.

Người nuôi lợn có "mặn mà" với việc tái đàn?

.
09:59, Thứ Ba, 12/06/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Thời gian gần đây, giá lợn liên tục lên xuống thất thường, đặc biệt có thời điểm xuống thấp trong thời gian dài, rồi tăng cao đột ngột, tác động lớn đến hệ thống sản xuất cũng như tâm lý chung của người chăn nuôi.

Thịt lợn “rớt giá”, ngườinuôi lao đao

Những ngày đầu năm 2017, giá thịt lợn hơi bắt đầu có xu hướng giảm mạnh, từ 35.000 đồng/kg xuống 30.000 đồng/kg, rồi 27.000 - 25.000 đồng/kg, các hộ nuôi lợn rất lo lắng, thấp thỏm. Ông Nguyễn Sỹ Nguyên, thôn Tiền Phong, xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch cho biết: “Gia đình tôi nuôi lợn từ năm 2013 với quy mô khoảng 300 con lợn thịt, chưa có năm nào giá thịt lại xuống thấp như năm 2017. Một con lợn bán ra chỉ bù lại tiền giống, còn tiền thức ăn, thuốc men… chấp nhận lỗ khoảng 2 triệu đồng”.

Mặc dù bị lỗ nhưng việc bán lợn trong thời điểm này cũng không dễ, ông Nguyên cho biết, mặc dù giá lợn hơi rẻ, có lúc chỉ còn 20.000 - 23.000 đồng/kg, nhưng thương lái vẫn chê vì lợn to hơn một tạ, họ còn trả giá thấp hơn, khiến người chăn nuôi đã gặp khó càng thêm bế tắc.

Tương tự như gia đình ông Nguyên, gia đình ông Đinh Thanh Minh ở xã Xuân Hoá, huyện Minh Hoá cũng nuôi trên 150 con lợn (130 con lợn thịt, 20 con lợn nái). Để phát triển trang trại, ông đã bỏ vốn đầu tư gần 200 triệu đồng làm chuồng trại và mua con giống để nhân đàn. Đến thời điểm lợn xuất chuồng thì giá giảm, vậy nhưng vẫn không có thương lái nào đến hỏi mua, trong khi chi phí thức ăn mỗi ngày hơn 4 triệu đồng, nếu không bán thì chi phí này sẽ ngày một lớn hơn.

Để xuất đàn lợn, ông Minh phải tự mình mổ lợn đem ra chợ bán, vậy nhưng bán cũng không có lời và phương án này không thể giải quyết được hết số lợn trong chuồng. Gia đình ông Minh rơi vào tình cảnh “dở khóc, dở cười” khi bán lỗ cũng không được, còn để lợn trong chuồng kéo dài cũng dẫn đến nguy cơ phá sản vì chi phí chăn nuôi tăng cao.

Tình cảnh của ông Nguyên, ông Minh cũng là khó khăn chung của người nuôi lợn trong tỉnh nói riêng và cả nước nói chung trong năm 2017.

Ngành nông nghiệp khuyến khích người dân chăn nuôi tập trung, tham gia liên kết chuỗi.
Ngành nông nghiệp khuyến khích người dân chăn nuôi tập trung, tham gia liên kết chuỗi.

Tái đàn cầm chừng, dù giá lợn tăng

Sau một thời gian dài sụt giảm mạnh về giá, đến nay, giá thịt lợn hơi đã tăng mạnh trở lại. So với thời điểm năm 2017, hiện giá lợn hơi đã tăng hơn gấp đôi, giá xuất chuồng giao động từ 43.000-45.000 đồng/kg, thậm chí ở một số nơi giá còn lên đến 50.000 đồng/kg, giúp người chăn nuôi có lãi.

Nguyên nhân giá thịt lợn hơi tăng “đột biến” trong những ngày gần đây là do nguồn cung giảm rất mạnh, vì trước đó người chăn nuôi giảm đàn hoặc ngừng chăn nuôi. Bên cạnh đó, thị trường xuất khẩu tiểu ngạch cũng tác động ít nhiều khi Campuchia đang gia tăng tiêu thụ thịt lợn Việt Nam.

Do giá lợn hơi tăng nên mặt hàng thịt lợn tại các chợ cũng có chiều hướng tăng giá mạnh. Khảo sát tại một số chợ truyền thống và chợ dân sinh trên địa bàn tỉnh Quảng Bình trong thời gian này, giá thịt lợn đắt hơn đáng kể, từ khoảng 70.000 đồng/kg tăng lên 100.000 đồng/kg.

Theo các trang trại, với giá lợn đã phục hồi như hiện nay, người nuôi có lãi khoảng 700.000-800.000 đồng/con lợn xuất chuồng. Những trang trại tự sản xuất được giống, chủ động được thức ăn, có thể lãi cả triệu đồng mỗi con lợn bán ra thời điểm này.

