.

Cần giải pháp đồng bộ để phát triển hệ thống chợ trung tâm

.
08:02, Thứ Sáu, 09/11/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Những năm qua, được sự quan tâm, chỉ đạo của Bộ Công thương, UBND tỉnh và các nguồn vốn xã hội hoá…, cơ sở hạ tầng mạng lưới chợ nói chung, chợ trung tâm, đầu mối nói riêng đã từng bước được đầu tư xây dựng, nâng cấp. Tuy nhiên, hiện trạng các chợ vẫn còn nhiều bất cập, cần những giải pháp đồng bộ, kịp thời để khắc phục, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của Quảng Bình hiện nay.

Ông Phan Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, theo Quyết định số 1333/QĐ-CT ngày 11-6-2012 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển thương mại tỉnh đến năm 2020, Quảng Bình đã quy hoạch 6 chợ đầu mối nông, lâm, thuỷ hải sản tại các huyện, thị xã và thành phố trên địa bàn tỉnh, gồm: chợ thị trấn nông trường Lệ Ninh, chợ Mai (huyện Lệ Thủy); chợ Cổ Hiền (huyện Quảng Ninh); chợ Khương Hà, chợ Thanh Hà (huyện Bố Trạch); chợ Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch).

Tuy nhiên, theo Quyết định số 6481/QĐ-BCT ngày 26-6-2015 của Bộ trưởng Bộ Công thương về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển mạng lưới chợ toàn quốc đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, tỉnh Quảng Bình không có chợ đầu mối, mà chỉ có các chợ cần nâng cấp, cải tạo và xây mới thành chợ hạng 1 (chợ trung tâm), gồm: chợ Ba Đồn (TX.Ba Đồn); chợ Hoàn Lão (huyện Bố Trạch); chợ Đồng Hới, chợ Nam Lý (TP.Đồng Hới); chợ Tréo (huyện Lệ Thủy); chợ Đồng Lê (huyện Tuyên Hoá); chợ Quy Đạt (huyện Minh Hoá); chợ Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch).

Như vậy, trên thực tế, đến nay, Quảng Bình vẫn chưa có chợ đạt chuẩn là chợ đầu mối, mà chỉ có những chợ cần nâng cấp, cải tạo và xây mới thành chợ trung tâm. Các chợ này đóng vai trò là chợ phát luồng hàng hoá, điều tiết cung cầu hàng hoá, giá cả thị trường đối với mạng lưới chợ dân sinh bán lẻ của từng địa phương, góp phần quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của dân cư trên địa bàn.

Chợ Đồng Hới là trung tâm giao thương, phân phối hàng hóa trong tỉnh.
Chợ Đồng Hới là trung tâm giao thương, phân phối hàng hóa trong tỉnh.

Để nâng cấp, cải tạo và xây mới các chợ trung tâm, UBND tỉnh đã chủ trương kêu gọi đầu tư theo hướng xã hội hoá, Nhà nước và nhân dân cùng chung tay xây dựng chợ, người dân là chủ thể hưởng lợi trực tiếp.

Các chợ trung tâm, khu vực đông dân cư, nơi khách du lịch tập trung mua sắm đông được ưu tiên đầu tư xây dựng, nâng cấp và cải tạo. Bên cạnh đó, công tác quản lý thị trường trên địa bàn cũng được quan tâm, phối hợp hiệu quả giữa các ngành chức năng trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và kinh doanh trái phép.

Nhờ đó, việc sản xuất, lưu thông hàng hoá phát triển lành mạnh, bảo đảm lợi ích hợp pháp của người sản xuất và tiêu dùng. Theo số liệu thống kê của Sở Công thương, ước tỷ trọng bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ thương mại qua hệ thống chợ chiếm 70%; qua hệ thống siêu thị tại địa phương chiếm khoảng 20%; còn lại thông qua các cửa hàng, tạp hoá bán lẻ hàng hoá. Ngoài chức năng buôn bán, trao đổi hàng hoá, hệ thống chợ trung tâm còn là động lực lớn kích cầu, thu hút nguồn cung, góp phần phát triển sản xuất kinh doanh, gắn sản xuất với thị trường, tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hệ thống chợ nói chung và hệ thống chợ trung tâm nói riêng trên địa bàn tỉnh Quảng Bình vẫn còn những mặt hạn chế, như: cơ sở vật chất-kỹ thuật chợ còn yếu, hệ thống các công trình phụ trợ, vệ sinh an toàn thực phẩm và dịch vụ liên quan chưa bảo đảm.

Có chợ đầu tư xây dựng nhưng hiệu quả thấp, hoặc không hoạt động do chưa phù hợp với phong tục tập quán, không thuận lợi về giao thông… Kinh phí đầu tư xây dựng chợ còn nhiều bất cập; công tác quản lý ở một số chợ chưa phát huy được hiệu quả điều hành hoạt động của chợ mà chỉ mới dừng lại ở việc thu phí…

Để khắc phục những tồn tại trong việc phát triển và quản lý hệ thống chợ, ông Phan Hoài Nam cho biết, Sở Công thương đã tham mưu cho UBND tỉnh những đề xuất trình Bộ Công thương, như: đề nghị Bộ Công thương lồng ghép trong các chương trình thực hiện dự án, đề án có liên quan đến đầu tư, xây dựng chợ để vận dụng hỗ trợ một phần kinh phí cho tỉnh đầu tư, cải tạo, nâng cấp các chợ được quy hoạch.

Trong thời gian tới, ưu tiên xây dựng chợ Xuân Sơn (xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch) để phục vụ khách du lịch ở khu vực Phong Nha-Kẻ Bàng… Đề nghị Chính phủ, Bộ Công thương và các bộ, ngành liên quan sớm ban hành các cơ chế chính sách đồng bộ để khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xã hội hóa đầu tư xây dựng chợ.

Cần có những chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào các chợ dân sinh, có chế độ ưu đãi đối với các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế, các hộ kinh doanh theo quy định của pháp luật…

   Lê Mai
 

,