.

Công tác giảm nghèo ở Minh Hóa: Xóa dần tư tưởng "trông chờ, ỷ lại"

.
08:08, Thứ Năm, 14/03/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Là một trong những huyện nghèo đang được thụ hưởng các chính sách từ Nghị quyết 30a của Chính phủ, những năm gần đây, Minh Hóa đã nỗ lực lồng ghép các chương trình, dự án và huy động nhiều nguồn lực để hỗ trợ người dân giảm nghèo. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo hàng năm của địa phương giảm đáng kể; nhiều hộ nghèo đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, cùng với sự hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền địa phương để tạo lập đời sống ổn định cho chính gia đình mình...

Nhà nước quan tâm hỗ trợ nhiều lĩnh vực

Xác định công tác giảm nghèo luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, những năm qua, huyện Minh Hóa đã tập trung ưu tiên dành các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng và hỗ trợ người dân vươn lên thoát nghèo.

Từ đầu năm 2018 đến nay, thông qua nguồn vốn từ các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (30a, 135), huyện Minh Hóa đã phân bổ trên 53 tỷ đồng để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo.

Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Minh Hóa đang thực hiện 13 chương trình tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, có 12.681 hộ vay vốn, với số tiền được vay 343.516 triệu đồng.

Nhờ các chính sách hỗ trợ trên của Đảng và Nhà nước, nhiều công trình thiết yếu đã được đầu tư xây dựng, bảo đảm phục vụ cho sản xuất và đời sống người dân. Đến nay, tất cả xã ở Minh Hóa đã có đường giao thông về tận trung tâm, có trạm y tế, trường tiểu học và hầu hết các thôn, bản được sử dụng điện (trong đó có 6 xã sử dụng điện năng lượng mặt trời do điện lưới chưa kéo đến), nhà sinh hoạt cộng đồng; hộ nghèo được hỗ trợ làm nhà ở, được khám chữa bệnh miễn phí.

Với sự chỉ đạo tích cực, quyết liệt và sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững ở huyện Minh Hóa đã thu được những kết quả đáng khích lệ.

Ngoài sự hỗ trợ từ các chương trình, dự án của Nhà nước, người dân Minh Hóa đã bỏ thêm tiền “đối ứng” để có những con giống chất lượng hơn.
Ngoài sự hỗ trợ từ các chương trình, dự án của Nhà nước, người dân Minh Hóa đã bỏ thêm tiền “đối ứng” để có những con giống chất lượng hơn.

Đặc biệt, năm 2018, toàn huyện giảm 1.090 hộ nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 33,30% xuống còn 24,73% đầu năm 2019 (giảm 8,57%), vượt kế hoạch UBND tỉnh giao (8,3%). Hộ cận nghèo giảm 519 hộ, giảm tỷ lệ hộ cận nghèo từ 45,10% xuống còn 40,59%. Đây là một kết quả đáng mừng, xây dựng tiền đề vững chắc để Minh Hóa tạo được những đột phá mới trong công tác giảm nghèo cho năm 2019 và những năm tiếp theo.

Theo ông Đinh Văn Lĩnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa, để thực hiện tốt hơn nữa công tác xóa đói giảm nghèo ở địa phương, huyện tiếp tục huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đúng hướng; chú trọng phát triển văn hóa-xã hội; chăm lo giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng giáo dục, y tế và các chính sách xã hội khác.

Đặc biệt, trong năm 2019, huyện Minh Hóa đẩy mạnh hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, tập trung vận động người dân vùng nông thôn, tham gia xuất khẩu lao động; tạo môi trường thuận lợi để người dân có đầy đủ thông tin lựa chọn và tham gia vào các thị trường lao động có thu nhập cao, ổn định. Đây được xem là một trong những giải pháp quan trọng để giảm nghèo nhanh và bền vững.