Ông Nguyên, chủ trang trại ở xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch cho biết: “Năm 2017, khi giá lợn hơi xuống thấp, sau khi xuất chuồng được một lứa thì gia đình tôi không nuôi nữa vì lỗ vốn quá lớn. Đến đầu năm nay, giá con giống có giảm nên tôi quyết định đầu tư nuôi trở lại. Nay lứa lợn đầu tiên đã gần xuất chuồng, giá lợn hơi cũng đang tăng cao trở lại, với mức này thì đã bắt đầu có lãi. Tuy nhiên, giá phải duy trì ở mức cao như hiện nay trong thời gian dài nữa thì may ra gia đình tôi mới gỡ gạc được khoản lỗ trước đây”.

Trước lo ngại giá lợn tăng trở lại, người chăn nuôi sẽ tái đàn, các nhà quản lý trong lĩnh vực chăn nuôi nhận định không đáng lo ngại. Bởi, vào thời điểm cuối năm 2017, nhiều trang trại nuôi lợn đã phải bán chạy, bán tháo đàn lợn với giá rẻ bèo vì không bán thì càng lỗ, thêm nợ nần. Trong khi, hiện nay, giá lợn giống đã tăng lên khá cao, khoảng 1,4 triệu đồng/con, do đó giá lợn tăng lên cũng đành chịu, người nuôi không có sức để tái đàn.

Ông Lưu Văn Hiền, Giám đốc HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ thực phẩm sạch Hiền Nguyên (xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch) cho hay, toàn xã Thanh Trạch trước đây có 32 trang trại chăn nuôi lợn nhưng đến nay chỉ còn 10 trang trại. Ngay trong HTX, từ sau khi giá lợn sụt giảm, quy mô nuôi lợn cũng bị thu hẹp, những xã viên nuôi từ 20-30 con lợn thì nay đã bỏ hẳn, như: ông Trần Quang Tùng, ông Nguyễn Xuân Lực, ông Nguyễn Trọng Huynh…

Ông Tùng là người nuôi lợn đã gần 20 năm, theo ông, nuôi lợn khá vất vả, vốn và công sức bỏ ra nhiều, nhưng giá cả, thị trường tiêu thụ bấp bênh. Do đó, sau lần thua lỗ vừa qua, ông Tùng quá ngán ngẫm với việc nuôi lợn nên quyết định từ bỏ.

Khác với ông Tùng, ông Nguyên vẫn quay trở lại tái đàn, bởi theo ông: “Tôi đã phải vay mượn tiền tỷ ở ngân hàng để đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại, giờ mà bỏ không chuồng trại thì biết bao giờ mới có tiền để bù lại số vốn đã bỏ ra?” Tuy nhiên, việc tái đàn của ông Nguyên vẫn cầm chừng, bởi ông Nguyên nhận định giá cả thị trường bấp bênh, việc giá lợn tăng cao chưa chắc kéo dài được lâu.

Trước những khó khăn các xã viên đang gặp phải trong chăn nuôi, ông Lưu Văn Hiền cho biết, hiện HTX đang hướng các xã viên của mình sản xuất, chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGap, không phát triển chăn nuôi đàn lợn ồ ạt để tránh bị thua lỗ như thời gian qua. Bên cạnh đó, HTX cũng đang tiến hành xây dựng cơ sở giết mổ động vật tập trung (với quy mô 200 con lợn, 1.000 con gà được giết mổ trong 1 ngày đêm), mở cửa hàng bán thực phẩm sạch, hỗ trợ đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp sạch của HTX…

Về phía Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), ông Trần Công Tám, Chi cục trưởng cho biết, hiện tổng đàn lợn trong toàn tỉnh đạt khoảng 312.457/375.000 con, đạt 83% so với kế hoạch, bằng 91% so với cùng kỳ; trong đó, đàn lợn nái 40.517 con, chiếm 13% so với tổng đàn.

Để giúp người chăn nuôi ổn định tình hình sản xuất, ngành chăn nuôi tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp thâm canh tăng năng suất sinh sản; tuyên truyền, khuyến khích các hộ nuôi lợn nhỏ lẻ chuyển dịch tái cơ cấu chăn nuôi sang tập trung. Đồng thời, ngành cũng khuyến khích, vận động các cơ sở chăn nuôi tham gia chuỗi liên kết theo mô hình chuỗi thực phẩm an toàn, có hợp đồng bao tiêu sản phẩm để ổn định đầu ra.

Ngoài ra, ngành Nông nghiệp tỉnh cũng khuyến cáo người chăn nuôi cần theo dõi, thăm dò, nắm bắt nhu cầu thị trường để có hướng đầu tư phù hợp, tránh tình trạng phụ thuộc nhiều vào thương lái, cung vượt cầu, lợn không bán được, bị ép giá dẫn đến thua lỗ.

Lê Mai

 


 

,