.

Phát triển bền vững du lịch nông nghiệp-Kỳ 2: Khơi dậy tiềm năng

.
08:19, Thứ Hai, 10/09/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Du lịch nông nghiệp được kỳ vọng là “cú hích”đưa các làng quê phát triển, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn. Tuy nhiên, để loại hình du lịch này tạo được sức hút, lộ trình vẫn còn rất dài và gian nan, rất cần những chiến lược dài hơi và đồng bộ.

Còn nhiều rào cản

Làng nghề chế biến bánh mè xát Tân An, xã Quảng Thanh, huyện Quảng Trạch là một trong những địa điểm có nhiều tiềm năng để phát triển dịch vụ du lịch bởi vừa dễ dàng kết nối với Vũng Chùa - Đảo Yến, vừa thuận lợi kết nối với các làng nghề lân cận trên địa bàn, như: nón lá Thổ Ngọa, đan lát Thọ Đơn, mộc mỹ nghệ Quảng Hòa…

Chị Phan Thị Cẩm Tú, Giám đốc HTX làng nghề chế biến bánh mè xát Tân An chia sẻ, dù đã trải qua 20 năm hoạt động và cũng đã khá nổi tiếng, tuy nhiên, cho đến nay, HTX làng nghề chế biến bánh mè xát Tân An vẫn chưa được một đơn vị kinh doanh du lịch nào liên hệ để giới thiệu, quảng bá cũng như chọn làm điểm đến trong các tour du lịch chính thức.

Du lịch nông nghiệp góp phần phát triển sinh kế cho người dân nông thôn.
Du lịch nông nghiệp góp phần phát triển sinh kế cho người dân nông thôn.

Đây cũng chính là điều mà các xã viên HTX làng nghề chế biến bánh mè xát Tân An cảm thấy nuối tiếc. Từ nhiều năm nay, HTX làng nghề chế biến bánh mè xát Tân An chủ yếu đón các đoàn khách từ các địa phương lân cận tự tìm đến để tham quan, tìm hiểu và mua một số sản phẩm của làng nghề.

Cũng theo chị Tú, khó khăn của HTX chính là cơ sở sản xuất còn manh mún, chưa tập trung do thiếu diện tích đất để xây nhà xưởng. Ngoài ra, các thành viên trong HTX cũng chưa có nhiều kinh nghiệm để giao tiếp, giới thiệu với du khách về quy trình làm bánh và quảng bá sản phẩm nên rất khó để biến nơi đây thành điểm đến.

>> Phát triển bền vững du lịch nông nghiệp-Kỳ 1: Tiềm năng chờ khai phá

Trường hợp của HTX làng nghề bánh mè xát Tân An chỉ là một ví dụ cụ thể. Thực tế, dù tỉnh ta có nhiều làng nghề truyền thống, nhiều làng quê yên bình và đẹp; du lịch nông nghiệp tỉnh ta có nhiều tiềm năng nhưng vẫn chưa thể “đánh thức” để trở thành điểm đến hấp dẫn trong các tour du lịch.

Nguyên nhân là do chúng ta còn thiếu những điểm đến đặc trưng, sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhỏ lẻ; các mặt hàng truyền thống còn thô sơ, chưa hấp dẫn được du khách cả về mẫu mã lẫn chất lượng.

Kèm theo đó, nguồn nhân lực phục vụ du lịch nông nghiệp chủ yếu dựa vào người dân địa phương, trong khi bà con vốn chỉ quen với sản xuất nông nghiệp, chưa đủ kỹ năng để phục vụ du lịch, hướng dẫn du khách. Chưa kể khi phát triển du lịch nông nghiệp, nông dân cũng gặp phải những khó khăn trong vấn đề liên kết, quảng bá, giới thiệu về mô hình của mình…

Cần có chiến lược dài hơi và đồng bộ

Nhằm đánh thức tiềm năng du lịch nông nghiệp, thời gian qua, Sở Du lịch đã chú trọng giới thiệu hình ảnh của nông nghiệp Quảng Bình, các đặc sản, làng nghề... thông qua các ấn phẩm du lịch, các bài giới thiệu tại hội nghị giới thiệu, quảng bá du lịch, hội chợ du lịch trong và ngoài nước.

