.

Lãng phí nhãn hiệu "Nước mắm Đồng Hới"!

.
07:54, Thứ Tư, 15/05/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Năm 2011, nhãn hiệu "Nước mắm Đồng Hới" chính thức được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận. Đến ngày 18-1-2020, nhãn hiệu này sẽ hết hạn được bảo hộ. Đã hơn 9 năm trôi qua, nhưng đến nay nhãn hiệu "Nước mắm Đồng Hới" vẫn chưa có cơ hội xuất hiện trên thị trường. Bên cạnh một số sản phẩm nước mắm tư nhân đã có nhãn hiệu riêng, sản phẩm nước mắm truyền thống của thành phố biển vẫn không có nhãn mác, tự mình đánh mất cơ hội xuất hiện ở các thị trường lớn tiềm năng và hầu như chỉ được biết đến qua cách thức "truyền miệng, trao tay".

Đã có nhãn hiệu tập thể
Đã có nhãn hiệu tập thể "Nước mắm Đồng Hới", nhưng nhiều sản phẩm nước mắm truyền thống vẫn "chịu cảnh" không nhãn mác trên thị trường.

Các sản phẩm của cơ sở sản xuất nước mắm "Dì Hạnh" (đường Lê Thành Đồng, phường Hải Thành, TP. Đồng Hới) đã có mặt trên thị trường từ nhiều năm nay.

Sở hữu cơ sở sản xuất nước mắm từ mẹ chồng, chị Nguyễn Thị Thảo luôn nỗ lực giữ hồn cốt của nước mắm truyền thống gia đình và chú trọng khâu an toàn thực phẩm. Mỗi năm, cơ sở của chị tiêu thụ 5 tấn cá nguyên liệu cho các sản phẩm, như: nước mắm, ruốc, cá khô, khuyếc…

Khách hàng chủ yếu là người dân địa phương và một số ít khách du lịch. Cách thức quảng bá của cơ sở thường là "hữu xạ tự nhiên hương". Sản phẩm nước mắm được đóng trong các chai tự chế, không nhãn mác. Và không chỉ nước mắm, nhiều sản phẩm khác của cơ sở này cũng được đóng gói, bảo quản trong tình trạng tương tự.

Chị Thảo cho biết, chị có nắm được thông tin về nhãn hiệu chứng nhận "Nước mắm Đồng Hới" và rất mong chờ được hỗ trợ để xây dựng nhãn hiệu cho sản phẩm. Chị bày tỏ sự lo lắng, thấp thỏm, bởi về lâu về dài, sản phẩm không có nhãn mác hay thiếu thương hiệu sẽ rất dễ bị làm giả, từ đó đánh mất niềm tin của người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Ngọc Thanh, Chủ tịch UBND phường Hải Thành cho biết, hiện phường có trên 120 hộ sản xuất nước mắm truyền thống, trong đó, có 2 cơ sở sản xuất quy mô lớn, còn lại chủ yếu theo quy mô nhỏ lẻ và hộ gia đình.

Phường Hải Thanh luôn tạo mọi điều kiện tối đa để bà con duy trì nghề truyền thống, tăng thêm thu nhập và có thêm sản phẩm phục vụ hoạt động du lịch. Đồng thời, phường cũng thường xuyên động viên, nhắc nhở bà con về khâu vệ sinh an toàn thực phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ…

Tuy nhiên, trên thực tế, sản phẩm nước mắm truyền thống của bà con chủ yếu không có nhãn mác, khách hàng là người địa phương, thân quen, số ít là khách du lịch được "truyền miệng" về chất lượng sản phẩm nên tìm đến đặt mua. Tình trạng này cũng rất phổ biến ở nhiều cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống trên địa bàn thành phố Đồng Hới.

Tại nhiều điểm bán hải sản phục vụ khách du lịch, sản phẩm nước mắm Đồng Hới cũng chỉ được đóng chai, không nhãn mác và người tiêu dùng yên tâm mua cũng chỉ vì "chữ tín" của người bán.

