.
Kỷ niệm 25 năm quan hệ hợp tác Việt Nam-IFAD

Đồng hành, tiếp sức cùng người nghèo vùng nông thôn

.
08:35, Thứ Ba, 21/05/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Hơn 20 năm đồng hành cùng nông dân Quảng Bình qua ba dự án: "Bảo tồn và phát triển tài nguyên nông nghiệp Quảng Bình" (ARCD), "Phân cấp giảm nghèo" (DPPR) và "Phát triển nông thôn bền vững vì người nghèo" (SRDP), Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế (IFAD) đã thực sự mang lại nguồn sinh khí mới, tiếp sức cho người nghèo vùng nông thôn trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế bền vững, góp phần xây dựng quê hương .

Dấu ấn ARCD

Đến với mảnh đất Quảng Bình đầy nắng gió và cát trắng từ năm 1997, thông qua dự án ARCD,IFAD đã tiếp thêm nguồn lực vô cùng quý giá cho người dân nghèo nông thôn Quảng Bình với 154/154 xã, phường, trong đó, 77 xã nghèo thuộc 7 huyện, thị xã của tỉnh được hưởng lợi.

Nhiều tổ hợp tác đã phát huy hiệu quả, phát triển các chuỗi giá trị mang lại lợi nhuận cao trong sản xuất.
Nhiều tổ hợp tác đã phát huy hiệu quả, phát triển các chuỗi giá trị mang lại lợi nhuận cao trong sản xuất.

Dự án ARCD được xem là một chương trình phát triển nông thôn toàn diện, xây dựng cơ sở hạ tầng đi đôi với nâng cao năng lực cho người dân hưởng lợi và cán bộ của các cơ quan quản lý, thực thi dự án. Trong bộn bề gian khó của cả tỉnh sau gần 10 năm tái lập, dự án ARCD đã mang lại sự đổi thay ngoạn mục trong sản xuất nông nghiệp cũng như đời sống của người nông dân.

Các hoạt động của dự án trải đều hầu như khắp toàn tỉnh với 402 lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, quản lý dịch hại tổng hợp IPM… cho 14.890 học viên; thiết lập hệ thống khuyến nông từ cấp xã lên đến cấp tỉnh; trồng cây cố định cát trên diện tích 5.008 ha/4.000 ha theo thiết kế ban đầu.

Đặc biệt, dự án đã để lại dấu ấn qua những tuyến đường huyết mạch liên xã, tạo nên sự thay đổi đáng kể cho bộ mặt nông thôn của tỉnh, như: tuyến đường Bảo Ninh-Võ Ninh, đường Sen Thủy-Ngư Thủy đưa ô tô về tận trung tâm xã, đường Ngầm Rinh-Thanh Liêm (Minh Hóa), đập Hoa Sen, Khe Sụ (Minh Hóa)...

Đây chính là những thành công lớn mà dự án ARCD Quảng Bình đã mang lại, góp phần xóa đói giảm nghèo, cải thiện an ninh lương thực, nâng cao thu nhập cho người dân; tạo tiền đề vững chắc cho quá trình xây dựng, phát triển nông nghiệp, nông thôn của tỉnh.

Tiếp sức cho người nghèo

Để tiếp tục phát huy hiệu quả và duy trì tính bền vững của dự án ARCD, IFAD lại tiếp tục gắn bó với người dân nông thôn Quảng Bình với một dự án mới-Dự án DPPR với những yêu cầu cao hơn, thúc đẩy mạnh hơn quá trình phân cấp, trao quyền cho cơ sở như đúng tên gọi của dự án.

Được triển khai từ tháng 8 năm 2005, thông qua 4 hợp phần, gồm: xây dựng năng lực cho quá trình phân cấp, hỗ trợ sản xuất, phát triển cơ sở hạ tầng thôn, bản quy mô nhỏ và quản lý dự án, Dự án DPPR đã huy động tối đa sự tham gia của người nghèo vào tất cả các hoạt động từ các nhóm tiết kiệm-tín dụng đến các mô hình trình diễn trồng trọt, chuyển giao khoa học công nghệ…

Ngoài ra, vấn đề giới đã được lồng ghép vào tất cả các hoạt động của dự án từ quy trình lập kế hoạch ở cấp thôn, bản với tỷ lệ khá cao phụ nữ tham gia vào các khóa tập huấn ở thôn, bản, các nhóm cộng đồng, nhóm tiết kiệm tín dụng và trong các ngành nghề nhận được hỗ trợ từ dự án.

Sau 5 năm triển khai, sự can thiệp của dự án đã mang lại tốc độ giảm nghèo nhanh trong vùng dự án với những con số ấn tượng: tỷ lệ nghèo đói giảm từ 43,57% (năm 2006) xuống còn 18,61% (năm 2011), tốc độ giảm nghèo đạt 5,1%/năm, trong khi tốc độ giảm nghèo toàn tỉnh giai đoạn này là 3,2%/năm; tỷ lệ hộ thiếu ăn giảm từ 48,7% xuống còn 26% trong cùng thời điểm tương tự; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng kinh niên giảm từ 44% xuống còn 33%. Một số hợp phần đã đạt kết quả vượt mục tiêu đề ra.

Dự án DPPR đã mang lại những tác động đáng kể đối với nền kinh tế-xã hội của tỉnh. Cùng với việc bảo đảm an ninh lương thực, tài sản vật chất, môi trường được cải thiện, các đối tượng hưởng lợi đặc biệt là hộ nghèo, phụ nữ và đồng bào dân tộc thiểu số được nâng cao năng lực, được trao quyền tham gia và quyết định những vấn đề kinh tế-xã hội ở địa phương.

