.

Đại biểu Quốc hội: Nên để giá điện 4 bậc để chia sẻ với người dân

.
14:55, Thứ Tư, 22/05/2019 (GMT+7)

Người dân đang chịu nhiều áp lực: một là giá điện tăng 8,36%, hai là điện sử dụng nhiều hơn, ba là bậc thang tính giá điện sinh hoạt, dùng càng nhiều giá điện càng cao.

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân, đoàn Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân, đoàn Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân cho rằng, người dân đang phải chịu nhiều áp lực cùng lúc khi giá điện tăng. Ông đề xuất nên điều chỉnh cách tính giá điện từ 6 bậc hiện tại về 4 bậc để chia sẻ với người dân.

Bên lề kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, phóng viên Báo điện tử VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) sáng 22-5 về vấn đề đang nhận được nhiều sự quan tâm này.

- Thời gian gần đây, người dân rất quan tâm tới vấn đề giá điện. Ông đánh giá sao về tình hình hiện tại?

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân: Trước hết ta phải thể hiện vui mừng trước các thành tựu kết quả năm 2018 và những tháng đầu năm 2019. Lâu rồi ta mới tăng trưởng hơn 7%.

Thế nhưng người dân thường không quá quan tâm GDP tăng trưởng bao nhiêu phần trăm mà là giá điện, giá sinh hoạt hàng ngày và chất lượng cuộc sống ra sao. Thời gian qua, Chính phủ đã có tổ chức xem xét, nghiên cứu trước khi quyết định điều chỉnh với các mặt hàng điện, xăng dầu, dịch vụ y tế, giáo dục.

Tuy nhiên, điều lo ngại là những tháng đầu năm có những chuyển biến khó lường nhất là giá điện. Giá điện dự kiến đã tăng từ năm 2018 nhưng để bình ổn định kinh tế vĩ mô thì ta không điều chỉnh. Cuối tháng Ba vừa qua ta mới điều chỉnh 8,36%.

Nhưng việc điều chỉnh rơi vào thời điểm khí hậu nóng. Thế nên, người dân chịu nhiều áp lực, một là giá điện tăng 8,36%, hai là điện sử dụng nhiều hơn, ba là bậc thang tính giá điện sinh hoạt, dùng càng nhiều giá điện càng cao. Đó là những điều gây nên những cú sốc trong hóa đơn tiền điện thời gian qua.

Chính phủ đã lập các đoàn thanh tra và ngành điện cũng đã có giải thích.

- Trong quá trình tiếp xúc cử tri, ông đã nhận được những chia sẻ ra sao về vấn đề giá điện, thưa ông?

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân: Trong quá trình tiếp xúc cử tri, tôi thấy cử tri chia sẻ khó khăn ngành điện nhưng cũng nêu việc cần điều chỉnh bậc thang tính giá điện. Ví dụ, ta tính bậc 1 chỉ từ 0 đến 50 kWh mà tính giá 1.678 đồng, từ 51 kWh lại tính giá cao hơn. Tôi nghĩ với điều kiện sinh sống người dân hiện nay, theo tôi nên thay đổi cách tính bậc thang giá điện hiện nay, chỉ nên để 4 bậc. Ở nước ngoài, hiện Nhật Bản và Hàn Quốc chỉ có 3 bậc, Indonesia và Malaysia để 5 bậc...

Ta nên gộp bậc 1 và 2 thành 1 bậc và áp dụng giá điện của bậc 1. Như thế người dân không bị thiệt hại gì. Đó cũng là mức có thể chia sẻ.

- Với xăng, dầu thì sao thưa ông, ông lo ngại gì khi mặt hàng vẫn đang tăng cao?

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân: Đầu năm nay, giá dầu thô chỉ khoảng 42 USD/thùng nhưng hiện đã là 62 USD/thùng, tức là giá dầu thô tăng hơn 30%. Vì thế chúng ta buộc phải điều chỉnh giá xăng dầu theo thị trường.

Quan trọng là hiệu ứng vòng 2, tức là hiệu ứng domino của điều chỉnh giá điện, xăng dầu tới các mặt hàng giá cả khác, có thể tạo ra lạm phát trong tâm lý.

Ngoài ra, ta còn vấn đề lo ngai là nếu tình hình Mỹ và Iran căng thẳng hơn thì nguồn cung dầu trên thế giới biến động và giá dầu thô tăng đột biến. Vì thế, ta cần có kịch bản trước về vấn đề này.

Theo tôi, Chính phủ cần sự phối hợp nhịp nhàng hơn nữa trong điều hành giá xăng, giá điện.

Ngoài ra, theo tôi, người dân cũng cần hết sức bình tĩnh, tin vào kinh nghiệm điều hành kiểm soát lạm phát ở Việt Nam.

Chỉ số giá tiêu dùng của Việt Nam dựa vào rổ hàng hóa 11 nhóm hàng với khoảng 500 mặt hàng. Tuy nhiên, trong số này, nhóm dịch vụ ăn uống chiếm tỷ trọng cao nhất. Thời gian qua, giá điện, xăng lên nhưng giá lương thực giảm. Vì thế CPI những tháng đầu năm vẫn được kiểm soát dưới 3%.

Theo Nhóm P.V (Vietnam+)

,