.

Phòng, chống dịch tả lợn châu Phi: Không nên "tẩy chay" thịt lợn

.
08:36, Thứ Bảy, 16/03/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Mặc dù Quảng Bình vẫn chưa bị dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) xâm nhập, nhưng trước những thông tin trên các phương tiện truyền thông đại chúng và mạng xã hội, người dân trong tỉnh đã nâng cao cảnh giác. Tuy nhiên, việc nắm bắt thông tin chưa đầy đủ, chính xác đã khiến nhiều người tiêu dùng “tẩy chay” thịt lợn, ảnh hưởng lớn đến việc kinh doanh trên địa bàn.

Dạo quanh một vòng các chợ tại thành phố Đồng Hới, có thể thấy tình hình tiêu thụ thịt lợn đang giảm mạnh. Chợ Đồng Mỹ với 15 quầy thịt nay giảm xuống còn 3 quầy nhưng số lượng tiêu thụ mỗi quầy cũng chưa đạt 50% so với thường ngày. Chị Nguyễn Thị Thanh, tiểu thương kinh doanh thịt lợn tại đây cho biết: "Sau hơn 1 tuần cố gắng duy trì việc kinh doanh, đến thời điểm này, tôi chấp nhận tạm nghỉ vì ế ẩm.

Các sản phẩm thịt lợn bày bán ở siêu thị Co.opMart Quảng Bình.
Các sản phẩm thịt lợn bày bán ở siêu thị Co.opMart Quảng Bình.

Mặc dù thịt chúng tôi lấy từ lò mổ, được cơ quan thú y đóng dấu kiểm dịch, nhưng do người tiêu dùng hoang mang trước những thông tin về DTLCP nên hầu hết đều tạm ngừng ăn thịt. Số khách hàng còn lại chủ yếu là những người nắm vững thông tin liên quan đến DTLCP qua những kênh chính thống nên họ hiểu và không quá lo lắng, nhưng số này không nhiều.

Cùng với sự lo lắng, nắm bắt thông tin thiếu đầy đủ, việc một số tiểu thương kinh doanh các mặt hàng hải sản, gà vịt… cũng tranh thủ tuyên truyền sai lệch về DTLCP nhằm thu hút thêm khách hàng cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng sụt giảm mạnh việc tiêu thụ thịt lợn. Chúng tôi cũng không biết đến bao giờ việc kinh doanh mới có thể phục hồi".

Tại các chợ nông thôn, tình hình cũng tương tự. Chị Đồng Thị Thuỷ (xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch) cho biết: "Trước những thông tin về DTLCP, khi đi chợ, tôi cũng lựa chọn, đắn đo. Tôi chỉ mua thịt ở những người quen tôi có thể xác định được nguồn gốc của thịt. Những quầy hàng khác, dù giá rẻ chỉ bằng một nửa ngày thường, tôi cũng không mua.

Chợ Cảnh Dương là một trong những chợ lớn ở khu vực Roòn, lượng hàng hóa nói chung, thịt lợn nói riêng, được tiêu thụ khá lớn nên hiện tại, bên cạnh những tiểu thương kinh doanh ở chợ, còn có một số lượng lớn người dân ở các xã lân cận mang thịt về bán. Mặc dù số thịt này đã được đóng dấu kiểm dịch, nhưng nhiều người vẫn không dám mua. Vì vậy, giá thịt có khi chưa đến 50.000 đồng/kg.

Không chỉ người dân e ngại trước DTLCP, nhiều nhà hàng, quán ăn ở thành phố Đồng Hới đã loại thịt lợn ra khỏi thực đơn. Tại Trường mẫu giáo Làng trẻ em SOS Đồng Hới, thực đơn của các cháu đang tạm thời loại bỏ thịt lợn, thay thế bằng các loại thịt khác, như: bò, gà, ngan…

Việc người dân hoang mang trước DTLCP và “tẩy chay” thịt lợn là khó tránh khỏi. Để bảo đảm nguồn thịt lợn sạch đáp ứng nhu cầu và tạo sự yên tâm cho khách hàng, Siêu thị Vinmart Quảng Bình đã lấy mẫu thịt lợn đi kiểm tra.

Ông Nguyễn Trung Đạo, Giám đốc Vinmart Quảng Bình cho biết: "Ngày 10-3, chúng tôi đã tạm ngừng nhập một lô hàng thịt lợn, sau đó lấy mẫu đi xét nghiệm tại phòng kiểm nghiệm chất lượng của công ty tại Hà Nội. Sau khi có kết quả an toàn, việc kinh doanh thịt lợn tại siêu thị tiếp tục trở lại như bình thường".

Những quầy hàng thịt đìu hiu vắng khách tại chợ Đồng Mỹ.
Những quầy hàng thịt đìu hiu vắng khách tại chợ Đồng Mỹ.

Tại siêu thị Co.opMart Quảng Bình, các mặt hàng thịt lợn vẫn được bày bán và người tiêu dùng tiếp nhận. Chị Nguyễn Thị Huệ, phường Đồng Mỹ cho biết: "Mặc dù vẫn lo lắng trước tình trạng DTLCP, nhưng tôi vẫn tin cậy các sản phẩm được đóng dấu kiểm dịch và bán ở siêu thị. Nếu trước đây, tôi vẫn mua thịt ở chợ và thỉnh thoảng mua ở những hàng thịt bên đường, thì nay lựa chọn của tôi là mua ở chợ hoặc siêu thị, dứt khoát nói không với những hàng thịt lưu động!".

Trao đổi về những vấn đề cần lưu ý đối với người dân khi sử dụng thịt lợn trong giai đoạn đang diễn ra DTLCP, ông Mai Văn Minh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT cho biết, DTLCP chủ yếu gây thiệt hại trên đàn lợn, ảnh hưởng đến hoạt động chăn nuôi của người dân. Bệnh không lây qua người nên không đáng lo.

Để bảo đảm an toàn, người dân cần mua thịt lợn ở những địa chỉ tin cậy, được đóng dấu kiểm dịch của cơ quan thú y. Hiện tại, công tác phòng chống DTLCP đang được tỉnh triển khai quyết liệt với sự hỗ trợ của Bộ Nông nghiệp-PTNT. Hai chốt kiểm dịch được thành lập, “án ngữ” lối vào Quảng Bình tại xã Quảng Phú (huyện Quảng Trạch) và xã Hương Hóa (huyện Thanh Hóa).

Những trạm kiểm dịch này có chức năng kiểm soát, ngăn chặn DTLCP xâm nhập Quảng Bình và các tỉnh phía nam. Người dân không nên quá lo lắng về DTLCP, từ đó “tẩy chay” thịt lợn, gây thêm khó khăn và áp lực lớn đối với người chăn nuôi!

Ngọc Mai
 

,