.

Không "quay lưng" với thịt lợn sạch

.
08:37, Thứ Năm, 18/04/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Sau hơn 2 tháng, dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã xuất hiện ở 23 tỉnh, thành phố, gần Quảng Bình có tỉnh Quảng Trị và Nghệ An. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động và triển khai quyết liệt các giải pháp ngăn chặn nên Quảng Bình chưa xảy ra DTLCP. Tuy nhiên, DTLCP ở các tỉnh, thành đã khiến việc tiêu thụ thịt lợn ở các chợ trên địa bàn Quảng Bình chậm lại. Các cơ quan chức năng khuyến cáo, người dân nên có cách nhìn đúng đắn, hãy là người tiêu dùng thông thái để không “quay lưng” với thịt lợn sạch.

DTLCP ảnh hưởng đến thị trường thịt lợn

Theo khảo sát tại các chợ trung tâm trên địa bàn tỉnh, như: chợ Đồng Hới, chợ Nam Lý, chợ Hoàn Lão, chợ Ba Đồn…, số lượng thịt lợn bán tại các chợ những tuần qua giảm đáng kể so với trước đó. Các tiểu thương cho biết, số lượng thịt lợn bán ra mỗi ngày giảm từ 20-40%.

Công tác phun tiêu độc khử trùng, phòng ngừa dịch bệnh được các địa phương thực hiện tốt.
Công tác phun tiêu độc khử trùng, phòng ngừa dịch bệnh được các địa phương thực hiện tốt.

Chị Nguyễn Thị Thiết, một tiểu thương bán thịt lợn ở chợ Đồng Hới, cho biết: “Trước đây, mỗi ngày tôi bán hết 1 con lợn, nhưng từ khi có thông tin về DTLCP, nhiều người dân tỏ ra lo lắng, không dám sử dụng thịt lợn.

Mỗi ngày, tôi chỉ lấy nửa con lợn về bán, có ngày bán không hết phải đưa về dùng dần”. Cũng giống chị Thiết, nhiều chị em tiểu thương bán thịt lợn ở chợ Ba Đồn cũng rơi vào khó khăn, mỗi ngày họ chỉ bán được khoảng 10-15 kg thịt (giảm hơn 1 nửa so với trước). Nhiều sạp thịt lợn phải tạm thời nghỉ bán vì không có lời.

Trong khi đó, nhiều người mua tin tưởng hơn vào công tác kiểm dịch cũng như bảo quản thịt lợn tại các siêu thị, nên sức mua của mặt hàng này tại các siêu thị vẫn được duy trì. Tuy nhiên, theo quản lý các siêu thị, sức mua thịt lợn của người dân giảm đáng kể, đặc biệt là đơn hàng cung cấp cho các trường học.

Sức mua giảm khiến việc bán lợn của các trang trại trên địa bàn tỉnh cũng bị ảnh hưởng. Chia sẻ với chúng tôi, anh Hoàng Văn Long, chủ trang trại lợn ở xã Quảng Tiên (TX. Ba Đồn) cho hay: “Những ngày đầu, khi DTLCP bắt đầu xuất hiện ở các tỉnh, thành phía Bắc, mặc dù được phòng, ngừa chặt chẽ, đàn lợn ở trang trại vẫn không được các thương lái hỏi mua.

Sau khoảng 1 tuần, các thương lái đến mua nhưng giá thịt lợn chỉ có 35.000 đồng/kg thịt hơi. Tình thế bắt buộc nên gia đình tôi phải bán lứa lợn với khoảng 50 con, giờ giá lợn đã tăng lên khoảng 45.000 đồng/kg thịt hơi, nhưng gia đình không còn lợn để bán. Tính ra, gia đình tôi bị thua lỗ gần 50 triệu đồng”.

Quảng Bình chưa có DTLCP

Trước tình hình DTLCP xuất hiện ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước, thời gian qua, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã khẩn trương triển khai các biện pháp cụ thể, kịp thời để phòng, ngừa dịch bệnh, bảo đảm an toàn cho đàn lợn.

Cụ thể, Chi cục đã cung ứng 10.000 lít hóa chất tiêu độc khử trùng các loại để các địa phương chủ động phục vụ công tác phòng chống DTLCP. Tại các trang trại, gia trại lợn, người chăn nuôi cũng chủ động thực hiện tiêm phòng, vệ sinh, tiêu độc hệ thống chuồng trại, khu vực xung quanh vùng nuôi, mua thêm hóa chất, vôi bột... để ngăn ngừa dịch bệnh.

Bên cạnh đó, công tác kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển được Chi cục chú trọng thực hiện nghiêm; kiểm dịch tận gốc, kiểm soát chặt chẽ động vật, góp phần quản lý dịch bệnh, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Chi cục cũng thường xuyên cập nhật tình hình bệnh DTLCP, hướng dẫn, khuyến cáo người dân dấu hiệu nhận biết và biện pháp phòng, chống khi có dịch bệnh xảy ra. UBND tỉnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã thành lập đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh tại các địa phương, nhất là vùng biên giới, vùng giáp ranh với tỉnh khác và vùng nguy cơ cao.

