.

Kiểm toán 15 dự án BT, BOT, kiến nghị tài chính hàng nghìn tỷ đồng

.
17:32, Thứ Hai, 20/05/2019 (GMT+7)

Kết quả kiểm toán 8 dự bán BOT cho thấy, hầu hết các dự án thực hiện chỉ định nhà đầu tư, chỉ định nhà thầu thi công; xác định sai, tăng tổng mức đầu tư.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)
Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị giảm thời gian thu phí hoàn vốn của 7/8 dự án BOT là hơn 16 năm. Trong khi ấy, với các dự án BT, cơ quan kiểm toán đã kiến nghị xử lý hàng nghìn tỷ đồng.

Đây là những đánh giá vừa được Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc nêu lên trong báo cáo kết quả kiểm toán năm 2018 chiều 20-5.

Hàng trăm tỷ đồng nghiệm thu, thanh toán sai

Theo kết quả kiểm toán 8 dự bán BOT, hầu hết các dự án thực hiện chỉ định nhà đầu tư, chỉ định nhà thầu thi công; xác định sai, tăng tổng mức đầu tư. Ví dụ, dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Việt Trì - Ba Vì nối Quốc lộ 32 với Quốc lộ 32C theo hình thức hợp đồng BOT đã tăng 20,17 tỷ đồng. Hoặc dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 18 đoạn Bắc Ninh - Uông Bí theo hình thức hợp đồng BOT cũng tăng mức đầu tư là 98,7 tỷ đồng,…

Cũng theo Kiểm toán Nhà nước, có tình trạng phê duyệt dự án có sử dụng vốn hỗ trợ từ nguồn trái phiếu Chính phủ không đúng nội dung được sử dụng theo Nghị quyết.

Đáng chú ý, theo Kiểm toán Nhà nước, các dự án sử dụng doanh thu từ trạm thu phí bổ sung vốn chủ sở hữu Nhà đầu tư trong giai đoạn thi công dự án chưa hợp lý, đơn cử là "Dự án tuyến cao tốc Bắc Giang - thành phố Lạng Sơn đoạn Km45+100 - Km108+500, kết hợp tăng cường mặt đường Quốc lộ 1 đoạn Km1+800 - Km106+500, tỉnh Bắc Giang và tỉnh Lạng Sơn theo hình thức hợp đồng BOT."

Phía Kiểm toán Nhà nước chỉ ra việc chưa quy định khung giá vé đối với dự án đầu tư của công trình đường, cầu đường bộ, hầm đường bộ. Cái tên được nhắc tới là Dự án đầu tư xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả - Quốc lộ 1, tỉnh Phú Yên và tỉnh Khánh Hòa theo hình thức hợp đồng BOT, BT.

Với tình trạng nghiệm thu, thanh toán sai, báo cáo tổng kết, kết quả kiểm toán các dự án BOT trong năm 2018 đã giảm trừ chi phí đầu tư thực hiện 836,4 tỷ đồng, gồm: Sai khối lượng 115,4 tỷ đồng, sai đơn giá 228,2 tỷ đồng và sai khác 492,8 tỷ đồng.

Qua đó, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị giảm thời gian thu phí hoàn vốn của 7/8 dự án là 16,2 năm so với phương án tài chính ban đầu và giảm giá trị đầu tư 1.059 tỷ đồng.

Có dự án BT bị kiến nghị xử lý 29% giá trị

Ở hướng khác, với kết quả kiểm toán 7 dự án BT, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc đánh giá, các dự án BT thực chất là sử dụng nguồn lực ngân sách Nhà nước thuộc nhiệm vụ chi ngân sách của các cấp chính quyền. Tuy nhiên, việc không quy định đây phải là dự án cần thiết, thực sự cấp bách là chưa phù hợp với các quy định hiện hành.

Kiem toan 15 du an BT, BOT, kien nghi tai chinh hang nghin ty dong hinh anh 2Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)

Theo ông, hầu hết các dự án chỉ định thầu, đề xuất dự án không thông qua hội đồng nhân dân. Ví dụ được nêu lên là Dự án giải quyết ngập do triều khu vực Thành phố Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1).

Kiểm toán Nhà nước đánh giá, việc lựa chọn nhà đầu tư thiếu năng lực tài chính (dự án xây dựng tuyến đường từ đường Lê Đức Thọ đến khu đô thị mới Xuân Phương), thiết kế dự toán không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt là nguyên nhân gây thất thoát ngân sách lớn.

Báo cáo kiểm toán nhắc tới trường hợp, có hợp đồng ký sai quy định gây thất thoát ngân sách Nhà nước như dự án giải quyết ngập do triều khu vực Thành phố Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1).

Cụ thể, nội dung phụ lục hợp đồng xác định giá trị quyết toán dự án nhà đầu tư chuyển nhượng cho Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh không bao gồm thuế giá trị gia tăng. Việc này chưa phù hợp quy định hiện tại dẫn đến thiếu số thuế giá trị gia tăng đầu ra phải nộp vào ngân sách đến 31-12-2017 là 282,9 tỷ đồng.

Ngoài ra, phía Kiểm toán Nhà nước chỉ ra, việc giao đất chỉ định cho nhà đầu tư là trái với quy định của Luật đất đai. Chưa kể, việc không quy định cụ thể thời điểm giao đất dẫn đến có dự án được giao đất trước khi thực hiện dự án BT, có dự án được giao đất trong khi thực hiện dự án BT hoặc có dự án đã hoàn thành nhưng chưa giao đất.

Báo cáo nêu lên, việc tạm tính tiền sử dụng đất để xác định giá trị đối ứng khi giao đất cho dự án BT tại thời điểm thực hiện dự án BT dễ dẫn đến thất thoát ngân sách.

Ví dụ, tại dự án Xây dựng tuyến đường từ đường Lê Đức Thọ đến Khu đô thị mới Xuân Phương, do tạm xác định theo tổng mức đầu tư được duyệt nên giá trị hợp đồng BT thường cao hơn thực tế thực hiện. Thời gian thi công các dự án BT dài và tiền sử dụng đất tạm tính chưa sát nên tiền sử dụng đất Nhà đầu tư phải nộp ngân sách tại thời điểm thực hiện dự án thường thấp hơn giá trị khi quyết toán công trình BT.

Qua kiểm toán, cơ quan chức năng đã kiến nghị xử lý tài chính 2.938 tỷ đồng, trong đó có dự án tỷ lệ xử lý tài chính lên đến 29% giá trị được kiểm toán (dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Lê Đức Thọ đến khu đô thị mới Xuân Phương với tổng kiến nghị xử lý tài chính 391,6 tỷ đồng).

Theo Nhóm P.V (Vietnam+)

,