.

Thanh Thủy làm giàu từ khoai lang

.
15:02, Thứ Bảy, 09/06/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Khoảng 4 năm trở lại đây, nhiều người dân xã Thanh Thủy, huyện Lệ Thủy giàu lên nhờ chuyển đổi 160 ha đất trồng dưa hấu và đậu sang trồng khoai lang. Theo bà con, trồng cây khoai lang trên cát rất dễ, phát triển nhanh và cho thu nhập từ 90 đến 120 triệu đồng/ha, cao hơn nhiều lần so với trồng các loại cây màu khác.

Cuối năm 2013, Đảng ủy xã Thanh Thủy, huyện Lệ Thủy ra chủ trương và HĐND xã ra nghị quyết chuyển đổi 160 ha đất trồng dưa hấu, đậu các loại sang trồng giống cây khoai lang đỏ chuồn. Chủ trương này xuất phát từ việc tham quan, học hỏi các mô hình chuyển đổi cây trồng trên cát hiệu quả từ các địa phương trong nước.

Thời điểm đó, ở địa phương đã có một số hộ dân mang giống khoai này từ Đà Lạt về trồng và phát huy hiệu quả. Chủ trương, nghị quyết phù hợp với lòng dân nên ai cũng đồng tình thống nhất cao. Toàn bộ diện tích trồng đậu, dưa hấu tại vùng Miều Đông, Ba Za, vùng Kiệt đã được thay thế bằng những cánh đồng khoai ngút ngàn. Từ khi bén duyên trên vùng cát, cây khoai lang đã giúp đời sống người nông dân ở đây thực sự khởi sắc.

Cây khoai lang ở Thanh Thủy được trồng nhiều ở các thôn 1, thôn 2, thôn 3 Thanh Tân và thôn 3 Thanh Mỹ. Từ khi trồng với số lượng lớn, năm nào khoai cũng được mùa, được giá nên bà con rất phấn khởi.

Cơ sở sản xuất khoai deo Lâm Hường ở thôn 1 Thanh Tân mỗi năm tiêu thụ hàng trăm tấn khoai nguyên liệu, giải quyết việc làm cho nhiều lao động.
Cơ sở sản xuất khoai deo Lâm Hường ở thôn 1 Thanh Tân mỗi năm tiêu thụ hàng trăm tấn khoai nguyên liệu, giải quyết việc làm cho nhiều lao động.

Ông Nguyễn Văn Thuyết, ở thôn 2 Thanh Tân chia sẻ: “Cây khoai lang dễ trồng, dễ chăm sóc lại cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao nên bà con ai cũng vui mừng. Cùng nhờ trồng khoai mà đời sống kinh tế gia đình tôi thêm khấm khá, con cái được học hành đàng hoàng, trong nhà cũng sắm được nhiều vật dụng có giá trị”.

Nhà ông Thuyết có 1,2ha đất trồng khoai và mỗi năm cho thu nhập từ 120 đến 125 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Trước đây, trên diện tích này, ông chủ yếu trồng đậu và dưa hấu, mỗi năm làm 2 vụ những cũng chỉ mang lại nguồn thu khoảng 35 triệu đồng.

Theo ông Thuyết, để trồng được khoai lang, bà con sau khi thu hoạch xong lấy lại một ít củ trồng tại vườn nhà cho khoai nảy mầm, ra ngọn. Sau đó, cắt ngọn trồng đều khắp vườn rồi cuối năm đem ra trồng. Khoảng 15 ngày sau, khoai bén rễ, bắt đầu phát triển thì trục lên, bỏ rơm xuống cho tơi đất, bón đạm, lân, kaly rồi lấp lại chờ đến thu hoạch.

Trong thời gian chờ đợi, người trồng khoai phải thường xuyên kiểm tra, nếu phát hiện sâu bệnh thì phun các loại thuốc để phòng trừ. Cây khoai lang từ khi trồng đến thu hoạch có thời gian khoảng 4 tháng. Sau khi thu hoạch, 1 ha khoai lang đạt khoảng 13 tấn củ, với giá hiện tại, người nông dân có thể thu lãi khoảng 120 triệu đồng sau khi trừ mọi chi phí. Không chỉ ông Thuyết, ở xã Thanh Thủy còn có hàng trăm hộ dân có thu nhập khoảng 100 triệu đồng/vụ khoai.

Ông Trần Văn Tái, ở thôn 2 Thanh Tân phấn khởi: “Vụ khoai năm nay được mùa, được giá nhất từ trước đến nay. So với trồng dưa hấu và đậu, gia đình tôi có vụ lãi gấp 5 lần, lại ít đầu tư công sức và vốn hơn”. Gia đình ông Tái có 6 lao động và 3 ha đất trồng khoai, trung bình mỗi vụ cho thu nhập khoảng 300 triệu đồng. Ông cũng là một trong số những hộ dân trồng khoai đầu tiên và có diện tích nhiều nhất xã.

Ông Nguyễn Công Lành, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Thủy tâm sự: “Những năm trước đây, cây khoai lang được bà con xem như loại cây trồng "phụ" để chống đói và làm thức ăn chăn nuôi. Nhưng vài năm trở lại đây, cây khoai lang đã được "nâng tầm" và trở thành loại cây cho thu nhập chính, cao gấp 3-4 lần so với trồng lúa và các loại cây nông nghiệp khác”...

Không chỉ người trồng khoai lang phấn khởi mà người thu mua khoai lang cũng tận hưởng niềm vui. Ông Phan Xuân Lâm, chủ cơ sở sản xuất khoai deo Lâm Hường ở thôn 1 Thanh Tân nói: “Trước đây, tôi phải đi khắp nơi trong huyện và cả huyện Quảng Ninh để mua khoai nguyên liệu nhưng vẫn không đáp ứng nhu cầu cho cơ sở sản xuất. Nhưng khoảng 4 năm trở lại đây, bà con trong xã đẩy mạnh trồng khoai nên nguồn nguyên liệu rất dồi dào, chất lượng khoai cũng rất tốt.

Hàng năm, cứ đến mùa thu hoạch, tôi chỉ cần ra cánh đồng khoai của bà con gần nhà thu mua hoặc nói bà con chở về tận nhà”. Trung bình mỗi năm, cơ sở của ông Lâm tiêu thụ cho bà con trong xã khoảng 300 tấn khoai nguyên liệu.

Từ việc sản xuất khoai deo, cơ sở ông Lâm đã giải quyết việc làm theo thời vụ cho 10 lao động tại địa phương với mức thu nhập từ 4 đến 4,5 triệu đồng/người/tháng. Hiện cơ sở sản xuất khoai deo này có các sản phẩm, như: khoai ép dẻo, mứt và tinh bột khoai. Sản phẩm từ khoai của cơ sở ông Lâm giờ đây đã vươn ra thị trường cả nước. Mỗi năm, gia đình ông Lâm thu nhập trên 300 triệu đồng sau khi trừ chi phí.

Có thể khẳng định, việc chuyển đổi diện tích một số cây màu sang trồng khoai lang đã cho thấy chủ trương rất đúng đắn của xã Thanh Thủy. Việc làm này đã từng bước nâng cao đời sống của nhân dân cũng như bộ mặt nông thôn trong xã.

Nếu như cách đây 5 năm, xã Thanh Thủy có khoảng 25% hộ nghèo, thì nay nhờ trồng khoai lang, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã giảm xuống dưới 4,5%.  Phong trào xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã được bà con hưởng ứng, tham gia nhiệt tình. Xã Thanh Thủy đang phấn đấu cán đích nông thôn mới vào cuối năm 2018.

Việt Hà


 

,