.

Lệ Thủy: Chú trọng phát triển các ngành nghề thế mạnh

.
08:36, Thứ Hai, 24/12/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Thực hiện chủ trương của Huyện ủy, UBND huyện Lệ Thủy về đẩy mạnh phát triển công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN), các địa phương, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn đã có nhiều nỗ lực, khắc phục khó khăn, duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh, từng bước đưa sản xuất CN-TTCN của huyện đạt kết quả cao, làm thay đổi cơ cấu kinh tế, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Những năm qua, các cơ sở sản xuất CN-TTCN trên địa bàn huyện Lệ Thủy đã đóng góp một phần không nhỏ vào sự nghiệp phát triển kinh tế của địa phương. Với mục tiêu đẩy mạnh phát triển CN nông thôn, Lệ Thủy đang thực hiện quy hoạch các cụm công nghiệp trên địa bàn huyện nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tăng nhanh tỷ trọng khu vực công nghiệp và dịch vụ. Nhờ đó, lĩnh vực CN-TTCN có mức tăng trưởng khá, ổn định, góp phần tích cực trong phát triển kinh tế-xã hội của huyện.

Hiện nay, toàn huyện có 2.826 cơ sở sản xuất CN, giải quyết công ăn việc làm cho trên 6.800 lao động khu vực nông thôn,với thu nhập bình quân từ 4-5 triệu đồng/người/tháng… Mặc dù số lượng cơ sở sản xuất CN-TTCN nhiều, nhưng quy mô nhỏ, nằm rải rác trong khu dân cư, kinh doanh mang tính chất hộ gia đình, cá thể nên sản phẩm làm ra không nhiều, chất lượng chưa cao, khả năng cạnh tranh trên thị trường yếu, việc phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa còn nhiều hạn chế.

Để giải quyết những vấn đề bất cập đó, UBND huyện Lệ Thủy đã triển khai thực hiện một số giải pháp tích cực nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng CN trong cơ cấu kinh tế của huyện trên cơ sở bám sát quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội, các quy hoạch ngành CN nông thôn.

Trong đó, huyện chú trọng quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch khu CN, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà xúc tiến đầu tư trên địa bàn. Năm 2018, giá trị sản xuất CN-xây dựng tăng 12,48% trong cơ cấu kinh tế của huyện. Huyện Lệ Thủy đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2019, nâng dần tỷ trọng công nghiệp xây dựng tăng 12-13% trong cơ cấu kinh tế của huyện.

Lệ Thủy Huyện xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất CN-TTCN, nhất là ngành nghề truyền thống.
Lệ Thủy Huyện xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất CN-TTCN, nhất là ngành nghề truyền thống.

Với chức năng là cơ quan tham mưu giúp UBND huyện trong việc định hướng phát triển CN trên địa bàn, Phòng Công thương huyện đã phối hợp với Trung tâm khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh xây dựng đề án phát triển ngành nghề phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Để ngành CN và TTCN trên địa bàn huyện phát triển một cách bền vững, Lệ Thủy chú trọng phát triển các ngành nghề được xem là thế mạnh của địa phương, như: sản xuất vật liệu xây dựng, may mặc, chế biến hàng nông sản, trên cơ sở áp dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật nhằm tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài huyện.

Hiện nay, toàn huyện có 6.250 cơ sở cơ thương mại-dịch vụ quy mô nhỏ, chủ yếu sản xuất tại hộ gia đình. Ngành công nghiệp cơ khí sửa chữa máy móc phục vụ cho sản xuất CN nông thôn ở Lệ Thủy cũng gặp không ít khó khăn. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh quy mô đầu tư còn nhỏ lẻ, nguồn vốn hạn hẹp; chưa chú trọng đầu tư đổi mới công nghệ, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, máy móc thiết bị lạc hậu dẫn tới năng suất thấp, tính cạnh tranh không cao.

Nhiều lĩnh vực sản xuất mới dừng lại ở mức độ sơ chế, chưa chế biến sâu nên giá trị sản xuất chưa cao. Bên cạnh đó là trình độ năng lực quản lý cũng như tay nghề người lao động còn thấp; công tác thu hút đầu tư còn hạn chế…

Thời gian tới, huyện Lệ Thủy tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đầu tư các trang thiết bị tiên tiến trên cơ sở những ngành nghề đã có để tạo ra các sản phẩm hàng hóa có giá trị cao, mở rộng thị trường, nâng cao hiệu quả cạnh tranh, phát triển ngành nghề nông thôn gắn với các chương trình, dự án phù hợp với thị trường và vùng nguyên liệu.

Đồng thời, huyện tăng cường công tác kiểm tra, nắm bắt tình hình hoạt động, từ đó, kịp thời có biện pháp tháo gỡ khó khăn, tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Huyện có cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất CN-TTCN, tập trung phát triển thêm các ngành nghề, nhất là ngành nghề truyền thống có thế mạnh, có chính sách hỗ trợ các cơ sở sản xuất thu hút nhiều lao động nông thôn.

Cùng với đó, Lệ Thủy tăng cường công tác quản lý Nhà nước về các hoạt động sản xuất, khai thác tài nguyên khoáng sản, bảo đảm tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường, thúc đẩy sản xuất CN-TTCN trên địa bàn, góp phần từng bước xây dựng huyện nông thôn mới, đô thị văn minh.

Hồng Mến
(Đài TT-TH Lệ Thủy)
 

,