.

Linh hoạt chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Liên Thủy

.
11:02, Thứ Ba, 28/05/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Những năm gần đây, nhờ tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa, sản xuất nông nghiệp của xã Liên Thủy (Lệ Thủy) đã có sự phát triển tích cực, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống cho người dân và đẩy mạnh công tác giảm nghèo ở địa phương.

Xác định chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với chất đất tự nhiên của xã là một trong những yếu tố bảo đảm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, thời gian qua, xã đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đa dạng hóa cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả, loại trừ dần các giống cây trồng bị nhiễm các loại bệnh... sang trồng các loại giống có chất lượng, phù hợp với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng.

Bên cạnh đó, xã huy động các nguồn vốn nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước. Xã còn phối hợp với các phòng ban chuyên môn của huyện…tổ chức các lớp tập huấn nhằm chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào trồng trọt và chăn nuôi. Đến nay, toàn xã đã chuyển đổi trên 10ha đất trồng lúa năng suất thấp sang trồng hoa, rau màu…cùng hơn 26 mô hình cá-lúa đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng cho mỗi hộ dân.

Với những chủ trương hợp lý cùng cách làm hiệu quả, Liên Thủy đã thu được những bước tiến quan trọng. Năm 2018, lĩnh vực sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã đã đạt được một số kết quả nhất định, nâng thu nhập bình quân đầu người lên 40 triệu đồng/người/năm.

Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhiều hộ gia đình ở Liên Thủy đã vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhiều hộ gia đình ở Liên Thủy đã vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Điển hình, có gia đình ông Hoàng Cảnh Nghĩa, thôn Uẩn Áo. Năm 2015, trên diện tích đất vườn nhà, gia đình ông Hoàng Cảnh Nghĩa đã mạnh dạn phá bỏ những cây trồng không mang lại hiệu quả để đưa vào trồng hoa. Ông đã đầu tư hệ thống ống tưới phun sương hiện đại để giảm bớt sức lao động.

Bên cạnh trồng hoa cúc, ông còn trồng nhiều giống hoa mới, như: ly, ngọc thảo, bát tiên... Theo ông Nghĩa, một sào hoa cúc sau 3 tháng sẽ đem lại thu nhập trên 50 triệu đồng, sau khi trừ các loại chi phí, gia đình ông sẽ có lãi gần 30 triệu đồng, cao hơn rất nhiều lần so với các loại cây khác.

Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, gia đình anh Nguyễn Văn Bổng, thôn Quy Hậu đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất phèn hoang hóa, trồng lúa năng suất thấp sang trồng sen kết hợp thả cá. Anh Bổng cho hay, sen là loại cây dễ trồng, tốn ít công chăm sóc, chỉ mất chi phí đầu tiên cho lần xuống giống.

Sen được trồng 1 vụ/ năm, bắt đầu từ tháng 2 và sau 4 -6 tháng có thể cho thu hoạch. Sen nở rộ vào tháng 5 đến tháng 8. Hiện tại, đang được mùa sen, các thương lái tìm đến thu mua tận nơi. Anh Bổng ước tính, trồng sen kết hợp thả cá cho thu nhập cao gấp 5 đến 7 lần so với trồng lúa và nhiều lần so với các cây trồng khác.

Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở địa phương đang mang lại nhiều hiệu quả tích cực, khẳng định hướng đi đúng đắn của chính quyền và người dân Liên Thủy, qua đó, từng bước giúp nông dân vươn lên làm giàu từ sản xuất nông nghiệp và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.

Cùng với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xã Liên Thủy tập trung thực hiện đề án phát triển triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, đưa những vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào chăn nuôi, như: bò, dê…

Hiện nay, trên địa bàn của xã có 2 tổ hợp tác chăn nuôi bò hướng thịt với 25 hộ tham gia, hiệu quả kinh tế ngày càng tăng. Tổng giá trị ngành chăn nuôi năm 2018 ước đạt 18,6 tỷ, chiếm tỷ trọng 23,74 % giá trị trong nội ngành nông nghiệp. Đặc biệt, trong chăn nuôi, người dân đã biết chú trọng đến công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng, công tác tiêm phòng trong và ngoài luồng đã được thực hiện tốt, do vậy, không có dịch bệnh xảy ra.

Ông Lê Đình Giới, Chủ tịch UBND xã Dương Liên Thủy cho biết: "Trước đây, nông nghiệp của xã chủ yếu sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, phụ thuộc phần lớn vào thiên nhiên nên giá trị kinh tế không cao. Thế nhưng, trong những năm qua, nhờ đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thu nhập của người dân trong xã đã được nâng lên đáng kể, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo qua từng năm.

Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của xã là 3,69%. Từ những kết quả bước đầu, chính quyền xã sẽ tiếp tục chỉ đạo nhân dân đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới nhằm không ngừng nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người nông dân".

Phạm Hà

,