gần hơn với hệ thống các siêu thị, đồng thời, khẳng định được chỗ đứng chính là hành trình dài của đôi vợ chồng trẻ Nguyễn Thị Sương và Bùi Thanh Nam.

Theo chị Nguyễn Thị Sương, Chủ tịch HĐQT HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ Hưng Phát, năm 2016, vợ chồng chị đứng ra thành lập tổ hợp tác sản xuất nén với mục đích bao tiêu các sản phẩm nén của bà con trên địa bàn.

Thời điểm đó, bình quân mỗi vụ, tổ hợp tác của chị thu gom trên 5 tấn nén củ. Tuy nhiên, do thu hoạch không đồng bộ, một số sản phẩm chưa đến vụ chín đã thu hoạch non nên công tác bảo quản gặp rất nhiều khó khăn.

Năm 2017, đôi vợ chồng trẻ quyết định thành lập HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ Hưng Phát. Bên cạnh sản phẩm chính là thỏ Ruby, vợ chồng chị đã tiến hành đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm nén của HTX với tên gọi “Nén đất Vạn”. Điểm đặc biệt của “Nén đất Vạn” chính là sản phẩm được trồng hoàn toàn theo hướng hữu cơ, chỉ sử dụng phân chuồng và chế phẩm sinh học để hỗ trợ cây trồng phát triển.

Với khoảng trên 1 ha đất trồng nén chuyên canh, sản phẩm “Nén đất Vạn” được sản xuất bằng kinh nghiệm và hoàn toàn không sử dụng bất kỳ một loại thuốc hóa học nào.

Để sản phẩm địa phương có cơ hội tiếp cận và mở rộng thị trường, HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ Hưng Phát đã chủ động đưa sản phẩm “Nén đất Vạn” giới thiệu tại các hội chợ trong, ngoài khu vực và được người tiêu dùng yêu thích, đón nhận.

Trồng nén mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân Vạn Ninh.
Trồng nén mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân Vạn Ninh.

Cũng theo chị Sương, tại Hội chợ của Liên minh HTX vừa tổ chức tại Hà Nội năm 2018, các sản phẩm nén Vạn Ninh được người tiêu dùng đánh giá cao hơn hẳn so với sản phẩm cùng loại của các địa phương khác trong cả nước.

Kết quả của Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 2 (Quatest 2) Đà Nẵng cũng cho thấy sản phẩm “Nén đất Vạn” trắng hơn, củ săn chắc hơn, vỏ lụa mỏng hơn và hàm lượng tinh dầu cao hơn hẳn so với các sản phẩm khác cùng loại.

Sản phẩm “Nén đất Vạn” sau khi thu hoạch sẽ được phơi khô, phân loại với giá bán 80.000 đồng/kg nén củ nhỏ và 120.000/kg nén củ to. Từ thành công bước đầu, HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ Hưng Phát đang sản xuất thử nghiệm và dự kiến cuối năm 2019 sẽ đưa ra thị trường sản phẩm mới-nén muối (loại nén để nguyên cây và muối chua truyền thống); đồng thời, hoàn thiện các thủ tục công bố chỉ tiêu chất lượng để đưa sản phẩm vào hệ thống các cửa hàng nông sản sạch, siêu thị.

Hiện tại, xã đang tính đến việc quy hoạch vùng sản xuất nén tập trung; đồng thời, định hướng HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ Hưng Phát hỗ trợ bà con về khoa học kỹ thuật, bao tiêu và quảng bá sản phẩm.

Theo kế hoạch, đến năm 2020, xã sẽ thực hiện thành công chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), từ đó “mở lối” và nâng tầm thương hiệu cho sản phẩm nén Vạn Ninh, ông Nguyễn Văn Lương, Chủ tịch UBND xã Vạn Ninh cho biết thêm.

Thanh Hải

,