Bên cạnh đó, dự án cũng đã mang lại sự thay đổi tích cực với việc giúp người nghèo tiếp cận gần hơn với thị trường, hình thành các cơ chế và dịch vụ đáp ứng nhu cầu của người nghèo, bước đầu đẩy mạnh các liên kết thị trường và hợp tác giữa các đối tác tư nhân và các trang trại. Dự án DPPR thực sự là bà đỡ để các hộ nông dân nghèo, phụ nữ, đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo nhanh và bền vững.

Những thành tựu vượt bậc

Quảng Bình đang ngày càng phát triển, nông nghiệp, nông thôn có nhiều đổi mới. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến khó lường, những thành quả của nông dân sau bao ngày khó khăn có thể mất trắng sau một cơn bão, lũ. Xuất phát từ thực tế nêu trên, một lần nữa, IFAD tiếp tục đồng hành với nông nghiệp, thôn thôn, nông dân Quảng Bình thông qua dự án SRDP, khởi động từ tháng 1 năm 2014.

Đây tiếp tục là giai đoạn mới nhằm duy trì, phát huy những thành quả đã đạt được, đồng thời, khắc phục kịp thời những khó khăn tồn tại từ dự án DPPR. Theo đó, mục tiêu của dự án là đầu tư vào các mô hình sản xuất kinh doanh có khả năng sinh lợi, tạo lập công bằng xã hội và thích ứng với biến đổi khí hậu, thúc đẩy các mối liên kết thị trường và chuỗi giá trị vì người nghèo ở nông thôn.

Điểm mới và định hướng xuyên suốt của dự án là tập trung các nguồn lực để đầu tư phát triển các chuỗi giá trị thông qua quá trình liên kết giữa doanh nghiệp đầu tàu và các tổ nhóm nông dân.

Qua 5 năm triển khai thực hiện trên địa bàn 40 xã thuộc 7 huyện, thị xã của tỉnh, với 4 hợp phần, dự án đã đạt được nhiều kết quả tích cực: tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo tại các xã thuộc vùng dự án giảm 20,06% (giảm trung bình 5,02%/năm trong khi tỷ lệ giảm nghèo bình quân toàn tỉnh giai đoạn này là 2,72%/năm).

Dự án cũng đã góp phần bảo đảm an ninh lương thực cho người dân với số hộ gia đình bị thiếu ăn trong vùng dự án giảm còn một nửa so với đầu kỳ; tỷ lệ trẻ em bị suy dinh dưỡng mãn tính giảm gần 1/3 so với đầu kỳ.

Sau 5 năm phối hợp thực hiện giữa Ban quản lý dự án SRDP và Sở Kế hoạch-Đầu tư, quy trình lập kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội theo định hướng thị trường (MoSEDP) đã được UBND tỉnh phê duyệt và chỉ đạo thể chế hóa trên địa bàn 159 xã/phường của tỉnh. Dự án đã hỗ trợ 17 doanh nghiệp/ HTX kết nối với 245 tổ hợp tác gồm 4.484 thành viên nông dân để phát triển các chuỗi giá trị, mở ra giai đoạn phát triển mới, tạo tiền đề cho việc thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”-OCOP.

Các dự án do IFAD tài trợ đã tạo ra sự đổi thay ngoạn mục trong sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân Quảng Bình.
Các dự án do IFAD tài trợ đã tạo ra sự đổi thay ngoạn mục trong sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân Quảng Bình.

Với sự hỗ trợ của Sở Nông nghiệp-PTNT, dự án SRDP đã xây dựng 8 chuỗi giá trị hỗ trợ người nghèo cấp tỉnh, 10 chuỗi giá trị cấp huyện và 141 chuỗi cấp xã. Đã có 677 THT và 11 HTX được thành lập trong giai đoạn này, trong đó có 230 THT và HTX với 3.103 hộ dân được nhận tài trợ từ dự án để đầu tư các mô hình nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu (CSA). Hạ tầng nông thôn vùng dự án đổi thay tích cực với 92 công trình kênh mương, đường giao thông, chợ… được đầu tư phục vụ phát triển các chuỗi giá trị.

Thông qua Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển, 248 nhóm tiết kiệm tín dụng, 77 nhóm tiết kiệm vay vốn thôn bản đã được thành lập với 4.867 thành viên chủ yếu là phụ nữ; giải ngân 41,78 tỷ đồng cho 7.556 hộ nông dân vùng dự án để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Mặc dù thiết kế ban đầu của Dự án SRDP là khá tham vọng và phức tạp, nhưng với sự nỗ lực và kinh nghiệm của đội ngũ cán bộ dự án, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, ban, ngành các cấp, chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể, dự án đã thực hiện tốt các mục tiêu chính với khối lượng công việc được hoàn thành khá lớn.

Trong đó, điểm thành công là kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương được xây dựng có tính khả thi cao, hợp lòng dân; cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, phát triển các chuỗi giá trị được cải thiện đáng kể; người dân đã quen dần với cách thức sản xuất đáp ứng nhu cầu của thị trường, nhiều THT đã phát huy hiệu quả, mang lại lợi nhuận cao trong sản xuất… Dự án SRDP tỉnh Quảng Bình đã được Nhà tài trợ IFAD đánh giá hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, nội dung đề ra, nhiều chỉ tiêu đạt được ngoài sức mong đợi.

Trải qua hơn 20 năm triển khai trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, các dự án do IFAD tài trợ đã mang lại những thành tựu quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân của tỉnh . Đây thực sự là “nguồn lực quý” góp phần để Quảng Bình giảm nghèo nhanh,bền vững, tiến xa hơn nữa trên con đường hội nhập và phát triển.

Thanh Hải

,