Theo thống kê của Cục Sở hữu trí tuệ, năm 2018, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình có hơn 40 nhãn hiệu đã được Cục cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu chứng nhận và nhãn hiệu tập thể. Hầu hết đó là các sản phẩm nổi tiếng của tỉnh, như: Mật ong Tuyên Hóa, rượu Tuy Lộc, rượu Võ Xá, khoai gieo Hải Ninh, nước mắm Nhân Trạch, nước mắm Quy Đức, nước mắm Đồng Hới, mây xiên Quảng Phương, bánh mè xát Tân An...

Việc được cấp văn bằng bảo hộ sở hữu trí tuệ đã góp phần tạo nên tên tuổi, uy tín cho sản phẩm, giúp các sản phẩm được người dân tin tưởng sử dụng, từ đó có tiềm năng phát triển ra các thị trường trong và ngoài tỉnh.

Thông qua việc thực hiện một dự án KHCN cấp quốc gia thuộc Chương trình Hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ (Chương trình 68), Sở KHCN đã hỗ trợ người dân địa phương xây dựng thành công nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm nước mắm Đồng Hới.

Dự án được kỳ vọng không chỉ giúp gìn giữ và nâng cao giá trị thương hiệu “nước mắm Đồng Hới”, mà còn hỗ trợ người sản xuất nước mắm ở địa phương chuyển đổi sang mô hình sản xuất hàng hóa tập trung, góp phần nâng cao thu nhập cho người lao động.

Tuy nhiên, đó chỉ là kỳ vọng trên giấy tờ, bởi trên thực tế, nhãn hiệu "Nước mắm Đồng Hới" dường như mất hút trên thị trường. Vậy là trong khi nhiều cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống trên địa bàn phải chịu cảnh sản phẩm không nhãn hiệu, đối mặt với nguy cơ làm nhái, làm giả, thì một nhãn hiệu đã được chứng nhận và bảo hộ lại không được sử dụng. Nói như ông Nguyễn Văn Bình, Phó Trưởng phòng Kinh tế thành phố Đồng Hới thì đây là một sự lãng phí vô cùng đáng tiếc.

Hiện tại, bên cạnh một số nhãn hiệu nước mắm đã có chỗ đứng trên thị trường như nước mắm Long Tám, các cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống trên địa bàn thành phố Đồng Hới vẫn đang "mạnh ai nấy chạy", chưa phát huy hiệu quả của nhãn hiệu chứng nhận này.

Ông Nguyễn Văn Bình cho biết thêm, do thiếu nguồn kinh phí hỗ trợ, thành phố gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình triển khai nhãn hiệu "Nước mắm Đồng Hới", nhưng trong thời gian tới, cùng với việc đẩy mạnh chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), nhiều địa phương sẽ chú trọng, đầu tư xây dựng sản phẩm nước mắm truyền thống, từ đó, nhãn hiệu chứng nhận này sẽ có cơ hội phát huy hiệu quả như các nhãn hiệu khác của tỉnh Quảng Bình

Trong bối cảnh nước mắm truyền thống đang chịu sự cạnh tranh khốc liệt của nước mắm công nghiệp, thành phố Đồng Hới rất cần một chiến lược dài hơi để bảo vệ nghề truyền thống này, đồng thời, mở ra nhiều cơ hội để sản phẩm nước mắm tiếp cận thị trường du lịch rộng lớn.Nước mắm là sản phẩm mang nhiều nét đặc thù, do đó, để nhãn hiệu "Nước mắm Đồng Hới" xác lập vị thế trên thị trường không phải là điều dễ dàng. Do đó, ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền để bà con nêu cao tinh thần trách nhiệm trong sản xuất, tạo ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn, chất lượng, chính quyền địa phương, các đơn vị liên quan cần có nhiều giải pháp hỗ trợ mạnh mẽ và có chiều sâu, trọng tâm hơn nữa, như: xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm…

Mai Nhân

,