Các lực lượng chức năng tăng cường phối hợp, giám sát chặt chẽ hoạt động buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; kiểm soát 24/24 giờ hoạt động vận chuyển động vật, sản phẩm động vật tại 4 chốt kiểm dịch động vật tạm thời (chốt trên quốc lộ 1A tại xã Sen Thủy, huyện Lệ Thủy và xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch; chốt trên đường Hồ Chí Minh tại xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy và xã Hương Hóa, huyện Tuyên Hóa). Đặc biệt, ngăn chặn lợn và các sản phẩm lợn từ các tỉnh đang có bệnh DTLCP vào địa bàn tỉnh...

Ngày 12-4-2019, trao đổi với chúng tôi, ông Trần Công Tám, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú ý tỉnh cho biết: “Đến tại thời điểm này, chúng tôi khẳng định Quảng Bình chưa ghi nhận bệnh DTLCP và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác trên đàn lợn”.

Hãy dùng thịt lợn sạch, rõ nguồn gốc

Bên cạnh những người còn e ngại khi sử dụng thịt lợn, vẫn có nhiều người tiêu dùng đã hiểu rõ tình hình diễn biến DTLCP và yên tâm tìm mua thịt lợn có nguồn gốc rõ ràng. Chị Nguyễn Thị Hương, phường Đức Ninh, TP. Đồng Hới, cho biết: “Qua tìm hiểu, tôi được biết bệnh DTLCP không gây hại đến sức khỏe con người, mà tỉnh ta cũng chưa có dịch bệnh này.

Do đó, gia đình tôi vẫn sử dụng thịt lợn bình thường. Tôi thường chọn mua thịt lợn có đóng dấu kiểm dịch của cơ quan thú y, thịt có nguồn gốc rõ ràng nên không sợ lợn bị dịch bệnh”.

Cũng sử dụng thịt lợn bình thường như chị Hương, anh Lê Minh Toàn, phường Bắc Lý, TP. Đồng Hới, cho biết: “Bún giò là món ăn yêu thích của tôi mỗi buổi sáng. Tuy nhiên, từ ngày có thông tin về DTLCP, các quán ăn trên địa bàn hầu như không đưa thịt lợn vào thực đơn của mình với lý do khách hàng không dám ăn, do đó, để tìm mua tô bún giò thời điểm này là rất khó. Theo tôi, các quán cứ chọn nguồn cung cấp thịt lợn bảo đảm thì khách hàng sẽ yên tâm sử dụng”.

Với công tác phòng, ngừa DTLCP được thực hiện tốt trên địa bàn tỉnh và DTLCP ở các tỉnh, thành phố cũng đang dần được khống chế, thị trường thịt lợnđang dần khởi sắc. Chị Nguyễn Thị Thiết, tiểu thương bán thịt lợn tại chợ Đồng Hới cho biết: “Để được đưa vào bán trong chợ, thịt lợn phải được lực lượng kiểm dịch kiểm tra chặt chẽ từ khâu giết mổ, đóng dấu kiểm dịch… nên thịt luôn bảo đảm chất lượng. Những ngày gần đây, số lượng khách hàng mua thịt lợn tại chợ cũng đã tăng lên nhiều so với trước đó”.

Hoạt động mua, bán thịt lợn tại chợ Phú Quý, thị trấn nông trường Việt Trung, huyện Bố Trạch đã bình thường trở lại.
Hoạt động mua, bán thịt lợn tại chợ Phú Quý, thị trấn nông trường Việt Trung, huyện Bố Trạch đã bình thường trở lại.

Tại chợ Phú Quý, thị trấn nông trường Việt Trung, huyện Bố Trạch, các sạp bán thịt lợn đều có người bán, người mua. Chị Hiệu, một người bán thịt lợn lâu năm ở chợ cho hay: “Cách đây khoảng 1 tháng, cả chợ chỉ có khoảng 4-5 sạp bán thịt lợn, còn lại bán thịt bò hoặc bỏ trống. Mấy tuần nay, người dân đã mua thịt lợn trở lại, các sạp bán thịt đều hoạt động bình thường.

Riêng gia đình tôi, mỗi ngày bán trung bình hết 1 con lợn. Giá thịt lợn bán từ 80.000 đồng-100.000 đồng/kg tùy loại, không giảm so với thời điểm DTLCP chưa xuất hiện ở Việt Nam, bởi giá lợn mua vào cũng không giảm”.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế khẳng định, DTLCP không có khả năng lây sang người nên người tiêu dùng không nên lo sợ, không nên tẩy chay sản phẩm thịt lợn.

Theo ông Phu, DTLCP có tác nhân gây bệnh là virus, khác hoàn toàn với bệnh tả ở người là một bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa do vi khuẩn. Kể cả khi người phơi nhiễm với sản phẩm động vật nhiễm bệnh không được nấu chín cũng không có nguy cơ lây nhiễm bệnh tả lợn sang người.

Ông Trần Công Tám, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cũng đã khẳng định, đến nay, Quảng Bình chưa ghi nhận bệnh DTLCP, công tác kiểm soát an toàn dịch bệnh tại các lò mổ, các chợ được đẩy nhanh và chặt chẽ. Đây là thông tin đáng mừng cho người nuôi và kinh doanh lợn để có thể nhanh chóng khôi phục sản xuất, người tiêu dùng yên tâm sử dụng thịt lợn sạch, rõ nguồn gốc.

Lê Mai
 

,