Qua đó, các hoạt động góp phần quảng bá rộng rãi các sản phẩm nông nghiệp phục vụ cho du lịch nông nghiệp, đồng thời mở ra nhiều cơ hội đề làng nghề thu hút đầu tư, mở rộng sản xuất các sản phẩm phục vụ cho khách du lịch và chuyển đổi thành các điểm tham quan du lịch...

Bên cạnh đó, Sở cũng đã phối hợp với các đoàn làm phim “S Việt Nam”, “Chương trình khám phá Việt Nam”… giới thiệu về các điểm du lịch, các làng nghề, ẩm thực đặc sắc của tỉnh ra nước ngoài; phối hợp với các kênh thông tin truyền thông trong nước xây dựng các chuyên mục giới thiệu du lịch Quảng Bình; làm nổi bật hình ảnh của các làng nghề, đặc sản của nông nghiệp Quảng Bình, tạo sức hút đối với du khách trong nước và quốc tế.

Tuy nhiên, việc phát triển du lịch nông nghiệp vẫn là chặng đường dài gian nan, đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ từ nhiều phía với những biện pháp căn cơ và kế hoạch lâu dài.

Theo ông Hồ An Phong, Giám đốc Sở Du lịch, để khai thác được tiềm năng du lịch nông nghiệp, trước hết, cần tăng cường tuyên truyền thông tin về lợi ích của việc phát triển du lịch nông nghiệp; xem đây là một trong những giải pháp thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và ngành dịch vụ, đa dạng hóa sản phẩm của cả hai ngành; tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân tại các địa phương về tầm quan trọng của du lịch nông nghiệp trong xóa đói giảm nghèo, phát triển sinh kế cho người dân khu vực nông thôn; đồng thời, cần đào tạo, tập huấn cho người dân, doanh nghiệp về loại hình sản xuất kinh doanh mới này.

Bên cạnh đó, cần có chính sách ưu đãi, tạo cơ chế thông thoáng và thuận lợi cho các chủ thể tham gia mô hình du lịch nông nghiệp tại địa phương…

Phát triển du lịch nông nghiệp tạo cơ hội tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tại địa phương.
Phát triển du lịch nông nghiệp tạo cơ hội tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tại địa phương.

Ngoài những nỗ lực của ngành du lịch, phía ngành Nông nghiệp và PTNT cũng cần triển khai các mô hình khuyến nông theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ, gắn với du lịch sinh thái, nâng cao giá trị gia tăng và sản xuất bền vững.

Hệ thống khuyến nông cần có các dự án để phát triển những mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp làng nghề, phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm; nâng cao chất lượng hạ tầng nông thôn có tiềm năng phát triển du lịch, bổ sung hoàn thiện cơ chế chính sách, hỗ trợ thu hút đầu tư vào nông nghiệp; chuyển mạnh cơ cấu đầu tư trong nông nghiệp, nông thôn thông qua đầu tư có kế hoạch và trọng tâm bằng các cơ chế mới, đặc thù.

Các địa phương cần chú trọng từ khâu liên kết sản xuất, thu hoạch, chế biến đến khâu tiêu thụ; thu hút doanh nghiệp, tăng cường kết nối thông tin và thị trường trên cơ sở xác định từng ngành hàng chủ lực; chú trọng đầu tư cho nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp chất lượng cao để tạo thành những điểm đến thực sự nhằm “chắp cánh” cho du lịch nông nghiệp.

Có như vậy, Quảng Bình mới khai thác tối đa những đặc trưng ưu việt của ngành nông nghiệp kết hợp với giá trị văn hóa bản sắc của từng vùng miền, địa phương; góp phần đưa du lịch nông nghiệp tỉnh nhà phát triển tương xứng tiềm năng và tạo bước đột phá cho du lịch nông nghiệp.

Thanh Hải
 

,