Để người nghèo thêm quyết tâm thoát nghèo

Những năm trước, gia đình chị Hồ Thị Thanh, người dân tộc Khùa ở bản Hưng, xã Trọng Hóa là một hộ nghèo. Cũng như các gia đình khác trong xã, gia đình chị Thanh được hưởng nhiều chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước nhưng vẫn không thể thoát nghèo. Theo chị Thanh, nguyên nhân là do gia đình chị và nhiều bà con khác trong bản, trong xã đang có tư tưởng “trông chờ, ỷ lại” vào sự hỗ trợ, cho không của Nhà nước, không chịu suy nghĩ, học hỏi cách làm ăn để tự thoát nghèo.

Sau một thời gian nhận hỗ trợ của Nhà nước, chị Thanh đã có suy nghĩ rằng: "Mình không thể cứ nhận mãi sự “hỗ trợ, cứu đói” như thế được mà phải suy nghĩ, học cách làm ăn để tự thân thoát nghèo". Thế nên, chị Thanh bắt đầu tìm hiểu và vay vốn Ngân hàng CSXH huyện Minh Hóa để phát triển kinh tế gia đình, xóa đói giảm nghèo.

Với số tiền vay tín dụng ưu đãi cộng thêm tiền tiết kiệm, gia đình chị đầu tư chăn nuôi bò, lợn, mua giống cây keo về trồng rừng ... Từ đó, kinh tế gia đình chị bắt đầu ổn định, có thu nhập, tích lũy, thoát cảnh ăn bữa nay, lo bữa mai như trước đây.

Kinh tế gia đình phát triển, trở thành người có uy tín, chị Thanh được chị em phụ nữ ở bản Hưng tính nhiệm bầu làm Chi hội trưởng phụ nữ của bản. Chị Thanh có cơ hội tuyên truyền, giúp đỡ nhiều chị em khác về ý thức tiết kiệm, lao động sản xuất để vươn lên thoát nghèo,không trông chờ, ỷ lại vào sự “cứu đói” của Nhà nước.

Tương tự, gia đình ông Đinh Văn Vương ở xã Hóa Hợp cũng là một hộ nghèo vươn lên hộ giàu bằng sự hỗ trợ của Nhà nước. Nhưng, sự hỗ trợ này là ưu đãi về vay vốn, kỹ thuật sản xuất chứ không phải những hỗ trợ “cho không” như trước đây. Hiện nay, gia đình ông Vương đang có 1 trang trại nuôi lợn khép kín và 1ha rừng trồng bằng giống cây cấy mô để làm cây gỗ lớn.

Ngoài ra, gia đình ông cũng là hộ có diện tích trồng lạc lớn, mỗi năm thu trên 40 triệu đồng. Tổng các nguồn thu, mỗi năm, gia đình ông Vương thu về hơn 100 triệu đồng và hiện nay đã thoát khỏi diện hộ nghèo, trở thành một nông dân sản xuất kinh doanh giỏi.

Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Anh Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa chia sẻ: “Nếu như những năm trước đây, các xã trên địa bàn huyện được chủ yếu hỗ trợ trực tiếp các loại giống cây trồng, vật nuôi đúng bằng 100% giá mà Nhà nước đã hỗ trợ, người dân cứ nhận về nuôi trồng mà không phải bỏ thêm đồng nào.

Từ năm 2018, cũng với số tiền hỗ trợ đó, nhưng huyện, xã khuyến khích bà con bỏ thêm tiền “đối ứng” để có thể mua được những những cây, con giống có giá trị cao hơn.Ví dụ, trước đây, với mức hỗ trợ 2.000 đồng/cây giống keo, bà con chỉ có thể mua được giống cây giâm hom chất lượng thấp, nay cũng với mức đó, bà con có thể “đối ứng” thêm tiền để mua giống cây cấy mô chất lượng để trồng rừng cây gỗ lớn, có giá trị kinh tế cao. Tương tự, các loại giống vật nuôi có giá trị cao, như: bò, dê, bà con cũng “đối ứng” để có những con giống chất lượng, dễ nuôi và mau sinh lời.

Điều đáng nói là qua việc bỏ tiền “đối ứng”, người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, sẽ dần bỏ được tư tưởng “trông chờ, ỷ lại”, bởi khi bà con đã bỏ đồng tiền của mình vào đầu tư, thì nhất định sẽ biết quý trọng và thêm quyết tâm thoát nghèo…”

Phan Phương

 

,