.

Khẩn trương phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi

.
08:48, Thứ Tư, 22/05/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Hiện nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã xuất hiện tại hai tỉnh miền Trung: Hà Tĩnh và Quảng Trị. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh… Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật tỉnh đã triển khai tích cực, đồng bộ, kịp thời các giải pháp phòng, chống bệnh DTLCP từ cấp tỉnh đến các địa phương.

Thời gian qua, trước tình hình bệnh DTLCP diễn biến phức tạp tại các tỉnh, thành phố trong cả nước, tỉnh Quảng Bình đã tích cực thực hiện tốt các biện pháp phòng, ngừa dịch bệnh trên toàn tỉnh.

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật tỉnh đã kịp thời ban hành các quyết định, kế hoạch, công điện, văn bản, hướng dẫn… chỉ đạo, thực hiện phòng, chống DTLCP. UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT, các địa phương đã tổ chức các hội nghị, họp ban chỉ đạo, tập huấn cấp tỉnh, cấp huyện triển khai công tác phòng, chống DTLCP.

Đặc biệt, tỉnh Quảng Bình đã thành lập 4 chốt kiểm dịch tạm thời (tại quốc lộ 1A và đường mòn Hồ Chí Minh) nhằm kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra, vào và đi qua địa bàn tỉnh.

Từ ngày 10-3-2019 đến nay, các chốt đã hoạt động hiệu quả, kịp thời phát hiện các trường hợp vi phạm trong vận chuyển động vật, sản phẩm động vật góp phần hạn chế dịch bệnh lây lan từ các địa phương có dịch vào địa bàn tỉnh.

Ông Trần Công Tám, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết, thời gian qua, các chốt kiểm dịch động vật tạm thời đã phát huy tốt hiệu quả hoạt động. Các chốt đã kiểm tra, kiểm soát và thực hiện phun tiêu độc khử trùng cho khoảng 1.387 xe vận chuyển lợn ra, vào và đi qua địa bàn tỉnh.

Công tác kiểm tra, kiểm soát được lực lượng chức năng thực hiện nghiêm túc tại các chốt kiểm dịch động vật tạm thời.
Công tác kiểm tra, kiểm soát được lực lượng chức năng thực hiện nghiêm túc tại các chốt kiểm dịch động vật tạm thời.

Trường hợp vận chuyển vào địa bàn tỉnh, chốt thông báo cho các địa phương, đơn vị nơi đến để tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện sớm các trường hợp lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh. Qua kiểm tra, các chốt đã phát hiện và xử phạt 1 trường hợp vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y (xe vận chuyển lợn không rõ nguồn gốc xuất xứ) và buộc kiểm dịch lại.

Cùng với việc tăng cường kiểm soát tại các chốt kiểm dịch động vật tạm thời, các địa phương trong toàn tỉnh cũng đã triển khai, thực hiện tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng, cấp phát hóa chất, áo quần chống dịch khi dịch bệnh xảy ra. Đến nay, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã cấp cho các địa phương 10.000 lít hóa chất khử trùng tiêu độc môi trường chăn nuôi và 700 bộ áo quần chống dịch.

UBND tỉnh Quảng Bình đã cấp kinh phí phục vụ công tác phòng, chống bệnh DTLCP; Sở Nông nghiệp và PTNT thành lập đoàn công tác kiểm tra đôn đốc, hướng dẫn công tác phòng, chống DTLCP; Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cũng thành lập 2 đội ứng phó nhanh phòng, chống DTLCP (phản ứng kịp thời khi có thông báo lợn ốm; phối hợp với các địa phương giám sát, nắm thông tin từ cơ sở, báo cáo kịp thời cho cấp trên nếu phát hiện lợn ốm, nghi mắc bệnh, chết)…

Quảng Bình là tỉnh giáp với các địa phương đang có dịch. Tỉnh có nhiều tuyến quốc lộ đi qua, nhiều đường mòn, lối mở; hoạt động giao thương buôn bán động vật, sản phẩm động vật thường xuyên. Bên cạnh đó, số lượng các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ khá lớn, mật độ chăn nuôi đan xen trong các khu dân cư cao…

Do đó, nguy cơ tiềm ẩn của DTLCP rất lớn, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật tỉnh tiếp tục ban hành công văn chỉ đạo các ngành, địa phương tích cực phòng, chống DTLCP. Ban chỉ đạo đã thành lập các đoàn kiểm tra đôn đốc, nhắc nhở UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống DTLCP.

Ông Trần Công Tám cho biết, thực hiện công văn chỉ đạo của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật tỉnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh tiếp tục phối hợp với các địa phương, lực lượng liên quan duy trì các chốt kiểm dịch động vật tạm thời trên tuyến Quốc lộ 1A để kiểm tra, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra, vào địa bàn.

Các hoạt động tuyên truyền, tập huấn được tăng cường nhằm nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho hệ thống thú y cơ sở trong việc phòng, chống dịch bệnh động vật; giúp người dân kịp thời nắm thông tin về tình hình dịch bệnh để nghiêm túc phòng, chống; không để người dân chủ quan, lơ là với dịch bệnh…

Lê Mai

,